Quang khuê tảo – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Trãi
| On Th407,2022(Ngày ngày viết chữ) “Quang khuê tảo” là loạt bài giới thiệu một số từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Trãi do Ngày ngày viết chữ thực hiện. Tên loạt bài lấy từ câu “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” trong bài Quân minh thần lương của Lê Thánh Tông.
Về ba từ “Quang khuê tảo”, chữ Hán viết là 光奎藻, trong đó:
– “Quang” là toả sáng.
– “Khuê” là sao Khuê một trong Nhị thập bát tú, tượng trưng cho văn chương.
– “Tảo” là rong, chỉ loại cỏ sống dưới nước và có văn vẻ đẹp đẽ. Từ điển Thiều Chửu giảng: cổ nhân dùng tảo để trang sức mũ áo cho đẹp, cho nên cái gì dùng làm văn sức đều gọi là tảo. Như từ tảo 詞藻 lời đẹp, cũng viết là 辭藻. Lấy lời tốt đẹp mà khen lao người gọi là tảo sức 藻飾. Bình luận nhân vật gọi là phẩm tảo 品藻 hay tảo giám 藻鑑.
Người xưa dùng “khuê tảo” để chỉ văn chương, văn hay ý đẹp thì gọi là “khuê tảo”. Và “quang khuê tảo” nghĩa là “toả sáng trong văn chương” (nhiều khi bị hiểu nhầm thành “sáng như sao Khuê buổi sớm” do từ tảo – 藻 đồng âm với từ tảo – 早 nghĩa là “sớm”).
Dưới đây là các bài viết trong loạt bài “Quang khuê tảo” Ngày ngày viết chữ đã thực hiện.
[Quân tử hãy LĂM bền chí cũ]
Ngôn chí bài 17, Phần vô đề, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có câu:
Quân tử hãy lăm bền chí cũ,
Chẳng âu ngặt chẳng âu già.
Về từ “lăm”, “Từ điển Từ Việt cổ” của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện (NXB Văn hoá Thông Tin, 2000) giảng “lăm” là nhằm vào, toan tính làm chuyện gì, như “Thiên Nam ngữ lục” có câu “Những lăm ra đời mà lập công danh”. Ngày nay, ta ít dùng “lăm” như một từ đơn mà thường dùng trong các tổ hợp như “lăm lăm”, “lăm le”.
Về từ “âu”, đây là động từ có nghĩa là “lo”, ngày nay cũng ít khi dùng độc lập mà hay đi thành tổ hợp “âu lo”. (Phân biệt với phụ từ “âu” nghĩa là “có lẽ (như thế chăng)” như “âu là vậy”, “âu cũng là chuyện tốt”.)
Còn từ “ngặt” ở đây có nghĩa là “nghèo”. Sách “Nguyễn Trãi toàn tập” (Viện Sử học, NXB Khoa học và Xã hội, 2020) giảng “chẳng âu ngặt” nghĩa là “chẳng lo nghèo”. Tự thán bài 1 của Nguyễn Trãi có câu “Càng một ngày càng ngặt đến xương”. “Ngặt đến xương” là “nghèo đến xương”. “Nguyễn Trãi toàn tập” cũng giảng thêm về cách nói “nghèo đến xương” này rằng, thơ Đỗ Phủ có chữ “cùng đáo cốt”; bài “Ký hữu” của Nguyễn Trãi thì dùng “bần đáo cốt” trong câu “Thập tải độc thư bần đáo cốt”, nghĩa là “Mười năm đọc sách nghèo đến xương”.
Quân tử hãy lăm bền chí cũ,
Chẳng âu ngặt chẳng âu già.
có thể tạm hiểu là cứ nhằm vào, giữ chặt lấy “chí cũ”, chẳng lo nghèo cũng chẳng lo già. Về “chí cũ” của Nguyễn Trãi, có lẽ là chí về ở ẩn, về hưởng thú điền viên. Lạm bàn một chút, mở rộng ra, hai câu này kỳ thực rất có sức cổ vũ, cho dù “chí cũ” của ta là gì, cũng đều có thể dùng hai câu này để tự nhủ lòng.
★ Vu khoát ★
“Vu khoát” (迂闊) nghĩa là viển vông, không sát với thực tế, trong đó:
– “Vu” là xa, đường xa mà ngoằn ngoèo. Từ điển Thiều Chửu giảng “con đường không được thẳng suốt gọi là vu”.
– “Khoát” là rộng, rộng rãi quá mức.
Việc gì quá xa, quá rộng, không sát thực tế thì gọi là “vu khoát”. Bài “Ngẫu thành” (Ngẫu nhiên làm) trong “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi có câu:
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh,
Vô thuật năng y lão cánh gia.
平生迂闊真吾病,
無術能醫老更加。
Nghĩa là:
Đời này viển vông quả thực là bệnh của ta,
Vô phương chữa được, mà về già lại càng nặng thêm.
★ Quyên ai ★
“Biển rộng non cao, chưa báo được quyên ai chút đỉnh,
Trời che đất chở, dám đâu quên ân đức lớn lao.”
Đây là hai câu cuối trong “Biểu tạ ơn của Gián nghị Đại phu kiêm Tri Tam Quán Sự” của Nguyễn Trãi.
Từ “quyên ai”, chữ Hán viết là 涓埃, trong đó:
– “quyên” là dòng nước nhỏ;
– “ai” là hạt bụi nhẹ.
“Quyên ai” nghĩa là một chút bé mọn, nhỏ nhặt, sự gì bé nhỏ gọi là “quyên ai”. Từ này thường dùng trong văn thơ xưa để tự khiêm rằng bản thân chưa có một chút mảy may gì để báo đáp ơn vua. Cách dùng này có lẽ chịu ảnh hưởng từ thơ Đỗ Phủ, cụ thể là bài “Dã vọng (Tây sơn bạch tuyết Tam Thành thú)”. Thơ rằng: “Vị hữu quyên ai đáp thánh triều” (未有涓埃答聖朝), tức là “Chưa báo đáp được nhà vua một mảy may”.
Trong bài “Thứ Cúc Pha tặng thi” (Ức Trai thi tập), Nguyễn Trãi còn viết rằng:
Lưỡng nhãn hôn hoa đầu cánh bạch,
Quyên ai hà dĩ đáp quân ân.
兩眼昏花頭竟白,
涓埃何以答君恩。
Nghĩa là:
Hai mắt đã loà đầu lại bạc,
Lấy chút mảy may gì mà đền đáp ơn vua.
Trần Bích San cũng có thơ dùng “quyên ai” tương tự:
Sinh bình vị hữu quyên ai báo,
Thân thế vô năng hồ hải du.
生平未有涓埃報,
身世無能湖海遊。
Nghĩa là:
Bình sinh chưa đền đáp được mảy may,
Thì thân này không thể rong chơi nơi hồ biển.
“Quyên ai” còn có một từ đồng nghĩa là “quyên trần” (涓塵) với “trần” – 塵 cũng có nghĩa là hạt bụi.
★ Thư trung ★
“Thư trung” (書中), nghĩa là trong sách, ở ngay trong sách. “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng “chữ Nho thường có những câu: Thư trung hữu cốc (trong sách có lúa), Thư trung hữu nữ kỳ nhan như ngọc (trong sách có gái mặt đẹp như ngọc). Nghĩa là có chí đọc sách thì sẽ được giàu có hoặc vợ đẹp”.
Truyện thơ Nôm “Phan Trần” (khuyết danh) có câu:
“Vả người là đấng thư trung,
Tấc mây đâu nỡ để lồng gương thu.”
“Đấng thư trung” ở đây chỉ người đọc sách, người có chí học hành.
Về câu “Thư trung hữu nữ kỳ nhan như ngọc”, truyện thơ Nôm “Quan âm Thị Kính” (khuyết danh) có câu lấy ý này là:
“Thư trung dành có ngọc nhan,
Sách đèn còn bận, buông màn Quảng Xuyên.”
Trong “Gia huấn ca”, Nguyễn Trãi có viết rất chi tiết về “thư trung” và về những gì có trong sách, hay nói cách khác là những gì nhờ đọc sách mà có được theo quan niệm của người xưa. Số thứ tự trong ngoặc đơn dưới đây là do NNVC đánh thêm vào cho bạn đọc tiện theo dõi.
“Chẳng sợ kẻ lắm thầy nhiều tớ,
Thấy ta nghèo ra sự rẻ khinh,
(1) Thư trung lắm kẻ hiển vinh,
Dập dìu hầu hạ, linh đình ngựa xe.
Chẳng sợ kẻ lắm tiền nhiều lúa,
Nghĩ mình rằng có của thời hơn,
(2) Thư trung kim ngọc vô vàn,
Đầy khê chung đỉnh, chứa chan bạc vàng.
Chẳng sợ kẻ năm thê bảy thiếp,
Đã hẳn rằng tốt đẹp hơn ai?
(3) Thư trung có gái tuyệt vời,
Những người mặt ngọc là người vẻ vang.
Chẳng sợ kẻ toà ngang dãy dọc,
Khinh nhau rằng hàn ốc thê lương,
(4) Thư trung tuấn vũ điêu tường,
Lầu rồng gác phượng cột rường liền mây*.”
Về gốc tích, các trường hợp “thư trung” ở trên lần lượt xuất phát từ các câu sau:
(1) Thư trung lắm kẻ hiển vinh,
Dập dìu hầu hạ, linh đình ngựa xe.
Đây là do câu “Xuất môn mặc hận vô nhân tuỳ, thư trung xa mã đa như thốc”, nghĩa là ra cửa đừng sợ không có người hầu, trong sách xe ngựa nhiều như mũi tên. Ý nói cứ chăm học, thi đỗ thì có đủ mọi hiển vinh.
(2) Thư trung kim ngọc vô vàn,
Đầy khê chung đỉnh, chứa chan bạc vàng.
Đây là do câu “Thư trung tự hiểu thiên chung túc”, nghĩa là trong sách khắc có ngàn hộp thóc. “Đầy khê” (có bản viết “đầy khè”) có nghĩa là chứa tới tràn ngập ra ngoài. “Chung đỉnh” là cái chuông và cái vạc. Điển xưa rằng nhà giàu sang đông người ăn, thức ăn đựng trong những cái đỉnh. Tới giờ ăn thì dùng chuông thông báo. Do đó “đỉnh chung” cũng chỉ nhà giàu sang, quyền quý.
(3) Thư trung có gái tuyệt vời,
Những người mặt ngọc là người vẻ vang.
Đây là do câu “Thư trung hữu nữ kỳ nhan như ngọc”, nghĩa là trong sách có gái mặt đẹp như ngọc như từ điển của Bửu Kế đã nêu ở trên. Câu này ý nói siêng học, thi đỗ thì sẽ gặp được vợ tốt.
(4) Thư trung tuấn vũ điêu tường,
Lầu rồng gác phượng cột rường liền mây.
Còn trường hợp (4) này có nghĩa là trong sách có nhà cao lớn, tường vẽ với chạm trổ. Ý nói nhà xinh đẹp, sang trọng. Chữ “tuấn” ở đây có nghĩa là cao còn “vũ“ là mái nhà.
Nguyên đoạn trên nằm trong bài “Khuyên học trò chăm học” – bài cuối cùng trong “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi. Bài này còn có một đoạn rất hay khuyên người học trò nên vững chí học tập như sau:
“Đường vân trình dù sau dù trước,
Chữ công danh ai khác chi ai,
Hễ người có chí có tài,
Gió rung mặc gió, khôn dời khôn lay.”
“Vân trình” (雲程) là đường mây, chỉ đường công danh.
[Phất giấy đan lồng]
Trong “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi*, phần “Dạy con ở cho có đức” có câu:
“Ở thì phất giấy đan lồng,
Nói thì mở miệng như rồng như tiên.”
“Phất giấy đan lồng”, nghĩa đen chỉ việc đan cẩu thả với nan xấu (đan bằng tre trúc), rồi phất giấy lên, dán lại bằng một ít hồ, kiểu làm dối và tìm cách che đậy cho người ta không biết mình làm qua loa đại khái. Nghĩa bóng của “phất giấy đan lồng” dùng để chỉ người cư xử giả dối, chỉ được cái bề ngoài.
Ý hai câu trên phê phán kẻ ăn ở giả dối, chỉ có bề ngoài, nhưng khi nói năng thì lại dùng lời văn hoa đẹp đẽ, phô trương, khéo léo quá mức.
___________
(*) “Gia huấn ca” là tác phẩm chủ yếu dạy những điều luân lý cho con cái, người ăn kẻ ở trong nhà. Về tác giả, tuy vẫn chưa thống nhất được có thật là Nguyễn Trãi hay không, nhưng hiện nay các nhà nghiên cứu tạm xem tác phẩm này là của Nguyễn Trãi.
[Ổi tiết bảy – Cúc mồng mười]
Trong bài “Ngôn chí” thứ 21 (Quốc âm thi tập), Nguyễn Trãi viết:
“Thế sự người no ổi tiết bảy,
Nhân tình ai ủ cúc mồng mười.”
“Ổi tiết bảy” là ổi tiết tháng bảy, tức là ổi đúng mùa. “Thế sự người no ổi tiết bảy” ý là ổi đúng mùa người ta ăn được, nghĩa bóng chỉ người hợp thời, hợp lúc nên được trọng dụng.
Còn “cúc” thì nở vào tiết trùng dương mồng 9 tháng 9, nên “cúc mồng mười” tức là cúc vừa qua thời nhưng đã không còn quý nữa. “Nhân tình ai ủ cúc mồng mười” ý là người quá thời thì chẳng ai dùng.
Hai câu thơ này, tuy chỉ nêu chuyện thường tình của “thế sự – nhân tình”, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác hơi xót xa.
[“Được thú làm quan mất thú quê” và vài từ ngữ trong bài “Tự thán” số 39]
Hôm nọ đọc bài “Tự thán” thứ 39 trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, mình thấy có nhiều từ ngữ rất hay nên biên ra đây chia sẻ với mọi người.
[1]
Hai câu đầu tiên của bài “Tự thán” này là:
“Lấy đâu xuất xử lọn hai bề,
Được thú làm quan mất thú quê.”
– “Xuất xử”, “xuất” là ra làm quan, ra giúp đời, “xử” là ở nhà, ẩn dật.
– “Lọn” tức là trọn, trọn vẹn.
Hai câu này có nghĩa là làm gì có chuyện được cả hai bề, vừa làm quan vừa được hưởng cái thú điền viên ở quê.
[2]
Hai câu tiếp theo:
“Ngòi cạn ước ở làm cấn cấn,
Cửa quyền biếng mặc áo thê thê.”
– “Cấn cấn” là loài cá con.
– “Áo thê thê” là áo dài lê thê.
Hai câu này ý là, ta chỉ ước làm con cá nhỏ ở ngòi cạn, không muốn làm quan ở chốn “cửa quyền”. Sách “Nguyễn Trãi toàn tập” (Viện Sử Học, NXB Khoa học và Xã hội, 2020) bàn về ý thơ như sau: “Đời thái bình thì ra gánh vác việc lớn là phải; nhưng đời khó khăn (không phải sông sâu biển cả mà là ngòi cạn) thì ta làm con cấn cấn (về làm người nhà quê) cho dễ sống”.
[3]
Hai câu tiếp theo:
“Mừng cùng viên hạc quen lòng thắm,
Đã kẻo thuần lư bảo hẹn về.”
– “Viên” là con vượn, có thành ngữ “tâm viên ý mã” (心猿意馬) để nói cái tâm như vượn nhảy nhót, cái ý như ngựa chạy, chỉ tâm ý bất định, dễ xáo động.
“Viên hạc” là vượn và hạc. “Dương Hựu đời Tống là người phóng khoáng, chỉ thích làm bạn với vượn và hạc ở chốn lâm tuyền, do đó sau người ta lấy viên hạc để chỉ cảnh huống người ẩn sĩ” (Sđd, tr.645).
– “Thuần” là rau thuần, “lư” là cá vược. “Tấn thư chép rằng Trương Hàn làm quan ở Lạc Dương, khi gió thu đến, nhớ đến vị canh rau thuần và chả cá vược ở quê mình, bèn từ quan về nhà. Sau người ta dùng điển “thuần lư” để chỉ người từ quan về ẩn” (Sđd, tr.700).
Ý chung của cả hai câu này nói về chuyện muốn về ở ẩn.
[4]
Hai câu cuối là:
“Thong thả dầu ta ngoài thế giới,
La ngàn non nước một thằng hề.”
– “Thằng hề” hay “hề đồng” tức là đứa đầy tớ trai nhỏ tuổi, cũng gọi “tiểu đồng”. Truyện thơ Nôm “Nhị độ mai” có câu: “Hề đồng theo bốn năm thằng / Thơ ninh ních túi, rượu lưng lửng bầu”.
Ý của hai câu này, theo học giả Trần Văn Giáp là “đi lê la ở khoảng ngàn non nước (thiên sơn vạn thuỷ) với một thằng tiểu đồng” (Sđd, tr.700).
Tóm gọn lại thì có vẻ như “được thú làm quan mất thú quê”, lại vì thú quê coi bộ hấp dẫn hơn thú làm quan nhiều, do đó ta bỏ thú làm quan mà về với thú quê vậy.
[Người tri âm ít, cầm nên lặng]
Bài “Tự thuật” thứ 10 trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi có câu:
“Người tri âm ít, cầm nên lặng;
Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu.”
Hai câu này nghĩa là “vì không có bạn tri âm nên không đánh đàn, như Bá Nha không có Tử Kỳ thì bỏ đàn không đánh nữa”() và vì “có lòng quý trọng sinh mệnh, tránh những hành động gây hại đến sự sống của muôn loài”(*) nên không muốn câu cá.
Kỳ thực hai câu này cũng không có gì khó hiểu, chỉ là mình thấy ý thơ của cụ Ức Trai hay nên muốn giới thiệu với mọi người thôi. Bên cạnh đó, hai câu cuối bài này cũng rất hay, mà buồn, như vầy:
“Mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng;
Mồ hoang cỏ lục thấy ai đâu?”
Chữ “nhàn” ở đây có nghĩa là thôi, đừng, “lẵng đẵng” là dập dìu, qua lại dính líu nhau. Ý của hai câu là “đến khi chết, bên mồ hoang cỏ lục có còn thấy ai đâu, khuyên đừng có dập dìu với khách danh lợi nữa”.
(*) Theo “Nguyễn Trãi toàn tập”, Viện Sử Học, NXB Khoa học và Xã hội, 2020.
(**) “Từ điển Tiếng Việt”, Hoàng Phê Chủ biên, NXB Hồng Đức, 2020.
[Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc]
Trong bài thơ “Thuật hứng” thứ tư (Quốc âm thi tập), Nguyễn Trãi có sử dụng hai hình ảnh rất đẹp, và cũng rất sâu sắc, là:
“Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,
Nước chảy âu khôn xiết bóng non.”
Sách “Nguyễn Trãi toàn tập” (Viện Sử học, NXB Khoa học và Xã hội, 2020) giảng:
– “Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc” nghĩa là “trăng soi qua bụi trúc, dễ chi soi thấu qua được lòng cây trúc”;
– “Nước chảy âu khôn xiết bóng non” nghĩa là “nước chảy xiết khiến đá phải mòn, nhưng khó lòng mòn được bóng của núi”.
Sự đời chính là có nhiều thứ khó lòng thấu hiểu, khó lòng tác động được như thế.
Nguyên văn bài thơ như sau:
“Văn này ngâm thấy mấy chon von,
Thương hải hay khao, thiết thạch mòn.
Chí cũ ta liều nhiều sự hóc,
Người xưa sử chép thấy ai còn?
Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,
Nước chảy âu khôn xiết bóng non.
Thong thả lại toan nào của tích,
Bạch mai vàng cúc để cho con.”
“Thương hải hay khao, thiết thạch mòn” nghĩa là “biển xanh (thương hải) cũng thường khô thành bãi, sắt đá (thiết thạch) cũng thường mòn. Tức muôn vật đổi dời, không có gì vĩnh viễn”.
Nói thêm một chút về “bạch mai vàng cúc” ở cuối bài, bạch mai là hoa mai trắng, ví như bạc, vàng cúc là hoa cúc vàng, ví như vàng, đấy chính là vàng bạc để lại cho con cháu vậy, chứ bản thân thì cũng không có của cải gì.
[Tắt mắt – Đảo điên]
“Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi*, bài “Dạy vợ con cách ăn ở” có câu:
“Chớ tắt mắt của người kém cỏi,
Đừng đảo điên có nói làm không.”
“Tắt mắt” nghĩa là ăn cắp vặt, lén lút lấy đồ của người khác thì gọi là “tắt mắt”.
“Đảo điên”, cũng dùng “điên đảo”, chữ Hán viết là 顛倒. “Điên” có nghĩa là đỉnh, chóp, như đỉnh đầu người, chóp của một vật, cũng dùng để chỉ cái gì chúc ngược đầu xuống, ở trên lộn xuống thì gọi là “điên” (phân biệt với chữ “điên” 癲 là một chứng bệnh). “Đảo” là lật ngược, lộn ngược, đổ, ngã. “Đảo điên”, hoặc “điên đảo”, là “làm thay đổi, xáo trộn hoàn toàn”, cũng có nghĩa là “tráo trở, hay lừa đảo, lật lọng” (theo Từ điển Hoàng Phê).
Hai câu trên đại ý là lời khuyên răn vợ con trong nết ăn ở thường ngày. Toàn bài “Dạy vợ con cách ăn ở” này, tuy đôi chỗ nặng tính Nho gia xưa (đương nhiên khó tránh khỏi), nhưng tựu trung có nhiều chỗ đáng học, chẳng hạn mấy câu này:
“Thói mách lẻo, ngồi rồi bỏ hết,
Hễ điều gì nói ít mới hay,
Lân la giắt rợ, giắt rây,
Đã hư công việc, lại dày tiếng tăm.”
[Sừng mọc qua tai]
Bài “Tự thán” số 22 (Quốc âm thi tập), Nguyễn Trãi viết:
“Gạch quẳng nào bày mấy ngọc,
Sừng hằng những mọc qua tai.”
Sách “Nguyễn Trãi toàn tập”, (Viện Sử học, NXB Khoa học và Xã hội, Hà Nội, 2020) giảng hai câu này như sau:
“Hòn gạch đã vỡ mà quẳng đi quẳng lại còn đem bày với ngọc được sao? Cái sừng tuy mọc sau mà lại mọc dài qua cái tai, cũng như những kẻ thiếu niên sừng sỏ thường hay muốn vượt lên trên những người hiền đức lão thành.”
Cũng ý “sừng mọc qua tai”, sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thơ rằng:
“Dù thấy hậu sinh thời chớ để,
Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai.”
(Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài 43)
Hai bài thơ này có nhiều điểm chung. Nếu Nguyễn Trãi viết “Thua được tình cờ có một mai” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm viết “Dù được, dù thua, ai mặc ai”. Nếu Nguyễn Trãi viết “Có đức thì hơn nữa có tài” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm viết “Hễ kẻ anh hùng những cậy tài”.
Dưới đây là nguyên văn hai bài thơ để bạn đọc tham khảo.
– Tự thán bài 22 (Nguyễn Trãi):
Đương cơ ai dễ khứng nhường ai(*),
Thua được tình cờ có một mai.
Gạch quẳng nào bày mấy ngọc,
Sừng hằng những mọc qua tai.
Làm lành mới cậy chớ làm dữ,
Có đức thì hơn nữa có tài.
Mấy kẻ tư văn sinh đất Việt,
Đạo này nối nắm để cho dài.
– Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài 43 (Nguyễn Bỉnh Khiêm):
Nhưng nhưng mọi sự gác bên ngoài,
Dù được, dù thua, ai mặc ai.
Mùi thế gian nhiều mặn nhạt,
Đường danh lợi có chông gai.
Mấy người phú quý hay yên phận?(**)
Hễ kẻ anh hùng những cậy tài.
Dù thấy hậu sinh thời chớ để,
Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai.
___________
(*) Câu này nghĩa là người đang gặp thời thì ai lại chịu nhường cho kẻ khác.
(**) Câu này nghĩa là có được mấy người phú quý mà biết yên phận, không đua tranh.
[Bành được thương thua]
Bài “Tự thán” số 33 của Nguyễn Trãi có câu:
“Bành được thương thua con tạo hoá,
Diều bay cá nhảy* đạo tự nhiên.”
Hai câu này nói về sự sắp đặt của tạo hoá, về lẽ tự nhiên của đất trời.
Bốn từ “Bành được thương thua” hiểu như sau:
– “Bành” là Bành Tổ, một người sống lâu trong truyền thuyết Trung Hoa, ở đây dùng để chỉ người sống lâu.
– “Được” ở đây hiểu là người đắc thắng.
– “Thương” là người chết yểu, chết non. Từ điển Thiều Chửu giảng: từ 16 tuổi đến 19 tuổi mà chết gọi là trưởng thương 長殤, từ 12 tuổi đến 15 tuổi chết gọi là trung thương 中殤, từ 8 tuổi đến 11 tuổi chết gọi là hạ thương 下殤, 7 tuổi trở xuống gọi là vô phục chi thương 無服之殤 (không phải để tang).
– “Thua” ở đây hiểu là người thất bại.
“Bành được thương thua con tạo hoá” nghĩa là người sống lâu, người đắc thắng, người chết non và người thất bại đều là do tạo hoá định trước cả.
Còn “Diều bay cá nhảy đạo tự nhiên” nghĩa là con diều thì bay trên trời, con cá thì nhảy dưới nước, đó là lẽ tự nhiên.
[Quan quả cô độc]
Trong “Gia huấn ca”, bài “Dạy con ở cho có đức”, Nguyễn Trãi viết:
“Thương người quan quả cô đơn,
Thương người đói rét lầm than kêu đường.”
Về “quan quả cô đơn”, nghĩa cụ thể như sau:
– Quan (鰥) là người goá vợ hoặc người lớn tuổi mà không có vợ.
– Quả (寡) là người goá chồng. Từ điển Thiều Chửu giảng năm mươi tuổi mà chưa có chồng gọi là “quả”.
– Cô (孤) là người trẻ không cha mẹ.
– Đơn (單), đúng ra phải dùng “độc” (獨) nhưng vì luật bằng trắc tiếng thứ sáu của câu lục phải mang vần bằng nên dùng “đơn” thay cho “độc”. “Độc” là người già không con cháu.
“Quan quả cô độc” xưa gọi là “tứ cùng”, là bốn hạng người đáng thương nhất vì không có ai để nương tựa, là “khốn cùng vô cáo chi dân” (困窮無告之民) tức là hạng dân khốn khổ bần cùng nhưng không nói với ai được, không kêu vào chỗ nào được, ý nói rất khổ sở.
Dưới đây là đoạn trích bao gồm hai câu thơ trên:
“Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan quả cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.”
___________
* Cũng viết là “nhẩy”.
Sẽ còn cập nhật.