Thành ngữ gốc Hán – Ngày ngày viết chữ tuyển chọn và giới thiệu (Phần 1)
| On Th409,2025
(Ngày ngày viết chữ) Thành ngữ gốc Hán là những thành ngữ du nhập vào tiếng Việt, trở thành một bộ phận của tiếng Việt, tuy phạm vi sử dụng có hạn chế, nhưng cũng không hại gì nếu chúng ta biết thêm. Một số thành ngữ còn có tác dụng như một lời răn, một thông điệp tự nhắc nhở. Việc hiểu các thành tố cấu tạo nên những thành ngữ này cũng giúp chúng ta hiểu hơn về từ vựng Hán Việt.
Ngày ngày viết chữ tuyển chọn và giới thiệu một số thành ngữ, hy vọng có thể gợi cho bạn đọc đôi chút cảm hứng với chữ nghĩa.
★ Bạch ngọc vi hà ★
“Bạch ngọc vi hà”, chữ Hán viết là 白玉微瑕, nghĩa là viên ngọc trắng nhưng có tì vết nhỏ, thành ngữ này dùng để chỉ người hoặc việc gì rất tốt đẹp nhưng có khuyết điểm nhỏ.
Chữ “hà” (瑕) này chuyên dùng để chỉ tì vết trên viên ngọc, mở rộng để chỉ khiếm khuyết của người, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (từ đây trở đi gọi là Tự điển Thiều Chửu) giảng điều lầm lỗi của người ta gọi là “hà tì” (瑕疵).
★ Cách cố đỉnh tân ★
“Cách cố đỉnh tân”, chữ Hán viết là 革故鼎新, nghĩa là bỏ cũ dựng mới, bỏ cũ làm nên cái mới.
– “Cách” là thay đổi, bãi bỏ (như cách chức, cách mạng, cải cách,…). Chữ “cách” này nguyên nghĩa là da thú đã thuộc, sau mới dùng với ý nghĩa là “thay đổi”.
– “Cố” là cũ (như cố hương, cố hữu – 故有 – cái vốn có, cố hữu – 故友 – bạn cũ, cố nhân, cố quốc,…).
– “Đỉnh” vốn là một dụng cụ bằng kim loại, có ba chân, xưa dùng để nấu ăn, thường là nấu cho người nhiều người ăn, là vật báu lưu truyền của các quốc gia xưa, nên lấy được thiên hạ thì gọi là “định đỉnh”.
“Đỉnh tân” trong thành ngữ này hiểu là lập nên cái mới, dựng lên cái mới. “Cách cố đỉnh tân” xưa dùng để chỉ sửa đổi triều chính hoặc thay đổi triều đại, về sau dùng để chỉ việc bỏ cũ dựng mới nói chung.
★ Canh huyền dịch triệt ★
“Canh huyền dịch triệt”, chữ Hán viết là 更弦易轍, nghĩa là thay đổi hành vi, phương pháp làm một việc gì.
– “Canh” là thay đổi, như canh tân 更新 là đổi mới, canh y 更衣 là thay áo.
– “Huyền” là dây đàn, như độc huyền cầm 獨弦琴 là đàn chỉ có một dây (tức đàn bầu của ta).
– “Dịch” cũng là thay đổi, như biến dịch 變易, di dịch 移易, di phong dịch tục 移風易俗 – thay đổi phong tục sẵn có bằng nếp sống và thói quen mới.
– “Triệt” là vết bánh xe, có câu phục đạo tiền triệt 復蹈前轍 nghĩa là giẫm lên vết bánh xe đi trước, ngụ ý phạm phải cùng lỗi lầm của người đi trước.
“Canh huyền dịch triệt”, Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh (từ đây trở đi gọi là Từ điển Đào Duy Anh) giảng là đánh đàn lâu thì phải thay dây, đi đường lâu thì phải thay bánh xe. Thành ngữ này được dùng để tỉ dụ việc thay đổi hành vi hoặc phương pháp làm việc nhằm tiến bộ hơn.
★ Cô nguyệt huyền trung ★
“Cô nguyệt huyền trung”, chữ Hán viết là 孤月懸中, nghĩa là mặt trăng lớn tròn đứng một mình, chung quanh không có sao nhỏ.
– Cô là một mình, là chữ cô trong cô độc (孤獨).
– Huyền là treo, treo lơ lửng. Trong sách Cổ mỹ từ, Ngày ngày viết chữ cũng có nhắc tới chữ “huyền” này trong từ “đảo huyền” (倒懸), nghĩa đen là treo ngược lên, người hoặc vật mà bị treo ngược lên, treo cho chúc đầu xuống thì gọi là đảo huyền. Từ điển Đào Duy Anh giảng nghĩa bóng của đảo huyền là “khổ sở đến cực điểm”.
“Cô nguyệt huyền trung” là mặt trăng treo lơ lửng, đứng một mình trong không trung, ngụ ý chỉ văn tài xuất chúng, nổi bật giữa trời, không ai sánh cùng.
★ Đào lý tân âm ★
“Đào lý tân âm”, chữ Hán viết là 桃李新陰, trong đó:
– “Đào lý” nghĩa đen là cây đào và cây lý/cây mận, hai thứ cây trồng tốt, mùa hạ được bóng mát, mùa đông được ăn trái. Người xưa dùng “đào lý” để ví người học trò, người tài giỏi nói chung.
– “Tân” là mới, “âm” là bóng râm, bóng mát.
Từ điển Đào Duy Anh giảng “đào lý tân âm” là thành ngữ dùng để chỉ lớp nhân tài mới, ngụ ý cửa thầy nhiều học trò giỏi, lớp “đào lý” sau nối tiếp lớp “đào lý” trước, không ngừng cho bóng mát.
★ Điểm kim thành thiết ★
“Điểm kim thành thiết”, chữ Hán viết là 點金成鐵, nghĩa là chấm vào (điểm) vàng (kim) mà lại hoá ra thành sắt (thiết).
Thành ngữ này dùng để nói văn chương vốn hay nhưng bị sửa lại mà thành ra dở, chuyện vốn tốt mà nhúng tay vào thành ra xấu.
Từ điển Đào Duy Anh giảng “nguyên văn vẫn hay vì sửa lại mà thành ra dốt, nguyên chất vẫn tốt mà uốn dẻo lại thành ra xấu”. Ngược lại của “điểm kim thành thiết” là “điểm thiết thành kim” hoặc “điểm thạch thành kim”, tức là chấm vào sắt, đá mà hoá ra vàng, cái đang dở nhờ được sửa lại mà thành ra hay.
★ Nha sào sinh phụng ★
“Nha sào sinh phụng”, chữ Hán viết là 鴉巢生鳳, trong đó:
– “Nha” là con quạ, con quạ khoang. Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự có câu: “Ngàn non ngậm kín bóng tà, Lá cây xào xạc, chiếc nha điểm sầu”. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng “chiếc nha điểm sầu” là: Con quạ có sắc đen như một chấm mực nó điểm vào nơi phong cảnh buổi chiều, khi bóng tà dương đã khuất núi, thêm một điểm buồn rầu.
– “Sào” là cái tổ chim, như “yến sào” là tổ yến.
– “Sinh” là đẻ ra.
– “Phụng” là chim phụng, hay chim phượng, người xưa quan niệm chim phượng là điềm có đế vương.
“Nha sào sinh phụng” là tổ quạ mà sinh ra chim phượng, nghĩa bóng chỉ nhà bần tiện mà sinh được con giỏi.
★ Nhân sinh triêu lộ ★
“Nhân sinh triêu lộ”, chữ Hán viết là 人生朝露, trong đó:
– Nhân sinh là đời người;
– Triêu là buổi sớm, buổi ban mai;
– Lộ là hạt móc, cũng gọi là giọt cởi, là kiểu sương đọng thành giọt, Từ điển Đào Duy Anh giảng lộ là hơi nước ban đêm gặp lạnh mà kết thành hạt nhỏ.
“Nhân sinh triêu lộ” nghĩa là đời người ngắn ngủi, như hạt móc buổi mai, mặt trời mọc là tan ngay.
★ Nhật mộ đồ viễn ★
“Nhật mộ đồ viễn”, chữ Hán viết là 日暮途遠.
– “Mộ” là chiều tối, Tự điển Thiều Chửu giảng “lúc mặt trời sắp lặn gọi là mộ”. “Nhật mộ” là trời tối, ngày đã đến lúc tối.
– “Đồ” là con đường, đường đi, như “tiền đồ” (前途) là con đường phía trước, chỉ tương lai. “Đồ viễn” là đường còn xa.
“Nhật mộ đồ viễn” là trời tối mà đường còn xa. Ý nói thì giờ đã sắp hết mà công việc còn lâu dài lắm.
★ Ngộ ngã lương bằng ★
“Ngộ ngã lương bằng”, chữ Hán viết là 遇我良朋, Từ điển Đào Duy Anh giảng thành ngữ này có nghĩa là gặp được người bạn tốt của ta.
– “Ngộ” là gặp gỡ, thường gặp trong các từ hạnh ngộ, hội ngộ, kỳ ngộ, tao ngộ, tri ngộ, tương ngộ,…
– “Ngã” là tôi, ta, mình, như bản ngã, duy ngã, vô ngã,…
– “Lương” là tốt, hiền lành, như lương duyên, lương tâm, lương thiện, lương tri, lương y,…
– “Bằng” là bạn bè, những người giống nhau cùng chơi với nhau gọi là “bằng”, như bằng hữu, bằng môn, bằng liêu,… “Lương bằng” nghĩa là bạn tốt.
“Ngộ ngã lương bằng” nghĩa là gặp được bạn tốt của mình, chỉ nỗi vui mừng khi gặp được (hoặc gặp lại) bạn tốt.
★ Tẩm thực thi thư ★
“Tẩm thực thi thư”, chữ Hán viết là 寢食詩書, trong đó:
– Tẩm là ngủ, nghỉ;
– Thực là ăn;
– Thi thư ở đây chỉ chung sách vở, cũng chỉ việc học hành.
“Tẩm thực thi thư”, Từ điển Đào Duy Anh giảng là ăn nằm ở nơi sách vở, chỉ người siêng học.
Chữ “tẩm – 寢” ngoài nghĩa là ngủ, nghỉ thì trong các trường hợp khác còn có nghĩa là nhà, chỗ nghỉ ngơi hoặc lăng mộ của nhà vua. Chữ “thực – 食” ngoài nghĩa là ăn (động từ) còn dùng để chỉ đồ ăn (danh từ) và một số nghĩa ít dùng khác nữa. Từ “thi thư – 詩書” cũng dùng để chỉ Kinh Thi và Kinh Thư, hai bộ trong Ngũ Kinh của Trung Hoa.
★ Thệ thuỷ niên hoa ★
“Thệ thuỷ niên hoa”, chữ Hán viết là逝水年華, trong đó:
– “Thệ” là trôi đi, chảy đi, đi qua, đi không trở lại. “Thệ thuỷ” là nước chảy đi.
– “Niên hoa” là tuổi trẻ, cũng chỉ năm tháng thời gian.
“Thệ thuỷ niên hoa” nghĩa là tuổi trẻ hoặc năm tháng đi không trở lại, ví như dòng nước chảy xuôi, qua rồi không quay lại nữa.
★ Trí viên hạnh phương ★
“Trí viên hạnh phương”, chữ Hán là智圓行方, trong đó:
– “Trí” là khôn, hiểu biết, hiểu thấu sự lý. Tiếng nhà Phật có từ “viên thông” 圓通 nghĩa là hiểu thấu suốt hết lẽ đạo một cách toàn vẹn.
– “Viên” là tròn, tròn trĩnh, không góc cạnh.
– “Hạnh” là cái nết tốt. Tự điển Thiều Chửu giảng “hạnh” là cái nết na, còn ở tâm là đức 德, thi hành ra là hạnh 行.
– “Phương” là vuông vức, là ngay thẳng.
Từ điển Đào Duy Anh giảng “trí viên hạnh phương” là phần tri thức thì cốt cho viên thông, phần phẩm hạnh thì cốt cho phương chính. Viên thì không câu trệ, phương thì không chếch lệch.
★ Vân vụ kiến thiên ★
Hôm nọ có bạn hỏi mình rằng có thành ngữ nào mang ý nghĩa tựa tựa như “sau cơn mưa trời lại sáng”, hoặc là kiểu “thấy được ánh sáng cuối đường hầm” không, nên mình giới thiệu với mọi người thành ngữ “vân vụ kiến thiên” nha. Chữ Hán là 雲霧見天.
“Vân” là mây, “vụ” là sương mù. Xa đất là “vân”, gần đất là “vụ”, “vân vụ” là mây mù, ở đây chỉ tình cảnh tối tăm mờ mịt.
“Vân vụ kiến thiên”, Từ điển Đào Duy Anh giảng là giữa đám mây mù thình lình thấy được trời xanh, nghĩa bóng là giữa lúc tối tăm mừng thấy được tia sáng.
Phần 1 của loạt bài về thành ngữ gốc Hán này tạm dừng ở đây. Ngày ngày viết chữ sẽ tiếp tục tuyển chọn và giới thiệu thêm với các bạn ở Phần 2.