Nhạn ngẩn ngơ sa – Từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Gia Thiều
| On Th1201,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này giới thiệu một số từ ngữ hay, đẹp trong thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều.
Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶 (1741-1798), là một nhà thơ thời Lê Hiển Tông. Tác phẩm nổi bật nhất của ông là Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲, thường gọi tắt là Cung oán. Tác phẩm dài 356 câu, làm theo thể song thất lục bát. Nội dung tác phẩm rất buồn, còn ngôn từ thì rất đẹp.
Bài viết này chủ yếu giới thiệu từ ngữ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán. Tên bài viết Nhạn ngẩn ngơ sa cũng trích từ Cung Oán:
Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa.
★ Cẩm tú – Đan thanh ★
“Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.”
Hai câu này trích từ Cung oán, ý nghĩa cụ thể như sau:
1. Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
“Cẩm tú” 錦繡 là gấm thêu. “Cẩm” là gấm, như “cẩm nang” là túi gấm, “cẩm y” là áo gấm. “Cẩm” cũng dùng để chỉ cái gì đó đẹp đẽ, lộng lẫy. “Tú” là thêu, như “tú phòng” là buồng thêu, “tú cầu” là quả cầu thêu (xưa có tục ném tú cầu để kén chồng). “Tú” cũng có nghĩa là thêu hoặc vẽ nhiều màu sắc.
“Cẩm tú” là gấm thêu, cũng dùng để chỉ cái gì tươi đẹp, như “cẩm tú giang sơn” (giang sơn gấm vóc tươi đẹp), “cẩm tâm tú khẩu” (lòng như gấm, miệng như thêu, chỉ ý và lời đẹp). “Cẩm tú” cũng có thể dùng để chỉ văn chương hay, để khen người có tài văn chương.
“Câu cẩm tú đàn anh họ Lý” nghĩa là câu thơ đẹp như gấm thêu, hơn cả người họ Lý. Lý ở đây là Lý Bạch – đệ nhất thi nhân đời Đường.
2. Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
“Đan thanh” 丹青 là màu đỏ và màu xanh, cụ thể là “đan sa” 丹砂 và “thanh hoạch” 青雘 – hai chất làm màu để vẽ, nên “đan thanh” được dùng để chỉ hội hoạ hoặc là khen tài vẽ tranh khéo.
“Nét đan thanh bậc chị chàng Vương” nghĩa là tài vẽ tranh hơn cả chàng Vương. Vương ở đây là Vương Duy – một họa sĩ và thi sĩ nổi tiếng đời Đường.
Hai câu thơ trên khen tài làm thơ và vẽ tranh của nàng cung nữ trong Cung oán ngâm khúc.
★ Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ ★
“Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có đoạn:
“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.”
– Thệ thuỷ (逝水) là nước chảy qua. Chữ “thệ” này có nghĩa là qua, đi qua rồi không trở lại.
– Cổ độ (古渡) là bến đò xưa. Chữ “độ” này động từ nghĩa là qua, từ bờ bên này qua bờ bên kia, hoặc cũng có nghĩa là cứu vớt như trong từ “tế độ”; danh từ thì có nghĩa là bến đò.
– Thu phong (秋風) là gió mùa thu. Thơ Nguyễn Khuyến có câu “Vạn lý thu phong ngã độc hành” (萬里秋風我獨行), nghĩa là Tôi đi muôn dặm một mình trong gió thu.
– Tà huy (斜暉) là ánh mặt trời chiều, ánh nắng chiều nghiêng nghiêng.
Hai câu thất “Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ, Quán thu phong đứng rũ tà huy” tả một khung cảnh u buồn, chiếc cầu bên bến đò cũ trơ trọi, cái quán đứng rũ trong bóng chiều tà dưới làn gió thu.
– Phong trần (風塵) là gió bụi, cũng chỉ cảnh gian nan.
– Sơn khê (山溪) là khe núi, núi và khe nước trên núi, chỉ nơi xa xôi cách trở.
– Tang thương (桑蒼), tức tang điền thương hải (桑田蒼海 – ruộng dâu biến thành biển xanh), chỉ sự thay đổi ở đời.
Hai câu thất ở trên kết hợp với hai câu lục bát “Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này” tạo nên một khung cảnh tiêu điều hiu hắt hết sức đặc trưng của “Cung oán”.
★ Đông quân sao khéo bất tình ★
Có bạn hỏi tụi mình là thỉnh thoảng đọc thơ thấy có từ “bất tình”, không biết là “bất tình” hay “bất bình”. Nếu là “bất tình” thì từ này có nghĩa là gì?
Trong “Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều có hai lần dùng từ “bất tình” như sau:
– Giấc Nam Kha khéo bất tình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
– Đông quân sao khéo bất tình,
Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân.
Hai câu này có bản chép là “bất bình”, hoặc như bản trong “Các khúc ngâm thế kỷ XIX” của Nguyễn Quảng Tuân (2022) thì câu trước chép “bất bình”, câu sau chép “bất tình”. Vậy nếu là “bất tình” thì “bất tình” nghĩa là gì?
Nguyễn Quảng Tuân (sđd) giảng “bất tình” là không có tình, lãnh đạm. “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng “bất tình” là không có lòng thương. “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giảng “bất tình” là không có tình ý, không có tình nghĩa, lòng người không thật, phản đối với chữ chân tình (tức là trái nghĩa với chân tình – NNVC). Có thể thấy, “bất tình” có nét nghĩa ít nhiều tương tự với “vô tình” (không kể nét nghĩa không chú ý, không chủ tâm của “vô tình”).
Chúng ta còn có thể gặp “bất tình” với nét nghĩa trên trong thơ Nguyễn Huy Tự, như câu sau trong truyện “Hoa tiên”:
– Bất tình chi bấy hoá công,
Cho người lấy mảnh má hồng làm chi?
Bài “Chu trung ngẫu chiếm” của Trần Danh Án thì có câu “Lưu thuỷ du nhân lưỡng bất tình” (流水遊人兩不情), nghĩa là nước chảy người đi cả hai đều chẳng có tình.
Bên cạnh đó, “bất tình” cũng được giảng là không ngờ trước được, bất thình lình. Nét nghĩa này có thể gặp trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (theo bản Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, bản Lê Văn Hoè hiệu đính – chú giải – bình luận):
– Dù khi sóng gió bất tình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
– Bất tình nổi trận mây mưa,
Mắng rằng: Những giống bơ thờ quen thân!
“Trận mây mưa” ở đây chỉ cơn giận dữ. Còn từ “đông quân” ở trên có nghĩa là vua phương Đông, vị thần làm chủ mùa xuân, ở đây ý nàng cung nữ nói vua.
★ Giấc Nam Kha ★
“Nam Kha”, hoặc “Nam kha” (南柯), nghĩa đen là cành cây bổ về hướng Nam. “Kha – 柯” nghĩa là cành cây. (Xin phân biệt với chữ “kha – 疴” nghĩa là bệnh nặng, như từ “trầm kha – 沈疴” nghĩa là bệnh nặng lâu ngày.)
“Giấc Nam Kha”, cũng dùng “mộng Nam Kha”, “giấc hoè”, “giấc mộng hoè” xuất phát từ tích Thuần Vu Phần nằm mộng dưới gốc cây hoè trong “Nam Kha ký” của Lý Công Tá. “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng tích này như sau:
“Lý Công Tá đời Đường có làm bài Nam kha ký thuật chuyện Thuần Vu Phần nằm mộng đến nước Hoè An, vua nước ấy kén Phần làm phò mã, cho nhậm chức Thái Thú ở Nam Kha, hết sức vinh hoa phú quý. Sau bị địch quân đánh bại, công chúa mất, vua đem lòng nghi kỵ, đuổi về. Thuần tỉnh mộng thấy mình nằm dưới gốc cây hoè, trên đầu là một nhánh bổ về phía Nam, cạnh mình có một tổ kiến.
Thì ra Hoè quốc không gì khác hơn là cây hoè, quận Nam Kha là nhánh bổ về hướng Nam, còn tổ kiến có lẽ là quân địch đã đánh bại Thuần Vu Phần. Vì thế nên giấc hoè còn gọi là giấc Nam Kha. Mộng với thật lẫn lộn nhau.”
Từ tích ấy, người đời sau dùng “giấc hoè” hoặc “giấc Nam Kha” để chỉ những giấc mộng hão huyền, không có thật, cũng có thể dùng để chỉ giấc mộng, giấc ngủ thông thường (không nhấn mạnh tính chất hão huyền, viển vông), như trong bài “Trăng về thôn dã” (Hoài An):
Đom đóm bay quanh trên ao bèo xa
Khi bao người dìu dịu giấc Nam Kha
Mộng triền miên say sưa dưới mái vàng
Ánh trăng khuất chìm vào rặng tre cuối làng.
Sau đây là một số câu thơ có dùng tích “Nam Kha”:
– “Loạn hậu cảm tác”, Nguyễn Trãi:
Tạp tải hư danh an dụng xứ,
Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha.
卅載虛名安用處,
回頭萬事付南柯。
(Ba chục năm hư danh có dùng được gì,
Quay đầu lại, vạn sự phó cho giấc mộng Nam Kha.)
– “Truyện Kiều”, Nguyễn Du:
Tiếng sen sẽ động giấc hoè,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
– “Chữ nhàn bài 2” Nguyễn Công Trứ:
Bóng quang âm thấm thoát vụt qua,
Kiếp phù sinh chừng một giấc Nam Kha.
– “Dương Từ – Hà Mậu”, Nguyễn Đình Chiểu:
Bên hang có tấm đá hoa,
Khảm vào bốn chữ “Nam kha mộng sàng”.
– “Nữ trung tùng phận”, Đoàn Thị Điểm:
Đếm thử tuổi tám mươi đã quá,
Giấc Nam Kha giục giã tỉnh mê.
Tâm thần mỏi mệt ủ ê,
Khối sanh khi đã gần kề dứt hơi.
– “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có dùng từ “giấc Nam Kha” trong một đoạn thơ song thất lục bát rất hay rằng:
Mồi phú quý dử làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh,
Giấc Nam Kha khéo bất tình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
★ Hoa lạc nguyệt minh ★
“Cảnh hoa lạc nguyệt minh dường ấy,
Lửa hoàng hôn như cháy tấm son.
Hoàng hôn thôi lại hoàng hôn,
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa.”
– Hoa lạc (花落) là hoa rụng. Chữ lạc 落 nghĩa là rụng, rơi, như “vũ lạc” 雨落 là mưa rơi, “diệp lạc” 葉落 là lá rụng.
– Nguyệt minh (月冥) là trăng mờ. Chữ minh 冥 nghĩa là mù mịt, tối tăm, như “u minh” 幽冥 là chỗ mịt mù không ánh sáng.
“Hoa lạc nguyệt minh” là hoa rụng trăng mờ, chỉ cảnh tiêu điều mờ mịt. “Nguyệt hoa” là trăng và hoa. Sách “Các khúc ngâm thế kỷ XIX” của Nguyễn Quảng Tuân (2022) giảng “trai gái thường hẹn nhau trước trăng dưới hoa để tự tình” và nguyệt hoa chỉ “cảnh đẹp trăng sáng hoa nở. Câu “Hoàng hôn thôi lại hoàng hôn” gợi liên tưởng đến “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” của Nguyễn Du.
Bốn câu này trong Cung oán ngâm khúc là tâm trạng của nàng cung nữ vào một buổi chiều, khi hoàng hôn rực lửa như thiêu như đốt tấm lòng son của nàng.
Có một điểm thú vị là, cùng là âm “lạc” nhưng chữ lạc 落 (trong “thất lạc”, “luân lạc”) có nghĩa là rụng rơi, còn chữ lạc 絡 (trong từ “liên lạc”, “mạch lạc”) thì có nghĩa là quấn quanh, ràng buộc. Và cùng là âm “minh” nhưng chữ minh 冥 nghĩa là mù mịt, tối tăm hoặc ngu đần, còn chữ minh 明 có nghĩa là sáng, sáng tỏ, hiểu biết, sáng suốt.
★ Kiếp phù sinh trông thấy mà đau ★
Cung oán ngâm khúc có đoạn:
“Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Sách “Các khúc ngâm thế kỷ XIX” do Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm, biên soạn (NXB Văn học, 2022) giảng:
– “Ảo hoá” là biến hoá, thay đổi kỳ lạ;
– “Kiếp phù sinh” là kiếp đời trôi nổi;
– “Cỏ khâu” là cỏ mọc trên nấm m.ồ.
Về “ảo hoá”, cũng có nguồn giảng là “trở nên hư ảo”. Theo nghĩa này, “hoá” là “trở nên”, cách cấu tạo của “ảo hoá” tương tự như “công nghiệp hoá”, “xã hội hoá”, “bi kịch hoá”,…
Về từ “phù sinh” (浮生), từ này thường dùng để chỉ cuộc sống tạm bợ. Chữ “phù” này nghĩa là nổi. Từ điển Thiều Chửu giảng “vật gì ở trên mặt nước không có căn cứ gọi là phù, lời nói không có căn cứ gọi là phù ngôn (浮言)”. Từ đây mở rộng nghĩa, “phù” cũng chỉ những gì hư ảo, hão huyền, không thực, như phù vinh (浮榮), phù hoa (浮華).
Từ “phù sinh” này rất thường gặp trong thơ ca. Thơ Tản Đà, bài “Cánh bèo” có câu:
“Khắp nhân thế là nơi khổ hải,
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai.”
Hát nói của Nguyễn Công Trứ thì viết: “Kiếp phù sinh chừng một giấc Nam Kha”.
Về từ “cỏ khâu”, “khâu” (丘, cũng viết 坵), nghĩa là cái gò, đống đất nhỏ, cũng dùng để chỉ m.ồ m.ả. Sách của Nguyễn Quảng Tuân (đd) viết là “cỏ khâu” và giải thích như trên. Nhưng cũng có nguồn viết là “một nấm cổ khâu”, nghĩa là nấm m.ồ xưa cũ, nấm m.ồ hoang, như thơ Lý Bạch có câu “Tấn đại y quan thành cổ khâu” (晉代衣冠成古丘 – Quan lại quý hiển thời Đông Tấn giờ chỉ là m.ồ hoang). NNVC đã thử tra bản chữ Nôm mà NNVC có thì thấy viết là 𦹵, âm “cỏ”, (bên trái là chữ thảo 草 biểu ý, bên phải là chữ cổ 古 biểu âm), nên có lẽ cách phiên “cỏ khâu” là hợp lý.
Đoạn thơ này như muốn nói, đời người hư ảo, trôi nổi ở cõi tạm, sau trăm năm cũng chẳng còn lại gì ngoài một nấm m.ồ. Câu “Kiếp phù sinh trông thấy mà đau” nghe buồn thương, cũng gợi nhớ đến câu Kiều “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của Nguyễn Du.
★ Miệng xang – Nghê thường ★
“Dẫu mà tay múa miệng xang,
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng.”
Hai câu trong Cung oán, ý nghĩa cụ thể như sau:
1. Miệng xang là miệng hát. Miệng xang đối ứng với tay múa.
Xang chính là xướng (唱), nghĩa là hát, trong các tổ hợp xướng ca, hát xướng,… Mối quan hệ giữa xang – xướng cũng thường gặp trong các trường hợp như tràng – trường, đang – đường, nàng – nương,…
Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có câu:
Bao giờ cho tới bắc phang,
Gặp chuột ra đàng con mới nên danh.
Bắc phang chính là bắc phương.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa thanh ngang (xang) và thanh sắc (xướng) có thể tìm thấy trong các trường hợp như tư – tứ, tin – tín, tan – tán, than – thán,…
Trong bài Hòn vọng phu 1 của Lê Thương (được cho là lấy cảm hứng từ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn) có câu:
Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn.
Ca xang chính là ca xướng, tức ca hát, mà một số trang không rõ nên đã điều chỉnh Vui ca xang thành Vui ca xong.
2. Nghê thường (霓裳), nghê là cầu vồng, thường là xiêm váy, nghê thường là xiêm y, áo váy có màu sắc của cầu vồng, thường dùng để chỉ xiêm y của thiên tiên, ngoài ra còn là tên gọi một điệu múa của tiên nữ trên cung trăng.
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng ý nói các tiên trên cung trăng nhìn nàng cung nữ múa hát đành xếp lại xiêm y mà chịu thua kém.
___________
“Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy dẫn giải, 1994.
★ Tịnh đế ★
“Tịnh đế”, từ Hán Việt, chữ Hán viết là 並蒂 (hoặc 並蔕), trong đó:
- Tịnh là bằng nhau, ngang nhau, cùng nhau;
- Đế là cái cuống, cuống hoa cuống quả. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng thêm là nói đến cỗi nguồn của sự gì gọi là “căn đế” 根蔕, như “căn thâm đế cố” 根深蔕固 (cũng dùng “thâm căn cố đế”).
“Tịnh đế” là chung một cuống, một cành, một đài. Từ này thường dùng để nói về hoa, nhất là hoa sen. Hoa sen tịnh đế là hai hoa sen mọc chung một cuống, một đài, thường được xem là quý hiếm. Hoa tịnh đế cũng thường dùng để tượng trưng cho đôi lứa.
Trong “Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều viết:
“Ngọn đèn phòng động* đêm xưa,
Chùm hoa tịnh đế trơ trơ chưa tàn.”
Ca dao ta thì có câu:
“Bao giờ cho được thành đôi,
Như sen tịnh đế một chồi hai bông.”
(*”Phòng động”, thường dùng “động phòng”, nghĩa căn phòng kín đáo, chỉ buồng của đôi vợ chồng mới cưới.)
* Sẽ còn cập nhật.