Hương xuân đậu xuống vai mềm
| On Th215,2025
(Ngày ngày viết chữ) “Hương xuân đậu xuống vai mềm” là loạt bài mừng xuân Ất Tỵ (2025) do Ngày ngày viết chữ thực hiện. Loạt bài này đã đăng trên fanpage từ 28 đến mùng 5 Tết.
Năm nay, chủ đề mà Ngày ngày viết chữ chọn là tình xuân trong ca dao, tên chủ đề “Hương xuân đậu xuống vai mềm” là trích từ bài ca dao:
Mùa xuân dạo bước Tây Hồ,
Thiên duyên sao khéo tình cờ gặp em.
Gánh hoa hoa lại tươi thêm,
Hương xuân đậu xuống vai mềm thêm xuân.
Nói xa chẳng ngại nói gần,
Ước gì tôi được làm thân với nàng.
MỜI BẠN ĐỌC THÊM
>> Tân niên cát tự
>> Con gà trong tiếng nói người Việt
>> Hai kiểu hẹn thề của người Việt trong ca dao
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 1
Ca dao ta có câu rằng:
Chưa chi anh đã vội về,
Hay là xuân giục vội về với xuân?
“Chưa chi” là một từ tuy giản dị nhưng lại rất hay, không chỉ là trong câu ca dao này mà nói chung trong nhiều trường hợp khác, vì nó là một từ đậm tính tình thái.
Chưa chi họ đồn quất đồn quanh,
Đồn em là vợ, đồn anh là chồng.
Từ “chưa chi” trong “Chưa chi anh đã vội về” cho thấy người nói bất ngờ, tiếc nuối, như ở đây việc còn chưa đâu vào đâu mà anh đã vội về. Và vì tiếc nuối, không nỡ, nên người nói nêu thêm một mối ngờ “Hay là xuân giục vội về với xuân?”
“Xuân” trong “vội về với xuân” có thể là gì? Là một tình nương, hay là tuổi trẻ mang hoài bão, hay là quê hương mà anh nhung nhớ nên xuân về cũng thôi thúc anh về nhà?
Nếu là tuổi trẻ ấp ôm hoài bão, thì xin hãy nhớ ca dao cũng có bài rằng:
Xuân noãn nhứt gia đào lí hạnh,
Tuế hàn tam hữu trúc tòng mai.
Sử kinh anh ráng dồi mài,
Lòng em chí quyết đợi hoài duyên anh.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 2
Ở kỳ trước, anh đã vội về với xuân nên kỳ này giới thiệu với các bạn lời người ở lại dặn:
Ra về dặn bạn khoan chân,
Dặn hoa khoan nở mùa xuân đang dài. (1)
Câu ca dao này như một lời lưu luyến, kẻ ở không nỡ rời xa người về, và có lẽ cũng là một thông điệp về lối sống chậm, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, thời khắc của tuổi trẻ.
Đọc câu ca dao đưa tiễn ngày xuân này, mình cũng nhớ tới một câu, hơi buồn:
Bóng thiều đã báo xuân sang,
Người xa xa mãi, lỡ làng ngãi nhân. (2)
“Bóng thiều” tức là bóng mặt trời mùa xuân. Chúng ta đã quen thuộc với chữ “thiều” trong các từ “thiều quang”, “thiều hoa”.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 3
Ai cho chín lạng không mừng,
Chỉ mừng một cỗ chồi xuân non cành.
Câu ca dao này có một hình ảnh rất đẹp – “một cỗ chồi xuân”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng “cỗ” là “từ dùng để chỉ từng đơn vị thuộc loại một số vật do nhiều bộ phận hợp thành”, ví dụ: cỗ lòng lợn, cỗ máy bơm, cỗ pháo cao xạ. Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng “cỗ” là “nguyên bộ, nguyên pho”, ví dụ: cỗ bài, cỗ đồ chè.
Trong câu ca dao này, tác giả dân gian cho rằng “một cỗ chồi xuân” còn quý hơn, đáng mừng hơn “chín lạng” – tượng trưng cho vật chất lớn lao.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 4
Thường thì, chúng ta rất dễ liên tưởng mùa xuân với tuổi trẻ của con người. Có lẽ vì mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, cũng như đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ. Và, vì xuân có lúc, người có thì, nên niềm tiếc xuân cũng hiển hiện rõ rệt như ta tiếc tuổi trẻ.
Xuân kia xin chớ bỏ qua,
Hoa kia có lứa, người ta có thì.
Quý bạn đọc có bạn nào hay chữ, trổ tài làm thêm vài câu thơ để hoạ tiếp câu ca dao này nha.
Và, nói về những câu ca dao mang niềm tiếc xuân, cũng là ngụ ý trân quý tuổi trẻ, chúng ta còn có những câu như:
– Chim bay thẳng cánh trên trời,
Tội gì bỏ quá một đời xuân xanh.
– Chào nhau một tiếng kẻo mà,
Trời chiều bóng xế dần dà hết xuân.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 5
Nhắn người ở tận chốn xa,
Gió trăng là bạn, bướm hoa là tình.
Bao giờ duyên ta bén với duyên mình,
Cầm bằng câu đối đầu đình ngày xuân.
“Cầm bằng” nghĩa là “kể như là, coi như là”, nhiều từ điển ghi nhận đây là từ cũ, có lẽ do ngày nay ít dùng (nhưng có lẽ ít dùng trong văn viết, văn nói dường như vẫn còn nghe). “Bao giờ duyên ta bén với duyên mình, Cầm bằng câu đối đầu đình ngày xuân” nghĩa là khi nào ta và mình bén duyên, thì cũng coi như là nên đôi tốt đẹp, xứng nhau như câu đối ngày xuân.
Một bài ca dao khác cũng bàn về việc nên đôi khi xuân về:
Mưa xuân lác đác ngoài trời
Trông ra đường thấy một người thơ ngây
Gặp nhau ở quãng đường này
Như cá gặp nước như mây gặp rồng!
Hình ảnh cá gặp nước, rồng gặp mây là hình ảnh thường được dùng để ví với việc gặp được cơ duyên tốt, nhưng không chỉ là cơ duyên tình cờ có được (như kiểu “buồn ngủ gặp chiếu manh”) mà là cơ duyên do số phận sắp đặt.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ 6
Chữ rằng: xuân bất tái lai,
Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn.
Trong tâm thức và trong thói quen ngôn ngữ của mình, chúng ta thường nói “xuân về”. Có lẽ vì một năm bốn mua, xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, vòng lặp ấy khiến chúng ta tưởng thời gian là tuần hoàn. Thế nhưng, thời gian luôn tiến về phía trước, và vì thế mà “xuân bất tái lai”.
Trong tâm tình “xuân bất tái lai” đó, chúng ta còn có thể nhớ đến những câu như:
– Ai ơi! Chơi lấy kẻo già,
Măng mọc có lứa, người ta có thì.
Chơi xuân, kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.
– Chơi Xuân kẻo lỡ quá thì,
Xuân qua ngoảnh lại còn gì là xuân?
Và, nhân nói về “xuân bất tái lai”, chúng ta bàn thêm về thanh xuân, về tuổi trẻ của đời người:
– Thanh xuân bất tái,
Phận em là gái,
Sớm lo nhân ngãi cho rồi,
Sợ em quá lứa uổng đời hồng nhan.
– Dầu cho quá lứa,
Em đây cũng chẳng hứa càn.
Phải duyên, em trao nghĩa gửi vàng,
Không duyên không nợ, em đành để hoa tàn nhuỵ phai.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Kỳ cuối
Một năm là mấy tháng xuân,
Một đời người được mấy lần vinh hoa?
Câu ca dao này cũng là một tiếng nói cho thấy tâm tư trân trọng mùa xuân, trân trọng tuổi trẻ, trân trọng những tháng năm vinh hoa khó có.
“Vinh hoa” (榮華) nghĩa là vẻ vang rực rỡ, thường dùng để chỉ đời người khi có thành tựu. Bàn về “vinh hoa”, ca dao ta có những câu như:
– Đời người ai cũng có phần,
Vinh hoa có lúc phong trần có khi.
– Một đời phú quý vinh hoa,
Một đời đói rách cũng qua một đời.
– Cuộc đời để mặc đời lo,
Vinh hoa thế sự phó cho mặc đời.
Qua những câu ca dao này, theo mọi người người Việt ta có những quan niệm nào đối với “vinh hoa”?
Nói thêm một chút về ý niệm trân trọng mùa xuân, trân trọng tuổi trẻ, chúng ta còn có những câu như:
– Một năm là mấy tháng xuân,
Một ngày được mấy giờ Dần sớm mai?
– Một năm là mấy tháng xuân,
Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi.
Hương xuân đậu xuống vai mềm – Loạt bài mừng Xuân Ất Tỵ của Ngày ngày viết chữ đến đây xin khép lại, cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi và đóng góp để loạt bài thêm trọn vẹn. Ngày ngày viết chữ chúc các bạn mùa này có thật nhiều hương xuân, năm này có thật nhiều vinh hoa.