Học cách viết câu đơn giản bằng cổ tích Việt Nam
| On Th119,2023(Ngày ngày viết chữ) Nếu bạn muốn học viết những câu đơn giản, rõ nghĩa, câu nào ra câu nấy, đọc vào hiểu ngay, vậy thì bạn có thể thử học cách viết câu trong truyện cổ tích.
Trong quá trình dạy viết, Ngày ngày viết chữ đọc được rất nhiều bài viết mà ở đó, người viết “xuống câu” khá lòng vòng, diễn đạt cứ rườm rà, không đi vào trọng tâm.
Nếu bạn muốn viết những câu chữ hoa mỹ, cầu kỳ thì thôi không nói. Nhưng nếu bạn muốn viết cho đơn giản, câu nào ra câu nấy, hãy học cách viết câu trong truyện cổ tích. Dưới đây là một số câu ví dụ, trích từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập I và tập II) do Nguyễn Đổng Chi biên soạn (NXB Trẻ, 2015), mời bạn đọc cùng xem.
Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho
Có tiền trong tay, Thạch Sùng rất dễ kiếm được địa vị. Hắn dâng vua bao nhiêu là vàng bạc ngọc ngà, nên được vua phong tước quận công. Hắn ra ở kinh thành, xây dựng phủ đệ không khác gì phủ đệ ông hoàng bà chúa. Trong phủ đệ của hắn có một trăm nàng hầu vợ lẽ, người nào người nấy ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Còn hắn và vợ con thì giờ đây sống một cách xa xỉ, đến nỗi trong nước trừ hoàng đế ra khó có một người nào dám sánh. [I, 291]
Mưu con thỏ
Ngày ấy trên rừng không có miếng gì ăn, một chú thỏ mò xuống một ruộng khoai bới trộm. Ngờ đâu chủ ruộng đã nấp sẵn ở túp lều bên cạnh, ập đến tóm ngay lấy thỏ. Thỏ ta giả bộ chết nằm sóng soài. Chủ ruộng khoai lật đi lật lại mấy lần không thấy thỏ cựa quậy, hắn vứt thỏ xuống gốc cây, thỏ cũng không chạy. Nhưng thừa dịp người ấy vào hàng uống nước, thỏ ta chồm dậy trốn mất. [I, 619]
Vua Heo
Phú thương nổi giận tìm gậy toan đánh Heo. Heo bỏ chạy thục mạng. Mặc dầu bụng đói, chàng không dám dừng lại. Mãi đến nửa đêm, vừa mệt vừa buồn ngủ ríu mắt, Heo chui đại vào một nhà kia để kiếm chỗ ngả lưng. Trong nhà lúc ấy các giường chõng đều chật ních những người mà lại ngủ say như chết. Heo trông thấy ở gian bên có bàn thờ Long thần vừa đủ một chỗ nằm, lại có cả chiếu dùng để đắp rất tốt, bèn vứt tượng Long thần vao một xó nhà, rồi trèo lên bàn đánh một giấc rất ngon lành. Tờ mờ sáng hôm sau Heo đã dậy, rồi lại tiếp tục đi nữa. [I, 721]
Tiêu diệt mãng xà
Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có màu đỏ, hai con mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng. Nó đi đến đâu là cuốn thành bão đến đấy, cây cối đổ rào rào, bụi bốc mù mịt. Nó đã ăn thịt không biết bao nhiêu súc vật và người. Người ta dùng nhiều các để diệt trừ, nhưng mãng xà đã không chết mà còn phá hoại dữ dội hơn. Cuối cùng nhà vua phải sai dựng cho nó một cái đền và hứa mỗi năm khấn một mạng người để nó đỡ phá phách. Nhà vua ra lệnh bắt các làng mỗi năm phải nộp một người con gái để dâng cúng mãng xà, nhưng cũng rao trong nước, ai tiêu diệt được con quái vậy ấy thì sẽ phong quận công và cho lấy công chúa làm vợ. [II, 75]
Con ma báo thù
Một hôm, có một ông cử quê quán ở Gia Định sửa soạn về kinh thi hội. Nhưng nhà ông nghèo quá không biết lấy gì để chi tiêu dọc đường. Ông đi vay mượn hết mọi nơi nhưng vẫn không đủ số. Sắp đến ngày phải ra đi, bỗng có một người khách tự dưng tìm đến làm quen, nói rằng mình cũng sắp trẩy kinh nên đến rủ ông cùng đi cho có bạn. Thấy ông cử than rằng mình chưa lo xong tiền ăn đường, người khách lạ ấy hứa sẽ chịu mọi phí tổn, quý hồ được đi cùng với ông là tốt rồi. [II, 180]
Vụ kiện châu chấu
Tức giận vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai hoạ cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim ri bèn đi kiện với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:
– Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?
Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả là nó gây tang tóc cho nhà chim ri, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý.
– Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi. [II, 289]
Qua những đoạn trích trên, chúng ta có thể rút ra vài bài học viết nhỏ như sau:
1. Câu cú ngắn gọn, rõ ràng, đúng cấu trúc (nếu không phân tích theo Chủ – Vị được thì bạn có thể phân tích bằng Đề – Thuyết), không có câu què, câu cụt, câu mơ hồ.
2. Trong câu có sử dụng từ láy, từ có dạng láy, thành ngữ, quán ngữ, giúp câu thêm sinh động, tự nhiên.
3. Giữa các câu, các vế câu có sử dụng từ ngữ liên kết để chuyển ý, để gắn kết các nội dung với nhau.
4. Từ ngữ thuần Việt, gần gũi với tiếng nói người bình dân, phù hợp với những bạn muốn học cách viết kể chuyện, giản dị và đời thường.