Hai bài viết về “Hôm nay phải mở mang” trong một cuộc thi viết
| On Th322,2023(Ngày ngày viết chữ) Đây là hai bài tham dự cuộc thi viết nhân dịp sinh nhật 2 tuổi của thương hiệu sách WaveBooks. Trong số tất cả các bài dự thi, có hai bài này viết về tác phẩm Hôm nay phải mở mang của Ngày ngày viết chữ. Và cả hai bài đều đoạt giải – một giải Nhất, một giải Ba.
Hai bài viết tuy ngắn nhưng đã cho thấy những thay đổi rõ rệt của các tác giả trước và sau khi đọc sách. Ngày ngày viết chữ đã xin phép WaveBooks để đăng lại hai bài viết này, trước là để giới thiệu với quý bạn đọc về ý nghĩa của quyển sách, sau là để làm kỷ niệm. Ngày ngày viết chữ xin chân thành cảm ơn hai tác giả Mai Xuân và Tố Duyên vì đã yêu mến Hôm nay phải mở mang và mang đến hai bài viết thật sinh động.
THƯ GỬI MỞ MANG
Tác giả: Mai Xuân (Giải Nhất)
Mở mang thân mến!
Tụi mình quen nhau cũng hơn một năm rồi. Từ ngày chú Sóng với cô Dung dẫn cậu ra nhà sách chơi, mình và cậu biết nhau và chơi thân với nhau, rồi cậu về nhà ở chung với mình từ đó.
Hai đứa mình cùng nhau học, cùng nhau chơi. Mình làm việc, cậu ngồi trên giá sách chờ mình. Mình đi học, đi làm, cậu nằm trong ba lô đợi mình. Những lúc mình rảnh rỗi, những lúc mình không tìm được cách xoay xở trong công việc cậu luôn cho mình những gợi ý tuyệt vời.
Trước đây mình hay lờ đi những câu nói bình dị ngoài đời thực. Chỉ có những câu từ hoa mỹ trong tiểu thuyết mới là lời hay ý đẹp để mình nắn nót vào sổ tay. Nhưng từ khi chơi cùng với cậu, nói chuyện với cậu, mình dần nhận ra, lời đẹp ý hay ở ngay bên cạnh mình – trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của chú xe ôm, của cô bán xôi.
Mình cũng bắt đầu đọc sách nhiều hơn. Mình cũng dạn tay viết hơn. Tất cả là nhờ có cậu.
Cuộc đời của một đứa học văn và viết lách như mình có hai giai đoạn. Một là trước khi biết cậu, hai là từ ngày được làm bạn với cậu.
Trước khi quen cậu, mình tuỳ hứng, cảm xúc. Muốn thì viết. Thích thì đọc. Lười thì cứ nằm ườn ra đó. Sau khi biết cậu, mình nguyên tắc, nghiêm túc. Viết đều đặn. Đọc mỗi ngày. Những lúc chán chường thì đứng dậy huơ tay huơ chân rồi bắt tay làm việc tiếp. Không cho bản thân quá biếng nhác, chây lười.
Ở bên cạnh một người làm việc khoa học và chuộng lối giản dị như Mở mang cậu đây, mình cũng được ảnh hưởng thói làm việc khoa học. Gì thì gì, cũng phải lập cái bảng. Cái gì thì cái cũng phải làm cho ngay ngắn, chỉn chu. Dù là viết nháp hay bản thảo, dàn ý cũng không được qua loa, tuỳ tiện.
Thêm nữa, ngày nào cậu cũng ngồi trên giá sách đó nhìn mình làm việc, học hành, viết lách. Nên cỡ nào thì cỡ, chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, cú pháp câu, mình cũng nhắc bản thân phải làm cho đúng. Không chắc lắm thì lại lật đật giở từ điển ra mà tra, giở sách ra mà dò.
Thư đã dài, nói đông nói tây mình cũng chỉ muốn cảm ơn cậu vì đã đến và làm bạn với mình. Cảm ơn chú Sóng và cô Dung đã dẫn cậu ra nhà sách. Buổi gặp mặt định mệnh đó đã thay đổi cuộc đời mình. Cảm ơn cậu, mình nhất định hôm nay phải mở mang!
Bạn thân của cậu,
Mai Xuân
CHÚT TÂM SỰ VỀ NHỮNG NGÀY “HÔM NAY PHẢI MỞ MANG
Tác giả: Tố Duyên (Giải Ba)
Lần thứ n tôi giở sách. Lúc thì trang số 24, lúc thì trang số 80, lúc thì lật tới lật lui, cứ có trúc trắc nào trong khi viết, tôi lại lần mò cuốn sách.
Thật ra, đối tượng cuốn sách là “hướng đến những ‘cây bút trẻ’, những bạn đang đặt bước chân đầu tiên vào hành trình trở thành người viết”. Tôi thì, chẳng còn trẻ, cũng chưa dám tự nhận mình là cây bút mới. Đơn giản, tôi viết, vì phải viết, vì công việc, hay thỉnh thoảng vì thích. Nhưng, từ những giá trị mà tôi đã áp dụng được, thì dù chưa phải là người cầm bút, cuốn sách vẫn dành cho tôi, cho bạn, và cho những ai quan tâm đến chữ nghĩa.
Lại nói, tác giả khuyến khích đọc cuốn sách theo trình tự cho có hệ thống. Riêng tôi, cứ thấy trống chỗ nào, tôi tra theo mục lục rồi mở chỗ ấy ra lấp vào. Mỗi lần như vậy, tôi góp thêm chút ít vốn từ, chút ít tu từ,… qua đó, giúp câu văn trở nên suôn hơn, ít lặp từ hơn, ít bị hiểu sai ý hơn. Thêm nữa, cái nhìn ban đầu bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Một văn bản trình bày có chỉn chu hay không, có sai lỗi chính tả hay không,… đều thể hiện trách nhiệm và mức độ quan tâm của mình đặt vào công việc, khiến người đọc cảm thấy thoải mái dẫu chưa xem qua nội dung. Vì vậy, khi viết xong, tôi đều cố gắng chỉnh sửa lại theo bảy bước hướng dẫn từ cuốn sách.
Ngoài ra, nếu ngẫm đôi chút về mô hình dành cho người viết được tác giả liệt kê, tôi cũng có thể ứng dụng trong cuộc sống và công việc. Ví dụ, để tiết kiệm thời gian và năng lượng, mô hình Kim tự tháp ngược sẽ giúp sắp xếp công việc theo thứ tự quan trọng giảm dần.
Bên cạnh đó, vì hướng đến người gieo chữ, nên không chỉ dừng lại ở cách đọc, cách nghe, cách viết, cách sửa; cuốn sách còn hướng dẫn việc lập kế hoạch, vượt qua cơn đốn bút tự thân, tạo văn phong riêng ra sao,… Tôi rất thích thú về lời khuyên mỗi ngày đọc từ điển như đọc một cuốn sách thông thường, hơn nữa, “đừng sợ mình tra quá nhiều, hãy sợ mình tra không đủ nhiều”.
Quả thật, mấy dòng ngắn ngủi không thể nào diễn tả trọn vẹn ý, chi bằng, cùng tôi mở cuốn sách “Hôm nay phải mở mang”, trò chuyện với tác giả Nguyễn Thuỳ Dung, để thấy thật gần gũi, thật rộng mở. Biết đâu, tâm bạn cũng như tôi, nảy nở tình yêu với tiếng Việt và nhen nhóm một hạt giống mang tên tôi-phải-trở-thành-người-viết.
Quý bạn đọc quan tâm sách Hôm nay phải mở mang, có thể mua sách trên Tiki, Shopee, Fahasa hoặc các nhà sách trên toàn quốc. Ngày ngày viết chữ trân trọng cảm ơn. |