“Miền dâu dại” – Một bộ truyện nhỏ rất đáng tham khảo cho người học viết
| On Th704,2022(Ngày ngày viết chữ) Bạn có thể đọc Miền dâu dại trong vòng non nửa buổi chiều, rồi sau đó dành nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm câu chữ của nó. Có rất nhiều điều đáng tham khảo cho người mới bước vào con đường học viết trong bộ sách nhỏ này.
Miền dâu dại – tên gốc là Brambly hedge – là một chuỗi tác phẩm của tác giả Jill Barklem. Chuỗi tác phẩm gồm tám cuốn khác nhau và bắt đầu xuất bản vào năm 1980. Tại Việt Nam, chuỗi tác phẩm này đã xuất bản một bộ bốn cuốn, lần lượt là Chuyện khi xuân sang, Chuyện khi hạ tới, Chuyện khi thu đến và Chuyện khi đông về.
Sách có hình minh hoạ rất nên thơ do chính tác giả Jill Barklem vẽ và được giới thiệu là phù hợp với bạn đọc từ 6 tuổi trở lên. Mặc dù được viết cho thiếu nhi, nhưng bốn tác phẩm này (do Lam dịch, NXB Hà Nội và Crabit Kidbooks ấn hành, 2021) vẫn hết sức phù hợp với người lớn. Bao giờ cũng vậy, sách cho trẻ con thì luôn phù hợp với những ai từng là trẻ con. Chúng đánh thức những miền thơ trẻ mềm mại trong tâm hồn có phần cằn cỗi của người trưởng thành.
Bên cạnh việc thưởng thức bốn cuốn sách như bốn bản đồng dao trong trẻo, ở góc độ một người viết, chúng ta còn có thể học từ bộ sách này một số kỹ thuật viết – tuy đơn giản nhưng rất có tác dụng trau chuốt ngòi bút.
Dưới đây là một số điều mà người học viết có thể học hỏi được từ bốn quyển sách đã được dịch ra tiếng Việt của Miền dâu dại.
Trước hết là về chính tả
Trong bộ sách này, bạn có thể bắt gặp cách viết “xúp” (chứ không phải “súp”), “xa-lát” (chứ không phải “salad” hay salat). Sách viết: “Nào là xúp rau cải xoong lạnh, rồi thì xa-lát bồ công anh tươi, kem mật ong, thạch bọt sữa, thậm chí có cả kẹo đường đánh bông luôn.”
Việc một cuốn sách viết đúng chính tả thoạt nghe rất hiển nhiên. Nhưng điều đáng chú ý là, nhiều bạn mới bước vào nghề viết, thường vẫn nhầm lẫn các cách viết “súp”, “sô pha” là đúng. Cho nên, bản dịch bộ sách này có thể xem là một dẫn chứng cho việc khi nào phiên thành “x” khi nào phiên thành “s”.
Bảng bên cạnh là một số ví dụ về cách phiên âm từ mượn gốc Anh/Pháp sang tiếng Việt.
Thứ hai là từ láy và có dạng láy, từ tượng thanh và tượng hình
Chúng tôi liệt kê ra đây một số từ láy và từ có dạng láy cũng như những từ tượng thanh, tượng hình mà chúng tôi nhặt được trong sách:
bận bịu, bé tí tẹo teo, chằng chịt, chí chách, chùng chình, gọn gàng, hăm hở, hổn hển, hớn ha hớn hở, í a í ới, lắp bắp, le lói, len lỏi, lỉnh kỉnh, loáng thoáng, lờ mờ, lờ nhờ, lục cà lục cục, luống cuống, lững lờ, mệt đứ đừ, mò mẫm, nô nức, nhảy thùm thụp, nhấm nháp, nhẩn nha, phẳng phiu, rậm rạp, rốt ráo, rực rỡ, say sưa, tất tần tật, thăm thẳm, thẽ thọt, thơ thẩn, thủng thẳng, tí tách, tròn ung ủng, tưng bừng, tươm tất, vắt vẻo, vung vãi lung tung,…
Rải rác khắp bốn cuốn sách mỏng với một tần suất khá dày, nhưng không phải là đến mức đậm đặc quá đáng, là những từ ngữ có hình thức láy cũng như từ tượng thanh, tượng hình (cũng thường có hình thức láy). Những từ ngữ này, tuy không xa lạ, nhưng vì được dịch giả vận dụng nhuần nhuyễn nên đã khiến lời văn càng thêm mượt mà. Láy và hình thức láy là một phép tu từ vừa dễ vận dụng vừa tạo ra hiệu quả vượt trội về mặt ngữ âm lẫn mặt ngữ nghĩa. Đọc Miền dâu dại, chúng ta có thể học hỏi cách mà dịch giả sử dụng từ láy để tái hiện khung cảnh đồng quê bình dị mà đầy những sắc màu lấp lánh.
Thứ ba là thành ngữ và quán ngữ
Ngoài từ láy và có hình thức láy, từ tượng thanh hoặc tượng hình, Miền dâu dại bản tiếng Việt còn một số thành ngữ và quán ngữ, chẳng hạn: chăn ấm nệm êm, hoảng hồn khiếp vía, vui như mở cờ, hơi sức đâu mà,… Tuy không dồi dào, nhưng khi đọc sách, chỉ một vài trường hợp như thế cũng đã đủ minh hoạ cho việc vận dụng thành ngữ, quán ngữ vào bài viết của mình.
Thứ tư là câu cú rõ ràng, ngắn gọn, có liên kết
Một trong những lý do mà Ngày ngày viết chữ luôn khuyến khích học viên của mình đọc văn học thiếu nhi để học viết là vì câu cú trong tác phẩm dành cho thiếu nhi thường rất ngắn gọn, lại rõ ràng, câu nào ra câu nấy. Miền dâu dại cũng không ngoại lệ. Hãy thử đọc đoạn trích sau đây:
Mọi người chia nhau mỗi người mang một thứ. Wilfred được giao cho một chiếc giỏ to tướng, nặng đến mức chú chẳng tài nào nhấc lên nổi. Thấy vậy ông Apple bèn cho chú mượn một chiếc xe cút kít. Các chị em cùng hợp sức giúp chú đẩy nó đi, nhưng Wilfred tội nghiệp vẫn thấy quá kiệt sức, không tài nào kham nổi.
Bốn câu trong đoạn trích trên không chỉ rõ ràng, ngắn gọn mà còn có liên kết mạch lạc. Nội dung câu 1 bắt qua câu 2. Câu 3 lại nối tiếp ý câu 2 và câu 4 tiếp tục phát triển từ câu 3. Có liên kết là một trong những tiêu chí mà theo Ngày ngày viết chữ là rất quan trọng để có một áng văn hay.
Tiếp theo, chúng ta hãy chú ý đoạn văn này:
Con đường sao mà dài dằng dặc. Cả một đường vòng quanh lâu đài là bao công sức kéo lê nặng nề, những bánh xe lăn đi nhọc nhằn, họ băng qua cánh đồng ngô và đến bên con suối. Wilfred cảm thấy hết sức nóng nực và muốn được nghỉ ngơi ngay tắp lự.
Ở trên chúng tôi gạch chân và in đậm một số chỗ để nhấn mạnh tính chất cân xứng của câu văn trong tác phẩm. Một trong những bí quyết để viết ra những câu văn cân xứng, hài hoà đó chính là sử dụng hình thức từ tương ứng ở các vế câu. Ví dụ:
– vế A có từ láy, vế B cũng có từ láy;
– vế A có từ Hán Việt, vế B cũng có từ Hán Việt;
– vế A có trật tự là thực từ – thực từ – hư từ – thực từ, vế B cũng có trật tự là thực từ – thực từ – hư từ – thực từ.
– v.v..
Bằng cách này, câu văn của chúng ta không chỉ nom có hình thức cân xứng mà khi đọc lên âm thanh cũng hết sức hài hoà, giàu nhạc tính. Đây là một cách viết vận dụng lối văn biền ngẫu của văn chương ta thuở trước.
Trên đây là một số điểm mà người học viết có thể tham khảo từ bộ sách Miền dâu dại của Jill Barklem, bản dịch tiếng Việt của Lam. Điều quan trọng là, bộ sách này rất mỏng, đọc loáng một cái là xong, nên bạn đọc sẽ không tốn quá nhiều thời gian, vừa đọc vừa học, nếu cần có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Hy vọng bài giới thiệu này của Ngày ngày viết chữ hữu ích cho bạn trong việc tham khảo bộ sách thú vị này.