Tác giả Thư Uyển: Tôi đã học được gì khi học viết với Chữ?
| On Th324,2024(Ngày ngày viết chữ) Nhân kết thúc lớp Hạt mầm văn chương, NNVC nhờ tác giả Thư Uyển biên một bài ngắn gọn chia sẻ cách anh vận dụng những bài học viết mà NNVC đã hướng dẫn để viết cuốn Cơ trưởng từ buồng lái. NNVC hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn lớp Hạt mầm văn chương cũng như tất cả học viên và bạn đọc trong việc vận dụng và thực hành những bài học viết.
Dưới đây là nguyên văn bài viết của anh cơ trưởng Thư Uyển.
Cuốn Cơ trưởng từ buồng lái xuất bản đến nay đã ngót hai năm. Thời gian ấy đủ để nhận những khen chê của bạn đọc. Có những lời chê tôi không thích và những lời chê tôi thích. Tương tự, có những lời khen tôi thích và không thích.
Trong số những lời khen mà tôi thích là bình luận tích cực về lối hành văn của tác giả. (Kể về lời khen mình e không được khiêm tốn lắm, nhưng đấy là lý do tôi viết bài này, nên thôi cũng đành.) Mỗi khi nhận lời khen trên, tôi không khỏi nghĩ về bản thảo đầu tiên của mình. So nó với bản in cuối cùng, thì một bên là trời cao một bên là vực sâu.
Mỗi lần nhìn lại cái khoảng trời – vực đó là mỗi lần tôi biết ơn Ngày ngày viết chữ. Không có những khóa học với Chữ, chắc chắn tôi không bao giờ viết được cuốn sách. Cho nên, mấy dòng dưới, tôi kể về những gì đã học được ở Chữ, những điều giúp tôi kéo văn mình từ đáy vực lên. Hy vọng cũng giúp được bạn.
1. Show, don’t tell:
Nghĩa là hãy tả chứ đừng kể. Đây là bài tập đầu tiên trong khóa học Kỹ-nghệ viết ở Chữ. Tóm tắt cho kỹ thuật này, Chữ trích một câu nói của nhà văn Chekhov. Đại ý là, thay vì kể ánh trăng đang sáng lấp lánh, thì có một cách hay hơn, là tả ánh trang ấy phản chiếu lên mảnh thủy tinh vỡ như thế nào.
Miêu tả một sự vật sự việc sẽ như là trải tất cả những chi tiết của sự vật sự việc ấy lên bàn. Không thiên vị, không thành kiến, không chủ quan. Độc giả sau khi trải nghiệm những chi tiết ấy, sẽ hình dung, sẽ tưởng tượng, sẽ chìm đắm (nếu bạn viết hay). Và cuối cùng, họ rút ra được một phiên bản riêng của sự vật sự việc mà tác giả miêu tả.
Tôi đã áp dụng lời khuyên này nhiều trong bản thảo của mình. Ví dụ, đoạn nói về bộ muỗng đĩa trong khay thức ăn của tổ bay (trang 307). Đoạn này nguyên bản chỉ vài câu, đọc không có chi là nổi bật. Sau tôi áp dụng show don’t tell, thong thả miêu tả trong khay ăn có gì, đặt ở đâu, trình bày thế nào, bao nhiêu cái, cái nào dùng làm gì. Và kết, thay vì tell thẳng ra rằng tôi không thích sự thừa mứa này, tôi chỉ show một sự thật: “Tôi đã thử nhiều lần nhưng chưa bao giờ sử dụng được đủ bộ này cho một bữa cơm vài phút trên máy bay.”
Sau này đọc lại, thấy viết như thế đoạn văn sáng hơn hẳn.
2. Tu từ:
Tu là sửa, sửa từ sửa văn của mình sao cho hay và đạt được mục đích truyền tải. Vậy sửa ra làm sao để cho hay? Chuyện đó là do người viết tự trui rèn mài giũa. Còn người hướng dẫn như Chữ sẽ cung cấp một danh sách công cụ, và người viết sẽ chọn ra thứ thích hợp để đẽo gọt câu văn của mình. Danh sách gồm hoán dụ, ẩn dụ (nhà văn Murakami Haruki có lần đã viết, trưởng thành là biết phân biệt hoán dụ và ẩn dụ), so sánh, liệt kê, đảo ngữ, điệp ngữ, nhân hóa, nói quá, đối xứng,…
Ngày ngày viết chữ đã chỉ tôi sử dụng từng công cụ một. Sau một lượt, tôi thấy cái nào cũng hay. Giống như hiệu ứng nào trong Photoshop cũng làm bức ảnh đẹp hơn. Nhưng quan trọng là chọn cách nào hợp. Cuối cùng, tôi nhận ra văn phong và câu chuyện của Cơ trưởng từ buồng lái hợp nhất với so sánh, nên tôi dùng so sánh nhiều. (Vì trong sách có nhiều thuật ngữ và tình huống khó hình dung với người ít tiếp xúc công việc bay lượn trên bầu trời nên phép so sánh là lựa chọn tốt nhất, giúp bạn đọc dễ hiểu hơn – ghi chú của NNVC.)
Ví dụ, “đi ngủ khi công chuyện còn dang dở y như là đi bơi mà mặc cả bộ đồ vậy, nó làm giấc ngủ nặng nhọc và vướng víu” (trang 93). Hoặc “nấn ná trên trời với một quả bom hẹn giờ cũng như việc nhét tay vào một rọ đầy rắn mà không khẩn trương rút ra” (trang 129). Hoặc “sự cố trên máy bay, cũng như tình yêu sét đánh, thường xảy đến lúc người ta ít mong chờ nhất” (trang 260)…
Ngoài công dụng giúp làm cho hành văn sống động hơn, việc đi tìm hình ảnh so sánh cũng kích thích óc sáng tạo, bắt não chúng ta tìm kiếm lùng sục. Một bài tập hữu ích.
3. Dân gian và văn thơ xưa:
Chất liệu dân gian trong văn bản sẽ làm cho người đọc thấy gần gũi hơn. Bài số 5 khoá Kỹ-nghệ viết nói vậy. Tôi cho rằng đây là kỹ thuật thay đổi cách hành văn của tôi nhiều nhất. Trước, những gì tôi viết ra rất Tây. Dĩ nhiên, Tây theo nghĩa tiêu cực. Nghĩa là khô cứng, không tự nhiên, thiếu tình thái. Đọc vào thì hiểu, nhưng không hay. Không đến nỗi như gà mắc tóc, nhưng không được hành vân lưu thủy.
Ngày ngày viết chữ khuyên tôi tìm hiểu cách nói của dân gian, bởi vì dân gian tuy không học lý luận văn học buổi nào nhưng nói bảo đảm đúng và hay. Và thế là tôi bắt đầu học lại ca dao tục ngữ, đọc lại văn thơ xưa, Kiều, Lục Vân Tiên, Cung oán ngâm khúc,… Tôi phát hiện ra rằng trong cái kho tàng cũ xưa ấy, có rất nhiều thứ hoàn toàn có thể sử dụng tốt trong thời đại của chúng ta hôm nay.
Ví dụ như, để diễn tả khái niệm hiện sinh “enjoy cái moment này”, chúng ta có rất ít lựa chọn thơ văn. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã viết khái niệm hiện đại này cách đây 300 năm mà ta không (hoặc ít) hay. Khi Kiều và Kim Trọng lén gặp nhau, đôi trẻ thỏ thẻ với nhau, chúng mình nên sống cho trọn vẹn cái khoảnh khắc này đi, biết đâu sau này tất cả sẽ tan biến như một giấc mơ. Câu ấy cụ Nguyễn viết: “Bây giờ rõ mặt đôi ta / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.” Tôi đã sử dụng chúng để nói về tình cảnh không biết ngày mai ra sao trong đại dịch COVID-19 (trang 326).
Còn rất nhiều những ví dụ như thế nữa, nhưng tôi chắc không kể ở đây. Tìm được và ứng dụng chất liệu dân gian vào trang viết của mình đem lại niềm phấn khích như đi thám hiểm. Cho nên, tôi sẽ nhường niềm vui ấy lại cho bạn.
Trên là vài điều tôi đã được học ở Ngày ngày viết chữ. Nhìn lại vở ghi chép, tôi thấy những gì mình thực sự áp dụng được chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì đã được học. Thật là phí! Cho nên, tôi thường tập luyện những kỹ thuật mà mình chưa ứng dụng nhiều, như dùng từ láy, viết hội thoại (cái này khó nha), viết những thứ không phải thế mạnh của mình,… Và dĩ nhiên, vẫn trau dồi những gì mà mình đã quen tay cho nhuần nhuyễn.
Mỗi lần luyện tập như vậy, tôi đều thấy được những điều mới mẻ thú vị. Điều này giúp tôi hiểu hơn bản thân mình, ít nhất là trong vai trò người viết. Cũng giúp cho hành trình viết của mình đi đỡ mệt và vui hơn. Mong bạn cũng như vậy.