Một vài chỉ dẫn để đọc “Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615 – 1919)”
| On Th812,2024(Ngày ngày viết chữ) Cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615 – 1919) của Phạm Thị Kiều Ly là một cuốn sách chứa nhiều thông tin giá trị, có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích cho người nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt.
Tuy nhiên, vì cuốn sách vốn là luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, cho nên – như hầu hết các luận án khác – cuốn sách có hàm lượng khoa học cao thành ra khó đọc, nhất là đối với độc giả phổ thông.
Do vậy, Ngày ngày viết chữ biên bài viết này, nêu ra một vài chỉ dẫn để bạn đọc có thể dựa vào đó mà tiếp cận quyển sách này.
Về một số cách ghi âm
Một nội dung rất đáng chú ý và có lẽ là có giá trị nhất trong việc vận dụng để giảng dạy tiếng Việt mà sách cung cấp là phần “Ghi các thanh điệu và vần” (tr. 192-244) thuộc Chương 4. Phần này, tác giả lần lượt đề cập cách ghi thanh điệu (tr. 192), âm đệm (tr. 193), vần mở (bao gồm cách ghi nguyên âm đôi đáng chú ý) (tr. 196), vần nửa mở (tr. 208), vần chứa bán nguyên âm cuối /-j/ (tr. 209) và /-w/ (tr. 219), vần nửa khép (tr. 224), vần khép (tr. 235).
Ở trên, vì sao nói cách ghi nguyên âm đôi là đáng chú ý? Vì rất nhiều người hiểu nhầm nguyên âm đôi trong tiếng Việt, không biết rằng cách viết ia và iê (như mía và miếng) thực ra chỉ là hai cách ghi của cùng một nguyên âm /iə/, hoặc ua và uô (như múa và muống) cũng là hai cách ghi của cùng một nguyên âm /uə/, tương tự, ưa và ươ (như mưa và mương) là hai cách ghi của cùng một nguyên âm /ɯə/.
Vì không biết điều này, cho nên có người hiểu nhầm tiếng Việt có rất nhiều nguyên âm đôi là ia, iê, ua, uô, ưa, ươ. Thậm chí, có người còn cho rằng ia và ya là hai nguyên âm khác nhau. Nhầm lẫn tương tự cũng xảy ra với ya và yê.
Sách viết: “Nguyên âm đôi /iə/ viết là ia nếu nó là một âm tiết mở. Nếu âm tiết kết thúc bằng một phụ âm hoặc bán nguyên âm, chẳng hạn như /k/, thì nguyên âm đôi /iə/ được viết là -iê, như trong vần -iêc. Nguyên âm đôi /iə/ viết là ya và yê khi nó đứng sau âm đệm /-w-/, như trong các từ khuya ‘khuya’, khuyên ‘khuyên nhủ’.”
Trường hợp /uə/ và /ɯə/ cũng tương tự như vậy. Sách cũng giải thích tại sao các nhà truyền giáo dòng Tên lại ghi âm như vậy – trong khi “cách lý tưởng nhất trong ghi các âm của một ngôn ngữ bằng mẫu tự La-tinh là mỗi âm ghi bằng một và chỉ một chữ”. Điều gì đã dẫn tới việc cùng một âm lại có nhiều cách ghi như thế? Bạn đọc có thể xem tác giả giải thích ở tr. 206.
Ở đây, cần nói thêm về âm đệm /-w-/. Sách bàn về âm đệm /-w-/ từ tr. 193 đến tr. 196.
Âm đệm /-w-/ là âm tròn môi, là âm xuất hiện trong các từ như hoa, hoàng, hoe, huệ, huy, huyền, huyết,… Một cách nôm na, thì khi phát âm các từ này, môi chúng ta sẽ “chúm chúm lại cho tròn”. Âm đệm /-w-/ được ghi âm bằng hai ký tự o và u tuỳ theo âm phía sau (hoặc phía trước của nó trong trường hợp âm tiết mở đầu là /k/ mà ghi bằng chữ q).
Sở dĩ cần nói thêm về /-w-/ là vì đã có trường hợp – cùng với việc hiểu chưa đúng về ia, iê, ua, uô, ưa, ươ,… như đã nói ở trên – thì cũng nhầm lẫn luôn là các âm có vần uyê là nguyên âm ba, thay vì hiểu u ở đây là âm đệm /-w-/ còn yê là một nguyên âm đôi.
Nhìn chung, phần “Ghi các thanh điệu và vần” sẽ giúp ta hiểu được nhiều điều về cách ghi âm tiếng Việt. Nếu bạn vẫn luôn thắc mắc i và y có gì khác nhau, thì phần này của sách cũng lý giải được cho bạn.
Về vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ
Trong các cuộc trò chuyện có liên quan đến chữ Quốc ngữ, người ta hầu như luôn nói về vấn đề cải cách. Nhưng không phải bây giờ chúng ta mới đòi cải cách.
Tác giả cho biết “người đầu tiên nêu bật sự cần thiết phải cải cách chữ Quốc ngữ là linh mục Legrand de la Liraÿe năm 1868” nhằm “phiên âm chuẩn hơn một số âm vị tiếng Việt” và “đề xuất của linh mục không được đồng bào của ông lẫn người Việt ủng hộ nhưng đó là bước khởi đầu cho một sự suy ngẫm về cải cách chính tả” (tr. 330).
Trong phần “Cải cách chữ Quốc ngữ” (tr.330-343), tác giả nêu các nội dung tranh luận xung quanh các cuộc cải cách và các lý do thất bại.
Các cuộc cải cách chính tả có thể nói là gần như luôn xoay quanh hai vấn đề muôn thuở là “những phức tạp vô ích trong chính tả và những bất cập giữa hệ thống âm vị học và hệ thống chữ viết” (tr. 337). Việc cải cách, có lẽ là cần thiết về mặt khoa học, nhưng thực tế, sau nhiều đề xuất, quy định và khuyến khích, người ta vẫn viết chữ Quốc ngữ y như cũ với tất cả những bất ổn của nó.
Tác giả, sau khi chỉ ra các lý do thất bại, cũng đặt vấn đề liệu có cần phải cải cách chính tả. Tác giả cho rằng “mỗi chữ viết đều có lịch sử riêng bất chấp ‘logic’ và lịch sử của chữ Quốc ngữ phản ánh các chữ viết mà nó lấy làm hình mẫu (tức chữ viết thuộc ngôn ngữ mẹ đẻ của các nhà truyền giáo góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ – NNVC)” và do đó “một cuộc cải cách có vẻ không cần thiết nhưng vẫn cần phải chuẩn hoá các biến thể, ví dụ như việc sử dụng tuỳ tiện hai chữ cái i và y” (tr. 339).
Ngoài ra, tác giả cũng có nhắc tới việc triển khai trong chương trình đào tạo giáo viên và trong giáo dục phổ thông các nội dung về sự hình thành chữ Quốc ngữ và logic mà các giáo sĩ dòng Tên đã dùng để lựa chọn mẫu tự. Về điểm này, tuy tác giả chỉ nhắc ngắn gọn một câu, nhưng cũng là điều đáng suy ngẫm. Thực tế, cũng có người tuy đã học xong chương trình phổ thông, nhưng không hiểu do quên hay do không được học mà nêu thắc mắc: Vì sao đã có a-bờ-cờ lại còn có a-bê-xê? Gần đây, chúng tôi còn gặp trường hợp tưởng rằng “ngờ đơn” (ng-) và “ngờ kép” (ngh-) là hai âm khác nhau. Rõ ràng, người ta đã không phân biệt được cái âm và cái chữ.
Về những cái tên đáng chú ý
Thông thường, khi nhắc đến chữ Quốc ngữ, nhiều người chỉ nhớ đến tên Alexandre de Rhodes và xem ông là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Có lẽ, sở dĩ có việc này một phần vì công trạng của Rhodes là rõ ràng, một phần vì trí não của ta chỉ ghi nhớ được những điều có tính chất tiêu điểm.
Song, lịch sử chữ Quốc ngữ là lịch sử do nhiều người cùng viết nên, bên cạnh những nhà truyền giáo châu Âu, ắt không thể thiếu những cá nhân là người Việt.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả có nhắc đến nhiều tên tuổi người Việt và vai trò của họ trong việc hình thành, truyền bá chữ Quốc ngữ, bạn đọc có thể xem chi tiết ở Chương 5 và Chương 6.
Trong số các tên tuổi người Việt này, đáng chú ý nhất có lẽ là Filippe Bỉnh (cũng viết Philipphê Bỉnh hoặc Filippe do Rosario Bỉnh) (1759 – 1833). Bạn đọc có thể đọc về ông từ tr. 271 đến tr. 276.
Filippe Bỉnh là người Hải Dương, thụ phong linh mục năm 1793 và có chuyến đi đáng nhớ cùng các đồng tu đến Lisbonne (Bồ Đào Nha) để “xin bổ nhiệm một giám mục đứng đầu các nhà truyền giáo dòng Tên đang ở châu Á mặc dù dòng đã bị giải thể”. Chuyến đi này khởi hành vào năm 1794 và không đạt được mục đích, Filippe Bỉnh cùng các đồng tu cũng ở lại Bồ Đào Nha cho đến khi mất.
“Suốt 37 năm (1796-1833), Filippe Bỉnh cùng các anh em đồng tu đã thu thập và sao chép các từ điển, tác phẩm về lịch sử Việt Nam, về cuộc đời các thánh…” Tổng cộng, ông (và các đồng tu) đã biên soạn 33 tập tài liệu, mỗi tập gồm 500 – 700 trang, chủ yếu viết bằng chữ Quốc ngữ, một số viết bằng chữ Bồ Đào Nha và chữ Hán.
Sách cũng chỉ ra những điểm khác nhau trong chính tả của Filippe Bỉnh (cùng các đồng tu) với chính tả của giai đoạn trước đó mà tiêu biểu là chính tả của Alexandre de Rhodes, xem tr. 275-276.
Một số tên tuổi khác, tuy không dễ để chỉ ra đóng góp như trường hợp Filippe Bỉnh, nhưng cũng có đóng góp không thể phủ nhận, có thể kể đến như Chantra Toû (Tú?), Antoine Lợi, Paul Nghị, André Loan, Dominique Vãng và Raphaël Chay (Cháy?). Đây là sáu trong số những người đóng góp tích cực cho việc biên soạn giáo lý và từ điển mà Pigneaux de Béhaine (tức Cha cả Bá Đa Lộc) chỉ đạo thực hiện.
Nói chung, những tên tuổi người Việt Nam, tuy có thể rất mơ hồ, nhưng cũng cho chúng ta thấy một bức tranh rõ nét hơn về sự hình thành chữ Quốc ngữ ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Trên đây là vài chỉ dẫn của Ngày ngày viết chữ, hy vọng sẽ giúp bạn đọc cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615 – 1919) dễ dàng hơn đôi chút. Nội dung sách vẫn còn rất nhiều khía cạnh thú vị, bổ ích mà bài viết này chưa đề cập, hy vọng quý bạn đọc sẽ dành thời gian khám phá.
THÔNG TIN SÁCH: Tên sách: Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615 – 1919) Tác giả: Phạm Thị Kiều Ly Nhà xuất bản: NXB Văn Học Đơn vị phát hành: Omega+ Năm phát hành: 2024 Khổ sách: 16x24cm Độ dày: 436 trang (luôn bìa) Giá bìa: 268.000 đồng Mã giảm giá dành cho bạn đọc của Ngày ngày viết chữ: ABADS10 Đặt sách tại đây. *Ngoài ra, tác giả Phạm Thị Kiều Ly còn có cuốn 100 câu hỏi về lịch sử chữ Quốc ngữ có thể xem là “phiên bản nhẹ” của cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615 – 1919), bạn đọc cũng có thể tham khảo. |