Chữ xưa còn một chút này – Sách mới của Ngày ngày viết chữ
| On Th323,2021(Ngày ngày viết chữ) Chữ xưa còn một chút này là tựa sách mới của Ngày ngày viết chữ, chắt lọc nhiều câu chuyện giản dị be bé về từ vựng tiếng Việt, phát hành vào cuối tháng 3/2021.
Quyển sách này, như tên của nó, tìm về những nét nghĩa xưa của một số từ ngữ trong tiếng Việt. Và, nếu như bạn thấy tên quyển sách này quen quen, thì nó quen là bởi được viết lại từ câu “Chữ trinh còn một chút này” trong “Truyện Kiều” – như một kiểu “tập Kiều”. Chọn cái tên này, ngoài việc muốn nói nội dung sách tìm về nguồn gốc của một số từ trong tiếng Việt, Ngày ngày viết chữ còn muốn nhắm tới câu thơ tiếp theo – “Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!”. Ý là, những vết tích xa xưa chỉ còn chút ít thôi, lại nhạt dần theo thời gian, ta lưu được bao nhiêu thì lưu vậy.
Sách được chia thành hai phần. Phần đầu giải nghĩa nguồn gốc một số từ Hán Việt, phần sau nói về một số từ đã bị mờ nghĩa hoặc những từ chúng ta quen dùng nhưng không biết ý nghĩa thật sự là gì. Một số từ sẽ giải thích khá dài vì có nhiều chuyện để bàn, nhưng hầu hết đều giải thích ngắn gọn. Nói chung là cũng dễ đọc, bạn cứ lật mục lục, hứng thú với từ nào thì đi xem từ đó.
Với cả, trong sách này có một số từ dạng láy nhưng khi phân tích thì chúng là từ ghép (cả hai thành tố đều có nghĩa chứ không có thành tố nào là thành tố láy cả). Điều này đã gây ra không ít bối rối cho bạn đọc trên trang Ngày ngày viết chữ, rằng không biết từ nay về sau, chúng ta nên hiểu đó là từ láy hay từ ghép. Về vấn đề này, xin được phép lưu ý rằng việc “xem xét từ láy ở trạng thái hiện nay là xem xét láy trên quan điểm đồng đại; mọi cách lý giải về láy cần phải xuất phát trên quan điểm này”(1). Cho nên, những lý giải trong sách này (theo chiều lịch đại) chỉ nhằm để chúng ta biết về những câu chuyện xa xưa của chữ nghĩa mà thôi. Còn trong thực tế sử dụng, bạn đọc có thể xem chúng là những từ láy, bởi thành tố được cho là thành tố láy hiện nay đã mờ nghĩa hoặc mất nghĩa rồi.
Thông tin sách
Tên sách: Chữ xưa còn một chút này
Tác giả: Nguyễn Thùy Dung, người sáng lập Ngày ngày viết chữ
Công ty phát hành: Wavebooks (thuộc thương hiệu AZBooks)
Quy cách: 264 trang, khổ vuông 15 x 15cm, in màu, giá bìa 119.000 đồng
Năm xuất bản: 2021.
Bạn đọc có thể tìm mua sách trên Shopee, Tiki, Fahasa, Phương Nam Books và các nhà sách khác trên toàn quốc.
Ngoài ra, ngày 3/4/2021, Ngày ngày viết chữ và đơn vị phát hành Wavebooks sẽ tổ chức buổi Ra mắt sách và ký tặng bạn đọc tại Đường sách Tp.HCM. Trong khuôn khổ chương trình ra mắt sách còn có Talkshow Nghề viết hiện đại, trò chuyện về cơ hội nghề nghiệp và hành trang cần chuẩn bị cho những bạn có niềm đam mê viết lách. Ngoài tác giả Nguyễn Thùy Dung, Talkshow còn có sự tham dự của anh Huỳnh Vĩnh Sơn – tức Sói Ăn Chay – tác giả của Ý tưởng này là của chúng mình và những quyển sách về nghề viết sáng tạo khác.
Thông tin buổi ra mắt sách 3/4/2021
Tên chương trình: Ra mắt sách Chữ xưa còn một chút này & Talkshow Nghề viết hiện đại
Tác giả: Nguyễn Thùy Dung
Khách mời: Anh Huỳnh Vĩnh Sơn
Thời gian: 8g30 – 11g00 ngày 3/4/2021
Địa điểm: Sân khấu A, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Tp.HCM.
VÀI LỜI TÂM SỰ CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP CHỮ XƯA CÒN MỘT CHÚT NÀY
Tối Chủ Nhật, đi cà phê sách, tôi tình cờ nghe người ta nhắc tới câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tôi gật gù đồng ý, rồi lại xấu xa cười khẩy: “Có viết đúng chánh tả không mà bày đặt bàn đến ngữ pháp?” Vì một khi đã sai chính tả thì câu văn đúng ngữ pháp của bạn cũng sẽ giảm hoặc vô giá trị.
Sáng Thứ Hai, trưởng nhóm Wavebooks háo hức thông báo: “Wave mình sắp làm một cuốn sách về từ vựng, chính tả với chị Dung bên Ngày ngày viết chữ nha!” Tôi giật thót tim: “Mới khẩu nghiệp hôm qua, không lẽ… lẹ vậy!” Và tôi được phân công biên tập cuốn sách này. Nếu không tự kìm lòng chắc tôi đã bật ra một câu: “Dám để cho đứa chưa có bằng lái xe máy đi làm cảnh sát giao thông hở?”
Thân là một biên tập viên, nhưng thú thật tôi không tự tin mình giỏi tiếng Việt. Ấy vậy mà tôi cũng không tự giác đi tìm tòi, tôi là dạng dùng từ theo bản năng, quán tính, đọc lên thuận miệng là được, đôi khi còn tự suy luận theo logic riêng. Ví dụ, từ “chín muồi”, đó giờ tôi hay viết là “chín mùi”, vì nghĩ trái cây khi chín sẽ tỏa mùi hương, vậy “mùi” là dấu hiệu nhận biết thứ gì đó đã “chín” hay chưa. Hợp lý chứ? Một ví dụ khác, từ “lũng đoạn”, tôi thường viết thành “lủng đoạn”, vì nghĩ khi muốn chiếm lợi, người ta phải cắt xén, đâm “lủng” luật pháp thành nhiều lỗ, nhiều “đoạn” để mà luồn lách. Hợp lý mà! (Hãy an tâm, cuốn Chữ xưa còn một chút này có giải thích rõ ràng hai từ trên.)
Dĩ nhiên, dù lo sợ thế nào thì tôi vẫn phải bắt tay vào biên tập bản thảo. Vì tâm lý “mình làm sách về từ vựng mà để sai chính tả thì kỳ lắm,” nên hai chị em tôi (tôi và chị Dung) “hơi” căng thẳng. Mỗi lần đọc thấy từ gì lạ hoặc không thể tự suy luận, tôi liền đi tra từ điển, rồi lại hỏi chị Dung, cho an tâm. Cứ thế, hơn một tuần, chắc chị Dung cũng đã quen, và “hơi mệt” với những tin nhắn bắt đầu bằng “Chị ơi,…” của tôi, thì cuốn sách cũng thành hình.
Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Xong khâu biên tập là đến dàn trang, chế bản, làm bìa,… Suốt quá trình, ba chị em (lúc này có thêm chú bé trưởng nhóm Wave nhảy vào nữa) luôn căng con mắt, thẳng cái lưng mà soi lỗi, lỗi đánh máy, lỗi cách dòng, lỗi font, lỗi hình ảnh… Hàng loạt tin nhắn “Chị ơi,…”, “Em ơi,…” thi nhau tung hoành trên các mặt trận Zalo, Facebook, Gmail… Đến ngày bản thảo chính thức được gửi đi in, nếu mà đang ở gần bên, dám ba chúng tôi sẽ ôm nhau khóc và chuyền tay nhau lọ V.Rohto lắm!
Tôi luôn nghĩ mỗi cuốn sách đều có thể thay đổi tương lai của một người, và điều này đúng với cuốn Chữ xưa còn một chút này. Có thể không phải thay đổi lớn lao gì đâu, nhưng chí ít bạn sẽ bớt sai chính tả, chỉn chu hơn trong cách dùng từ. Nhiêu đó thôi cũng khiến cho những người làm nên cuốn sách này tự hào rồi.
Chúc bạn đọc sách vui!
Người biên tập.
Một lần nữa, quý bạn đọc có thể đặt mua sách TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi fanpage Ngày ngày viết chữ để cập nhật thông tin về các sự kiện, chương trình khuyến mãi liên quan tới sách.
Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu và cảm ơn bạn đọc.