Lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ Latin
| On Th715,2020(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này trình bày khái lược quá trình hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ Latin (sau đây gọi là chữ Quốc ngữ), từ khi ra đời đến khi trở thành chữ viết chính thức ở nước ta.
1. Latin hoá tiếng Việt và sự hình thành chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVI – XVIII
Vào thế kỷ XVI, khi nền đại thương nghiệp thế giới phát triển, thì các sứ giả, thương nhân phương Tây, các thừa sai đạo Thiên Chúa đã theo những thương thuyền đi khắp thế giới mà tới nước ta, ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Các nhà truyền giáo khi ấy, để tường trình lên giáo hội khi quay lại châu Âu, họ phải ghi chép hành trình của mình. Trong đó, chắc chắn phải nhắc đến tên các địa danh (vùng đất, cửa biển, thành thị, kinh thành) mà họ đã đến. Tức là, những từ được Latin hoá đầu tiên là những địa danh. Khoảng những năm 1615, một số địa danh nước ta đã được người Bồ Latin hoá như Cochinchina, Cauchy, Cauchy China, Cachao, Cacciam (1, tr.21).
Lúc này, do các nhà truyền giáo đến từ nhiều nước (Bồ Đào Nha, Pháp, Ý,…) nên mỗi người tuỳ theo tiếng nước họ mà ghi âm tiếng Việt theo cách phát âm riêng của mình. Do đó, có khi cùng một địa danh mà có rất nhiều cách ghi khác nhau. Ví dụ địa danh Cù Lao Xanh ở Bình Định – một núi đảo cách đất liền vài chục cây số đường biển – được xem là ngọn tiêu phong trên đường hàng hải của tàu thuyền phương Đông và phương Tây qua lại trên Biển Đông thuở xưa có đến tám tên gọi và các cách ghi bằng chữ Latin khác nhau: Pulo Cabe, P.Gambir, Pulo Cambi, Pulo Cubir,… (1, tr.21-22).
Nguyễn Thị Vân Anh[1] (2015), tổng kết việc Latin hoá tiếng Việt giai đoạn thế kỷ XVI như sau:
“Một là, những người phương Tây sớm đến nước ta chỉ mới Latin hoá tiếng Việt ở phạm vi hẹp là các địa danh mà thôi.
Hai là, những địa danh họ đã phiên âm bằng chữ Latin như Picipuri, Quibenhu, Guaneb khó mà đoán được họ muốn chỉ nơi nào.
Ba là, một số địa danh họ đã phiên âm bằng chữ Latin có thể đoán ra được nhưng không rõ ràng, gây tranh cãi về sau. Chẳng hạn như Cauchy và Cauchy China là Giao Chỉ thì đã rõ. Còn Cachao là địa danh người Bồ Đào Nha phiên âm thì A. Lamb cũng cho là đề cập đến Giao Chỉ, còn Phạm Đình Khiêm lại cho là chỉ Kẻ Chiêm (Thanh Chiêm) – nơi trấn thủ Quảng Nam thời trước.” (1, tr.22).
Những năm đầu thế kỷ XVII, các thừa sai Dòng Tên bắt đầu đến Đàng Trong như Francesco Buzomi (1615), Francesco de Pina (1616) và Christophoro Borri (1617).
Giai đoạn này chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép mở rộng buôn bán với người phương Tây, trọng dụng trí thức Bồ Đào Nha, đối xử tử tế với các nhà truyền giáo. Các nhà truyền giáo Dòng Tên lúc này không chỉ để Latin hoá các địa danh mà còn học tiếng Việt để giao tiếp với dân chúng, soạn kinh giảng đạo và dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo đến sau.
Vì vậy, việc Latin hoá tiếng Việt ở giai đoạn này được mở rộng trên nhiều phương diện và phát triển mạnh hơn nhiều so với giai đoạn thế kỷ XVI. Lúc này, ngoài địa danh (đã dễ đọc hơn thời kỳ trước) thì còn Latin hoá từ chỉ người như Onsay (Ông Sãi), Congno (con nhỏ), Latin hoá từ chỉ sự vật như Sayckim (sách kinh), Saycchin (Sách chữ), Noecman (nước mắm), Latin hoá các từ chỉ sự việc như Scin (xin), Muon bau (muốn vào), Latin hoá các cụm từ như Scin mocay (xin một cái), On Say dilay (ông Sãi đi lại) và Latin hoá một câu (1, tr.24-25).
Ngoài những trường hợp Latin hoá tiếng Việt mang tính nhỏ lẻ như trên, trong giai đoạn này, các thừa sai bắt đầu phối hợp với các giáo hữu thông Nho để viết kinh giảng đạo. Tiếp theo, “thừa sai Gaspar d’Amaral viết cuốn Tự vị Việt – Bồ và thừa sai Antonio Barbosa viết Tự vị Bồ – Việt (1632)” (1, tr.25). Cũng trong hai quyển tự vị này, “các thừa sai Dòng Tên bắt đầu dùng một vài dấu có sẵn trong tiếng Bồ để ghi giọng trầm – bổng, bằng – trắc của tiếng Việt như dấu mũ, dấu huyền, dấu sắc” (1, tr.26).
Năm 1624, Alexandre Rhodes (Pháp, 1591[2] – 1660) tới Đàng Trong. Ông học tiếng Việt với thừa sai Pina, giảng đạo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ông kế thừa thành tựu của các thừa sai tới trước và nâng cao, hoàn thiện việc Latin hoá tiếng Việt và góp phần hình thành chữ Quốc ngữ. Thành công đáng ghi nhớ nhất của ông và cũng là lý do ông được nhắc tới nhiều nhất, thậm chí lầm tưởng là là người duy nhất tạo ra chữ Quốc ngữ, là biên soạn cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và viết cuốn Phép giảng tám ngày bằng chữ Quốc ngữ, in ở Roma năm 1651. Theo Hoàng Tiến (1994), “cha Alexandre de Rhodes đã nghiên cứu cách phát âm của người Đàng Ngoài (vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ bấy giờ) để đặt ra vần quốc ngữ có đủ được hết mọi giọng trong tiếng Việt” bởi càng đi vào Đàng Trong thì “cách phát âm càng bớt giọng đi, không nhiều thanh sắc bằng giọng Bắc bộ và Bắc Trung bộ” (5, tr.42).
A. De Rhodes đã “sử dụng 23 chữ cái Latin, trừ các chữ z, j và f được thay bằng gi, d và ph và sáng chế thêm 2 chữ mới là “bê-ta” và đ. Chữ bê-ta đọc giữa b và v, được các thừa sai dùng trong hai thế kỷ XVII và XVIII, sang thế kỷ XIX mới thay hẳn bằng chữ v. Còn chữ đ hoàn toàn là sáng chế của ông được dùng đến ngày nay. Chịu ảnh hưởng của tiếng Bồ, ông cũng đặt ra các chữ ă, â, ô, ơ, ư. Để thể hiện các phát âm nặng – nhẹ, trầm – bổng của tiếng Việt, ông đặt ra các dấu” (1, tr.27).
Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes là từ điển đối dịch đầu tiên, lấy từ tiếng Việt làm mục từ, dày 645 trang. Đầu cuốn từ điển còn có Bản tuyên ngôn vắn tắt về tiếng An-nam hay tiếng Đông-kinh dài 31 trang chia làm 8 chương ngắn. “Hai chương đầu quan trọng hơn cả, trình bày các mẫu tự và các dấu dùng trong phiên âm tiếng Việt, tiếp theo là năm chương về Ngữ học và chương cuối cùng về Ngữ pháp. Bản tuyên ngôn này được xem như là công trình khảo cứu đầu tiên về ngữ pháp tiếng Việt” (1, tr.27). Còn Phép giảng tám ngày “dày 319 trang chia làm hai cột, một bên là tiếng Latin và một bên là chữ Quốc ngữ được viết theo ngày” (1, tr.28).
Hai cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Sau A. de Rhodes, chữ Quốc ngữ tiếp tục được nhiều người – bao gồm các linh mục người nước ngoài và đương nhiên là cả người Việt – tu sửa và hoàn thiện hơn. Trong số những người Việt có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ, phải kể đến linh mục Philiphê Bỉnh (người Hải Dương, sinh năm 1759). Philiphê Bỉnh đã trước tác, dịch thuật, sao chép nhiều sách có giá trị. Tác phẩm nổi bật của P. Bỉnh là Sách sổ sang chép các việc (1822). Cuốn sách dày 628 trang viết theo thể hồi ký và viết tay bằng chữ Quốc ngữ. Ông viết Sách sổ sang chép các việc “theo tiếng nói thông thường của dân ta, nhất là tầng lớp bình dân, không chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, không hề dùng điển tích cũng không chịu ảnh hưởng của tiếng Latin, tiếng Bồ” (1, tr.32).
Trong Sách sổ sang chép các việc, ông có kế thừa những thành quả về chữ Quốc ngữ của A. de Rhodes và các linh mục đời trước. Nhưng Philiphê Bỉnh không chỉ kế thừa, ông còn có những “cải cách” giúp chữ Quốc ngữ có diện mạo quen thuộc hơn với chúng ta ngày nay. Chẳng hạn, ông đổi tất cả các chữ viết bằng phụ âm khởi đầu là “bê-ta” thành v, như bua thành vua. Ông cũng lược nhiều phụ âm đôi. Dưới đây là bảng so sánh tóm tắt ba giai đoạn chữ Quốc ngữ thời kỳ hình thành:
Giai đoạn manh nha
(XVI – đầu XVII) |
Giai đoạn Alexandre de Rhodes
(đầu XVII – nửa đầu XVIII) |
Giai đoạn Philipphê Bỉnh
(nửa sau XVIII – đầu XIX) |
– Phiên âm theo nhiều thứ tiếng (Pháp, Ý, Bồ,…) tuỳ người.
– Nhìn chung còn khó hiểu. |
– Đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
– Hoàn chỉnh hơn, dễ đọc hơn. – Chủ yếu dùng để viết kinh giảng đạo. |
– Được tu bổ trong sáng hơn, gần với chữ Quốc ngữ ngày nay.
– Ngoài viết kinh, còn dùng để viết hồi ký, chép sử,… |
Tóm lại, đến cuối thế kỷ XVIII, chữ Quốc ngữ đã hình thành và có diện mạo tương đối hoàn chỉnh. Bước sang thế kỷ XIX lại tiếp tục được tu sửa, hoàn thiện và có nhiều đóng góp to lớn vào văn hoá Việt Nam.
2. Quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ
Sang thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ có điều kiện để phát triển nhờ các giáo sĩ có công với Nguyễn Ánh nên được triều đình ưu ái. Vị giáo sĩ được nhắc đến nhiều nhất thời bấy giờ là giám mục Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc). Ông vừa “xông pha” vào chính trường vừa hoạt động tôn giáo, ngôn ngữ, đặc biệt là biên soạn các cuốn tự điển Việt-La, La-Việt. Hai công trình này tuy chưa xuất bản nhưng được Jean Louis Taberd kế thừa, kết hợp với thành tựu của A. de Rhodes để biên soạn cuốn từ điển Nam Việt – Dương hiệp tự vị (Dictionarium Anamitico-Latinum). Theo Đào Duy Anh (1938), “chữ Quốc ngữ trong bộ tự điển ấy giống hệt như chữ Quốc ngữ ngày nay, cho nên ta có thể nói rằng thể thức chữ Quốc ngữ ngày nay là do hai giám mục d’Adran (Bá Đa Lộc) và Taberd xác định” (2, tr.249).
Cuốn tự điển trên tiếp tục được thừa sai Theurel bổ túc rồi in ở Kẻ Sở năm 1877. Sau đó, năm 1898, thừa sai Pénibrel biên soạn cuốn tự điển Việt-Pháp rồi in ở nhà in Tân Định. Tiếp đó, các cuốn tự điển Việt-Pháp, Pháp-Việt của nhiều tác giả người Công giáo lẫn không phải người Công giáo tiếp tục ra đời, không ngừng cải tiến, bổ sung.
Sau thời Gia Long, các giáo sĩ không còn được trọng dụng nhiều nữa. Triều Nguyễn cũng không có thiện cảm với thứ ngôn ngữ “do các nhà truyền giáo sáng tạo ra” nên chữ Quốc ngữ có thời gian không có chỗ đứng trong xã hội. Mãi cho đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và bãi bỏ Hán học, mở trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thì chữ Quốc ngữ mới dần dần có chỗ đứng.
Đào Duy Anh cho biết: “Buổi đầu chỉ có các nhà truyền giáo sư dùng chữ Quốc ngữ để dịch những sách kinh nhật tụng cùng sách giáo lý vấn đáp. Đến sau khi Nam Việt thành thuộc địa (1867)[3], Chính phủ đem chữ Quốc ngữ dạy ở các trường học, các nhà tân học bấy giờ, như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, cũng dùng chữ Quốc ngữ để viết văn. Ở Trung Việt bấy giờ có ông Nguyễn Trường Tộ xin triều đình thông dụng chữ Quốc ngữ, nhưng trong buổi Hán học thịnh hành lời đề xướng của ông không ai để ý đến. Đến đầu thế kỷ XX thì các nhà học giả Bắc Việt, như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính cũng bắt chước văn sĩ Nam Việt mà dùng chữ Quốc ngữ để viết sách viết báo” (2, tr.249).
Sự kiện “chính phủ đem chữ Quốc ngữ dạy ở các trường học” mà Đào Duy Anh nói ở trên chính là sự kiện Phó Đề đốc De Lagrandière bãi bỏ Hán học, mở trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (ngay sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ). Tiếp đó, năm 1882, “nhà cầm quyền còn ra những nghị định bắt buộc nhân dân phải dùng chữ Quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ, Nghị định cũng nêu rõ miễn một nửa hoặc toàn bộ thuế thân nếu biết chữ Quốc ngữ, những ai muốn làm hương chức mà không biết chữ Quốc ngữ thì không được xét” (1, tr.45, dẫn theo Phan Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục, 2006, tr.51-52).
Sau Nam Kỳ, đến lượt Trung Kỳ và Bắc Kỳ cũng dần dần bị buộc phải học chữ Quốc ngữ. “Năm 1898, chúng thêm vào chương trình thi Hương hai môn học là Quốc ngữ và Pháp văn; mở trường chuyên nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn Huế” (1, tr.45, dẫn theo Nguyễn Khánh Toàn (Cb), Lịch sử Việt Nam, tập II (1858-1945), Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr.111). Theo Nguyễn Văn Huyên (1939), “sau một thời gian thù địch ngắn ngủi của các văn thân, việc dùng quốc ngữ đã phát triển nhanh chóng không ngờ, nhất là từ năm 1900. Chẳng những sách sơ đẳng phổ biến khoa học dùng cho các trường học công được xuất bản, và những áng thơ lớn bằng chữ Nôm được phiên âm, mà các nhà nho cải lương còn bắt đầu dịch tác phẩm của các văn hào lớn của châu Âu mà đã được dịch sang tiếng Trung Hoa” (4, tr.281).
Có thể nói đến giai đoạn này (đầu thế kỷ XX) chính là thời kỳ cách mạng của chữ viết. Chữ Quốc ngữ được chính quyền thừa nhận và lan rộng trong quần chúng nhân dân, cũng như được giới sĩ phu, trí thức hưởng ứng và tích cực vận động phổ biến. Tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo thường xuyên có bài vận động học chữ Quốc ngữ.
“Nhà nước khuyến khích học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, nhằm đào tạo giới công chức đủ khả năng hơn, lần hồi thay cho những người chỉ biết chữ Nho, chữ Nôm. “Thầy Ký (Trương Vĩnh Ký) dạy học, có làm sách mẹo dạy tiếng Lang Sa, có chữ Quốc ngữ để người ta dễ học. Những người ký lục, giỏi, siêng năng, lo học chữ Quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ cái mà viết đặng, không phải như chữ ta, học già đời mà còn chữ lạ viết không ra, ở đấy có phủ Tường (Tôn Thọ Tường) đã học đặng chữ Quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”. (Gia Định báo, 15-4-1867)” (3, tr.67).
Cuộc cách mạng chữ viết nhằm phổ biến chữ Quốc ngữ diễn ra thành phong trào rõ rệt nhất là ở Bắc Kỳ. Theo Hoàng Tiến, cuộc cách mạng này kéo dài 10 năm, từ 1907 là năm ra đời tờ Đăng cổ tùng báo đến 1917 là năm kết thúc tờ Đông Dương tạp chí”. Cả hai tờ báo và tạp chí này đều gắn với tên tuổi Nguyễn Văn Vĩnh. Qua “cuộc cách mạng” này, “không ai còn nghi ngờ khả năng của chữ Quốc ngữ nữa (chuyển dịch những áng văn hay của nước ngoài, cũng như biểu đạt tư tưởng dùng diễn tả những xúc cảm, và nhất là nó dễ đọc, dễ học, có tính chuẩn xác cao” (5, tr.84).
Cũng trong giai đoạn này, năm 1908, Chính phủ bảo hộ lập Hội đồng Cải cách Học vị, chương trình học do Hội đồng này định ra gồm ba bậc:
- Ấu học ở các trường làng, dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
- Tiểu học dạy chữ Hán và chữ chữ Quốc ngữ.
- Trung học dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Như vậy, đến thời điểm này, chữ Quốc ngữ đã tiến vào trường học thành công. Đến mốc 1918-1919, các kỳ thi theo lối cũ (Hán học) được bãi bỏ. “Trong khoa thi Hương cuối cùng (1918), thi Hội, thi Đình (1919), chính quyền thực dân đã ban hành bộ Học chính tổng quy do Toàn quyền Saraut ký ngày 21/12/1917. Và, Khải Định đã xuống dụ bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán” (1, tr.47-48) để thay bằng các trường Pháp – Việt đánh dấu cột mốc xoá bỏ nền giáo dục phong kiến, thiết lập nền giáo dục mới.
Ngày 18/9/1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ quốc ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học. Năm 1932, Hội đồng thượng thư (triều Bảo Đại) chính thức ra quyết định dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán ở Trung Kỳ. Đến tháng 8/1938, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ ra đời, đây là sự kiện quan trọng cho thấy việc truyền bá chữ Quốc ngữ trong quần chúng được xem trọng. Hội này hoạt động đến năm 1945 thì kết thúc sứ mạng của mình.
Năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập và cho ra đời các lớp “bình dân học vụ” để “diệt giặc dốt” thì có thể nói quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ cơ bản đã hoàn thành, chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức của xã hội Việt Nam.
Ở giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ có sự đóng góp không nhỏ của các giáo sĩ phương Tây và cả những giáo sĩ người Việt (mà đại diện tiêu biểu là Philipphê Bỉnh). Đến giai đoạn truyền bá, ngoài những tên tuổi như P. de Behaine, Taberd,… thì những trí thức người Việt như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Tố, Đào Nguyên Phổ,… cũng có nhiều đóng góp lớn lao.
Lại nói, trong quá trình xâm lược và xây dựng chính quyền, thực Pháp đã lợi dụng chữ Quốc ngữ để điều hành guồng máy cai trị và phục vụ chính sách thực dân. Về phía quần chúng nhân dân, khuynh hướng ban đầu là chống cự, cố gắng níu kéo chữ Nho trong vô vọng. Nhưng chẳng bao lâu sau, các sĩ phu yêu nước đã nhận ra sự tiện lợi của thứ chữ này, mạnh dạn “buông bút lông cầm bút chì”. Do đó, theo Hoàng Xuân Việt, “nảy sinh khuynh hướng thứ hai là cổ xuý cho việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ để nhanh chóng nâng cao dân trí, bắt kịp những tiến bộ văn minh cũa thời đại, nhằm đủ sức chống lại chính quyền thực dân” (6, tr.382). Từ đây, chữ Quốc ngữ bắt đầu có những đóng góp hết sức to lớn, trở thành chữ viết của dân tộc với vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hoá – xã hội Việt Nam.
———–
[1] TS, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Quy Nhơn, Bình Định
[2] Có tài liệu nói A. de Rhodes sinh năm 1953.
[3] Pháp chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh.