Những lời mách nước cho người viết của Ki Ju Lee trong “Phẩm cách của văn chương”
| On Th616,2024(Ngày ngày viết chữ) Nếu bạn đang muốn tìm vài lời mách nước hữu ích cho sự nghiệp viết lách của mình, hãy tìm cuốn “Phẩm cách của văn chương” của Ki Ju Lee.
Những bài học viết thiết thực trong quyển sách mỏng
Cuốn sách chỉ dài hơn 200 trang một chút thôi, khổ 13,5×19,5cm, nói chung là nhỏ nhắn, đọc cũng chóng xong. Thế nhưng, nếu bạn là típ người vừa đọc vừa dán note 5 màu để đánh dấu những nội dung tâm đắc, thì có lẽ bạn sẽ tốn kha khá note đó.
Cuốn sách được chia làm ba phần, tương ứng với ba bài học lớn. Trong mỗi bài học lớn lại có bảy bài học nhỏ. Từng bài học nhỏ là từng vấn đề mà người viết thường gặp. Chẳng hạn đó là vấn đề tập quan sát, thói quen viết, chọn phong cách, tìm chủ đề, chỉnh sửa đúng cách, v.v..
Ki Ju Lee chọn cách tiếp cận mỗi bài học nhỏ bằng một mẩu chuyện nhỏ, thường là mẩu chuyện về thuở bé của ông, hoặc là một câu chuyện cổ tích nào đó. Bằng cách kể một mẩu chuyện thoạt tiên không liên quan gì đến nghề viết, sau đó bắt đầu dẫn dắt người đọc vào từng vấn đề của công việc viết lách, Ki Ju Lee cho thấy tư duy viết lách thường trực của ông. Kể cả khi không ngồi vào bàn viết, nhà văn vẫn không thôi nghĩ về việc viết. Và, hẳn nhiên, nghĩ về việc viết cũng là một phần của việc viết vậy.
Những lời thủ thỉ dưới đây là kết quả của những giờ tác giả suy nghĩ nghiêm túc về nghiệp viết:
– “Người viết văn không thể bị bó buộc bởi hình thức, nhưng phải biết trau chuốt để tạo ra một hình thức đẹp” (tr.76).
– “Vấn đề là quá nhiều từ ngữ ra vẻ thông thái sẽ xây nên một bức tường rào cao ngút mắt xung quanh tác phẩm, khiến nó khó tiếp cận, trở thành ‘tác phẩm đóng’ mà chỉ tác giả mới hiểu. Một sáng tác không quan tâm đến lập trường của độc giả không hề thanh cao mà hoàn toàn đơn độc; không những không được ai thấu hiểu mà chỉ tự chuốc lấy sự cô lập” (tr. 76-77).
– “Câu văn chất chứa tham vọng quá lớn sẽ trở nên rườm rà” (tr.85).
– “Viết văn là dùng mái chèo mang tên cá tính để băng qua đại dương giữa trang sách đầu tiên và trang sách cuối cùng” (tr.108).
– “Không ai dám, cũng không có tiêu chuẩn và căn cứ nào để chắc chắn cái kết đó hay hay dở. Trên đời này chỉ tồn tại cái kết thoả mãn hoặc chưa thoả mãn, thiếu sót hoặc đầy đủ, và tất cả đều dựa vào lập trường của người viết” (tr.143).
|| Bạn có thể đọc bài Học viết những câu văn ngắn để… học viết những câu văn ngắn. ||
Một khó khăn không dễ vượt qua của người viết hiện đại
Bên cạnh những vấn đề về kỹ thuật và nghệ thuật viết, Ki Ju Lee cũng nói về những vấn đề mà một tác giả sách phải đối mặt. Theo ông, “thị trường xuất bản không hạ thấp hàng rào bao quanh nó, thậm chí còn biến thành đại dương đỏ từ lâu. Số lượng độc giả không tăng lên nhưng số lượng tác giả đã đạt đến mức bão hoà”. Và do đó, “để được độc giả lựa chọn, để mắt đến, các tác giả đang phải lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt” (tr.41).
Đại dương đỏ (red ocean) mà tác giả nhắc đến là từ chỉ một thị trường có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Và đây là một vấn đề rõ mười mươi mà người viết chuyên nghiệp nào cũng ít nhiều cảm nhận được. Hiện nay, người làm công việc viết lách rất nhiều và nếu bạn có một tài khoản sở hữu chừng mười mấy, hai mươi ngàn người theo dõi, nhiều khả năng bạn sẽ được các nhà xuất bản săn đón. Những tác giả “có nghề nhưng chưa có fan” trên thực tế sẽ gặp không ít rào cản, cơ hội ra sách cũng ít hơn hẳn.
Để xử trí vấn đề này, người viết hiện đại vừa phải xây dựng nền tảng, vừa phải cố gắng trau chuốt ngòi bút của mình, để tay viết của mình nổi bật hơn và tiến bộ hơn qua từng tác phẩm. Ngoài ra, có lẽ, người viết còn cần chút may mắn nữa.
Bạn đừng vội nản, vì theo những gì Ki Ju Lee chia sẻ ở bài học “Tỉnh sát – Nhìn sâu vào thế giới nội tâm” thì vận may cũng có thể tích luỹ được.
Nhìn chung, với một độ dài khiêm tốn, cuốn sách “Phẩm cách của văn chương” giống như một file nén, trong đó tác giả nén chặt những suy tư, trải nghiệm của mình với công việc viết lách chuyên nghiệp. Và việc đọc cuốn sách cũng giống như chúng ta đang giải nén những suy tư, trải nghiệm ấy. Rồi từ đó, chúng ta dựa vào những gì mình giải ra được mà áp dụng vào công việc viết lách, một công việc nhọc lòng tốn sức mà chưa chắc hái được quả ngọt.
|| Để đọc thêm những lời mách nước khác cho nghề viết, bạn có thể tham khảo bài viết
Học viết: 7 lời mách nước dành cho bạn. ||
Thông tin sách
– Tên sách: Phẩm cách của văn chương
– Tác giả: Ki Ju Lee
– Người dịch: Sun Tzô
– Đơn vị xuất bản: NXB Văn học
– Đơn vị phát hành: Mintbooks – AZ Vietnam
– Năm xuất bản: 2020.
Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.