Quốc văn giáo khoa thư – Những bài hay nhất
| On Th923,2020(Ngày ngày viết chữ) Quốc văn giáo khoa thư được xem là bộ sách giáo khoa Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Sách trình bày những bài tập đọc lồng ghép những nội dung luân lý, lịch sử, địa lý, vệ sinh,… rất hữu ích. Câu cú ngắn gọn, từ ngữ chỉnh tề, đây là một bộ sách đáng đọc và đáng học.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Học giả Hoàng Xuân Việt và những bài học làm người
Bộ sách gồm ba quyển, phân cho ba lớp Đồng Ấu, Dự Bị và Sơ Đẳng. Ngày ngày viết chữ xin giới thiệu với bạn đọc một số bài tập đọc nổi bật trong bộ sách này.
Phải sạch sẽ (Lớp Đồng Ấu)
Một cậu bé đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn. Có người bảo: “Học trò sao mà dơ bẩn thế?”
Cậu bé đáp lại rằng: “Học giỏi thì hơn, ở sạch ích gì?”
Người kia cầm lấy tay cậu bé, thong thả mà bảo rằng: “Người ta trước hết phải sạch sẽ, thì mới được khỏe mạnh. Có khỏe mạnh thì trong mình mới được khoan khoái, muốn học tập. Nếu ăn ở dơ bẩn thì hay sinh ra bệnh tật, nay đau mai ốm, còn thiết gì đến việc học nữa”. Cậu bé nghe nói, cúi đầu xuống, biết là lời nói phải.
Thức khuya, dậy trưa (Lớp Đồng Ấu)
Đêm đã khuya, hai em còn cứ chơi cười mãi. Chị hỏi: “Sao các em chưa đi ngủ thế?”
Hai em đáp: “Chúng tôi chưa buồn ngủ, hôm nay chúng tôi thức khuya chơi cũng được. Mai chủ nhật nghỉ, tha hồ mà ngủ trưa.”
Chị bảo: “Không nên. Các em không nên thức khuya, thức khuya hại sức khỏe lắm. Mà các em cũng không nên dậy trưa, dậy trưa thì nặng nề, khó chịu, mà lại ra lười biếng. Người ta thức ngủ phải điều độ mới được.”
Bữa cơm ngon (Lớp Dự Bị)
Cậu Tý đi học về một chốc, thì cha ở ngoài đồng cũng vác càu, dắt trâu, về đến nhà. Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên giường. Cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ, cả nhà ăn uống ngon miệng no nê.
Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau, thì dẫu cơm rau cũng có vị lắm.
Phải có thứ tự (Lớp Dự Bị)
Đồng hồ đánh bảy giờ. Con Phong ung dung cắp sách đi học. Trong cặp nó đã sắp sẵn đủ cả sách, vở, bút, mực, bút chì và những đồ dùng khác. Ở lớp học cần đến cái gì, là có ngay. Nó không bỏ quên hay để mất cái gì bao giờ.
Hết buổi học về, Phong thay áo, treo lên mắc hay xếp vào hòm, rất cẩn thận. Nên quần áo của Phong lúc nào trông cũng như mới.
Cả đến những chăn, gối, ở trên giường, giày, guốc để dưới đất, các đồ chơi để trong rương Phong cũng thu xếp đâu vào đấy, thật là gọn ghẽ. Nên khi dùng đến cái gì, là thấy ngay, không phải tìm kiếm mất công mất thời giờ. Phong là một đứa bé có thứ tự, ta nên bắt chước.
Anh nói khoác (Lớp Sơ Đẳng)
Tí và Sửu đi qua một đám ruộng bí. Tí chợt trông thấy quả bí to, nói rằng: Chà! Quả bí đâu mà to như thế kia!” Sửu có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng: “Thế đã lấy gì làm to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một bận, thật mắt tôi trông thấy một quả bí to bằng cả một cái nhà ở trước mặt ta kia kìa.”
Tí nói: “Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ một bận tôi thấy cái xanh đồng to vừa bằng cả cái đình làng ta ấy.” Sửu hỏi: “Cái xanh ấy dùng để làm gì mà to quá thế?”
“À, thế bác không biết à? Cái xanh ấy dùng để luộc quả bí của bác vừa nói ấy mà!”
Sửu biết Tí nhạo mình, mới nói lảng ra chuyện khác.
Nói điều gì phải cho đúng với sự thật, chớ nên địa đặt ra mà người ta chê cười.
Cần phải giữ tính hạnh của mình (Lớp Sơ Đẳng)
Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: “Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi qua phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố nọ đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày; sau quanh vào trong thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân giẫm phải đống bùn, từ bấy giờ cứ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đến đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn rỡ”.
Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy.
Ta nay đi học, cũng nên lấy điều ấy làm răn. Dẫu việc nhỏ mọn thế nào, ta cũng phải cẩn thận giữ gìn, nếu không thì chỉ có lần đầu là khó, rồi hễ đã quen một lần là quen mãi. Bởi thế cho nên cổ nhân lấy sự giữ mình làm cẩn trọng lắm.
Đọc sách người xưa, ắt hẳn có nhiều điểm không hợp với người nay. Dẫu vậy, bỏ qua đôi chỗ không hợp thời, Quốc văn giáo khoa thư vẫn là một bộ sách tốt, những chuyện nêu trong sách đều có điểm sáng, đáng để nhớ lấy mà răn mình. Bạn đọc có thể tìm mua bộ sách này ở các nhà sách và website thương mại điện tử. Hiện có hai nhà xuất bản phát hành là Kim Đồng và Trẻ. Nhà nào làm cũng công phu.