Học viết: 7 lời mách nước dành cho bạn
| On Th529,2023(Ngày ngày viết giảng) Học viết là một tiến trình, một tiến trình đòi hỏi chúng ta phải chuyên tâm và cần mẫn. Và mặc dù đúng là để viết cho hay thì cũng cần năng khiếu nữa, nhưng cơ bản thì viết vẫn là một kỹ năng, mà kỹ năng thì chúng ta hoàn toàn có thể học được.
Bài viết này gửi đến bạn 7 lời mách nước, hy vọng có thể giúp bạn học viết thuận lợi hơn, sáng tạo hơn.
1. Tham gia một lớp học viết
Lớp học viết là một nơi tuyệt vời để chúng ta bắt đầu. Ở một lớp học viết thông thường, bạn sẽ được cung cấp những bài giảng theo hệ thống, bài tập, thảo luận. Mặc dù có thể nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng được nói đến trong lớp, trước đó bản thân bạn cũng từng làm, nhưng việc được trình bày lại theo một hệ thống là chuyện rất có ý nghĩa. Những thủ pháp vụn vặt, những thao tác viết bạn vẫn làm nhưng không ý thức được, không gọi tên được sẽ tựu hình rõ ràng và có lớp lang trong suốt chương trình học.
Hơn nữa, khía cạnh có giá trị nhất của việc tham gia một khoá học viết chính là bạn được một nguồn hỗ trợ hiệu quả. Giảng viên và cả những học viên khác thường sẽ giúp được bạn trong việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chữ nghĩa, thậm chí là xuất bản sách.
Việc tham gia các lớp học còn giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi trước trang giấy trắng, giúp bạn viết lại sau nhiều năm vì một lý do nào đó mà tạm gác bút. Hôn nữa, một lớp học viết thường sẽ thôi thúc bạn viết vì chí ít bạn phải có trách nhiệm với việc học của mình.
Một lưu ý trước khi đăng ký bất kỳ một lớp học viết nào là bạn nên đặt một số câu hỏi như: Nội dung lớp là gì? Có điều kiện tiên quyết nào trước khi học không? Ai là người giảng dạy? Lớp học có đông không? Những học viên khoá trước nhận xét thế nào?
Nếu cần tham khảo một số khoá học, bạn có thể xem qua các lớp của Ngày ngày viết chữ tại đây.
2. Đọc
Đọc là đối với một người viết cũng quan trọng như ăn cơm uống nước. Đọc sách vừa giúp chúng ta khám phá ra những điều hấp dẫn, những mối quan tâm của bản thân, vừa giúp chúng ta học cách viết. Chúng ta đọc không chỉ để giải trí mà còn đọc với lăng kính phê bình, ghi nhận những kỹ thuật mà chúng ta có thể áp dụng cho tác phẩm của chính mình. Trong cuốn Hôm nay phải mở mang, chúng tôi cũng đã nói tới điều này – đọc với tư cách là một người học viết là một kỹ năng rất khác so với đọc với tư cách là một người đọc. Cũng trong sách này, chúng tôi đã gợi ý một danh sách những tác phẩm nên đọc và hướng dẫn đôi điều về cách đọc, quý bạn đọc có thể tham khảo chi tiết trong sách.
3. Nhắm mục tiêu
Trước khi bạn bắt đầu học viết, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những câu hỏi sau: Trong điều kiện lý tưởng, bạn muốn viết về điều gì và viết cho ai?
Nếu bạn chưa có câu trả lời chắc chắn, vậy thì trước tiên bạn khoan hẵng tính chuyện viết. Mà thay vào đó, bạn hãy ngẫm lại một vài cuốn sách và/hoặc tác giả truyền cảm hứng cho bạn. Những cuốn sách và/hoặc tác giả ấy có điểm chung gì? Điểm chung đó có lẽ chính là câu trả lời cho câu hỏi ở trên.
Bạn có thể chịu ảnh hưởng của Nguyễn Ngọc Tư và muốn viết những tác phẩm mang đậm hơi thở vùng miền quê bạn như cách mà Nguyễn Ngọc Tư viết về Nam Bộ. Hoặc bạn chỉ là muốn viết về câu chuyện đời mình, về những gì mình đã nghe, đã thấy, đã trải. Tác giả Thư Uyển của Cơ trưởng từ buồng lái đã viết cuốn sách về nghề bay chỉ vì anh muốn kể cho người thân của mình biết anh làm gì khi đi bay. Xuất phát điểm giản dị là vậy, nhưng tác phẩm nhận được không ít lời tán thưởng, trong đó có sự ngợi khen của một số nhà văn, nhà báo.
Việc có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn viết chăm chỉ hơn cũng như biết mình cần làm gì để đạt được mục tiêu ấy. Bạn cũng hãy cứ yên tâm rằng, mục tiêu của bạn đa phần sẽ thay đổi. Có thể khi đang phóng bút theo chủ nghĩa hiện thực, bạn phát hiện mình phù hợp với chủ nghĩa lãng mạn hơn. Nhưng không sao cả, những kỹ năng viết lách mà bạn tích luỹ được khi tiến tới theo mục tiêu cũ sẽ trở thành một tài sản trong hành trình viết lách lâu dài của bạn. Việc bước tới theo một đích nhắm nào đó không có nghĩa là lúc cuối cùng bạn sẽ chạm vào đích nhắm ấy. Việc bước tới theo một đích nhắm có nghĩa là bạn có bước tới. Kể cả trên đường đi có rẽ ngoặt, thì những kỹ thuật chọn từ chuốt câu, những phép chơi chữ và đảo ngữ bạn học được không bao giờ là vô ích cả.
4. Làm bài tập viết
Nếu bạn chỉ muốn rèn kỹ năng viết nhưng không có bất kỳ ý tưởng nào, hoặc là bạn có rất nhiều ý tưởng, nhiều bài phải viết theo yêu cầu công việc và bạn chỉ muốn viết một chút gì đó để “đổi gió”, để vận động não, thì bạn có thể làm một vài bài tập viết. Chẳng hạn viết một đoạn miêu tả người nhưng không dùng tính từ, hoặc nhờ người khác cho mình 3 từ bất kỳ và dùng chúng để viết một đoạn văn.
Bạn có thể tham khảo một số đề bài tập viết của Ngày ngày viết chữ tại đây.
5. Hiểu tiến trình viết
Để học viết, chúng ta cần phải hiểu bản chất của tiến trình viết. Tiến trình này thường không đơn giản hoặc diễn ra theo tuyến tính. Người viết nào, kể cả những cây bút tiếng tăm, cũng đều phải lần hồi qua nhiều bản nháp. Có những thông điệp mà tác giả phải viết đến lần thứ bảy mới tìm ra được câu chuyện phù hợp đặng mà gửi gắm thông điệp ấy.
Nghe thì thấy vất vả, nhưng trong chuyện này cũng có một điểm tốt lành. Đó là chúng ta gần như không có áp lực nào đối với bản nháp đầu tiên. Bản nháp đầu tiên ấy mà, tệ hại một chút cũng không sao.
Chúng tôi thường nói với các học viên của mình là cứ viết phứt ra những gì em nghĩ, không cần thiết phải chuẩn bị quá nhiều đâu – bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ biết được phải chuẩn bị đến đâu là đủ. Nếu đợi chuẩn bị hoàn hảo rồi mới viết thì có khi, chúng ta phải đợi cả đời.
Từ một bài viết một hai ngàn từ đến một tập truyện hai ba trăm ngàn từ hoặc hơn thế nữa, tất thảy đều không tránh khỏi những thay đổi lớn từ bản nháp đầu tiên đến bản thảo cuối cùng.
Thông thường, một bài viết trải qua những thay đổi lớn từ bản nháp đầu tiên đến bản cuối cùng. Chúng ta khó mà biết được trong những ngày sắp tới, bản thảo của mình sẽ ngoặt sang hướng nào. Thực tế này cũng giống như chúng ta đi trong đêm tối, cầm một ngọn đèn giơ ra trước mặt, chỉ có thể nhìn thấy một khoảnh sáng nhỏ xung quanh mình, và tuy bóng tối ngoài kia mênh mông vô định nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cứ vậy mà bước đến cuối con đường.
Một điểm quan trọng nữa của tiến trình viết là chúng ta cần dành đủ thời gian nghỉ cho bản nháp của mình. Viết xong một lượt, nghỉ ngơi vài hôm, sau đó hẵng quay lại sửa. Thời gian nghỉ có thể ngắn là một lượt trà nước, dài có thể đôi ba tuần hoặc hơn, tuỳ theo quy mô của bản thảo.
Đây cũng là cách làm của các nhà văn, chẳng hạn Ma Văn Kháng. Trong hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, Ma Văn Kháng viết rằng: “Viết xong một đoạn văn, xả hơi, làm điếu thuốc tự thưởng, như chấm xuống dòng, lấy lại đà hào hứng, sức lực, viết tiếp ngay được đoạn văn mới”.
Chuyện nghỉ ngơi này cũng có thể áp dụng trong khi viết (hoặc trong khi dịch) chứ không cần đợi viết xong bản nháp rồi mới nghỉ. Khi bạn cảm thấy đầu óc mụ mị đi và không biết câu văn này thì nên dùng từ nào cho phù hợp, hãy tạm dừng lại, đi rửa chén, tưới cây hay là xem một đoạn phim ngắn để giải trí. Tầm mươi mười lăm phút sau quay lại, nhìn câu chữ mình đang viết dở bạn tự khắc sẽ biết mình nên đặt từ nào vào đây là lý tưởng nhất.
Tất nhiên, chúng ta cần phải cam kết xả hơi đủ rồi thì phải quay lại. Tự định cho mình chính xác thì nghỉ bao lâu, và hết quãng thời gian đó chúng ta phải nghiêm túc giở bản nháp ra và chỉnh sửa, hoặc là bắt đầu viết lại.
6. Hiểu “gu viết” của mình
“Gu viết” của mình chính là thói quen, điểm mạnh, sở thích và sở ghét của mình đối với chuyện viết. Để hiểu rõ “gu viết” của mình hơn, bạn có thể đặt ra vài câu hỏi và tự trả lời, ví dụ:
Về cách viết: Bạn thích đánh máy hay viết tay? Rõ ràng là đánh máy thì thuận tiện hơn cho việc lưu trữ và chỉnh sửa sau này, nhưng cũng có một số tác giả thích nhìn chữ viết tay của mình (thường thì do nó đẹp nên có sức thôi thúc viết). Nếu bạn thích viết tay nhưng ngại bất tiện, bạn cũng có thể viết in ít thôi, chẳng hạn viết phần dàn ý, hoặc là vài lời thoại bạn chợt nghĩ ra vào sổ tay viết văn, còn phần văn bản chính thức thì bạn đánh máy.
Về không gian viết: Bạn có cần một nơi vắng tiếng nói cười và máy móc mới có thể tập trung viết không? Bạn có thể viết ở một nơi có trẻ con cười đùa và hàng xóm ca hát om sòm không? Bạn thấy mình viết được nhiều hơn khi ngồi quán cà phê hay là ngồi trong phòng ngủ? Những lúc ngồi chờ ở ngân hàng, ở phòng khám, ở uỷ ban xã, bạn có viết được không?
Về thời gian viết: Bạn rảnh rỗi nhất vào lúc nào? Trong một ngày, thời điểm nào thì bạn không bận rộn cơm nước hoặc chăm sóc con cái, cũng không phải quay cuồng với công việc ở công sở? Có người sẽ viết sau giờ cơm tối, cũng có người sẽ viết trước khi mặt trời lên.
Tìm ra thời gian phù hợp để viết có thể là một thách thức rất lớn, thậm chí là lớn nhất đối với người học viết. Với nhiều người trong chúng ta, viết không phải là ưu tiên hàng đầu. Thậm chí, sống cả đời mà không viết cũng không sao, nói như kiểu ông bà xưa là “có chết thằng Tây nào đâu?”. Vậy nên, sau khi xoay xở lo cho gia đình và công việc chính thức, chúng ta cạn hơi hết sức nên không viết nổi nữa. Thành thử, tìm ra một hai tiếng để viết mỗi ngày và tuân thủ theo lịch ấy là chuyện đòi hỏi tính kỷ luật cao. Nhưng nếu muốn học viết và viết đến nơi đến chốn, chúng ta cũng không có cách nào khác hơn là lên lịch viết và cứ đến giờ thì viết.
Về thể loại viết: Bạn thích viết thể loại nào nhất? Thơ hay là truyện ngắn? Tiểu thuyết hay là tác phẩm phi hư cấu? Bài phân tích chuyên sâu hay là những nội dung ngắn đơn giản hài hước trên mạng xã hội? Bạn thấy mình hợp với thể loại nào thì hãy viết thể loại đó. Đừng nghe những lời nói ra nói vào kiểu “tản văn là thể loại nhạt nhẽo”, “truyện ngắn khó viết lắm chứ dễ đâu mà ham”, “tiểu thuyết đồ sộ mới là tất cả”, “dăm ba cái content trên mạng xã hội sao có thể làm nên cây bút vĩ đại”, vân vân và vân vân mà chênh chao.
Đương nhiên, những lời nói ra nói vào như vậy (nhiều khi do người đi trước, người có kinh nghiệm nói) cũng có giá trị tham khảo – nhưng cũng chỉ dừng ở giá trị tham khảo, đừng xem chúng là chân lý. Tham khảo mà thấy không khớp với trường hợp của mình thì thôi.
7. Dựa vào cộng đồng
Mặc dù viết là một công việc đơn độc, nhưng cũng chẳng hề gì nếu chúng ta nương nhờ sức mạnh của cộng đồng. Chúng tôi luôn khuyên học viên của mình nên có ít nhất một người bạn văn. Người đó có thể giúp bạn củng cố ý tưởng, dò bản thảo, hoặc là cùng bạn làm bài tập số 16 mà chúng tôi đề cập ở mục 4.
Làm thế nào để có một hoặc nhiều người bạn văn? Cách đơn giản và hữu hiệu nhất là tham gia các lớp học viết. Các lớp học là nơi bạn gặp gỡ nhiều người có chung sở thích, trong số đó sẽ có đôi ba người hợp cạ. Các bạn có thể kết bạn, đi ăn đi uống với nhau, chia sẻ ý tưởng, san sớt kinh nghiệm, cùng nâng đỡ ngòi bút cho nhau. Tất nhiên, không có chuyện hôm nay thành bạn văn ngày mai ra sách, nhưng ít nhất thì có bạn văn, có cộng đồng, bạn sẽ thấy hành trình viết của mình đỡ chơi vơi hơn.
Học viết có vẻ là một công việc nhọc người, nhưng không phải là bất khả thi. Ai nên vóc nên hình mà chẳng bắt đầu bằng con chữ đầu tiên? Cho nên bạn chớ quan ngại cũng đừng quản ngại, hãy cứ học từ từ, xây dựng cho mình một thói quen viết nhất quán, và trong hành trình ấy, nếu có khó khăn gì bạn cứ tìm Ngày ngày viết chữ.
Để đọc thêm nhiều bài viết, nắm bắt thông tin workshop và khoá học, quý bạn đọc có thể theo dõi Instagram của Ngày ngày viết chữ (@ngayngayvietchu) hoặc đăng ký bản tin bằng cách kéo xuống cuối web này và điền e-mail của bạn. |