Động vật danh tự – Tên Hán Việt của một số loài động vật
| On Th1224,2022(Ngày ngày viết chữ) Động vật danh tự là bài viết giới thiệu tên Hán Việt của một số động vật, chủ yếu là động vật nhỏ, có tên Hán Việt tương đối xa lạ với nhiều người.
★ Đường lang ★
“Đường lang”, chữ Hán viết là 螳螂, là con bọ ngựa. Môn võ bọ ngựa gọi là “đường lang quyền”.
Lại nói về cái tên của con bọ ngựa. Trong truyện đồng thoại “Võ sĩ Bọ Ngựa” của Tô Hoài, có một đoạn viết về việc chàng Bọ Ngựa trẻ tuổi bất mãn với cái tên của mình như vầy:
“Chú Bọ Ngựa gật gù:
– Ừ được. Vậy ta báo nhà ngươi thế này (nhà ngươi ở đây là chàng Châu Chấu Ma – NNVC), hãy dỏng tai lên. Từ giờ trở đi, ta không muốn ai được gọi ta là Bọ Ngựa nữa. Bắt đầu từ nhà ngươi trước nhất.
Rồi Bọ Ngựa giảng giải:
– Ta là một anh hùng ở trên đời. Chữ Bọ là để chỉ những loài hèn kém. Chứ đối với ta không xứng. Vậy ta đổi chữ Bọ ra chữ Đại. Còn chữ Ngựa, nghe nó nôm na, không được thanh nhã mấy. Vậy ta đổi chữ Ngựa ra chữ Mã! Tên ta từ nay là Đại Mã! Ông Đại Mã! Ngươi nghe rõ chưa?”
★ Khương lang ★
Con bọ hung, tên chữ Hán là 蜣蜋, đọc là “khương lang”, cũng có thể chỉ dùng “khương – 蜣”. Thơ Nguyễn Khuyến có câu:
Khương cùng loạn táo y tân yển
蜣蛩亂噪依新堰
Nghĩa là bọ hung và dế làm loạn xạ, dựa vào đập mới.
(Bài Chế giang chu hành)
“Cùng – 蛩” là con dế mèn.
★ Thanh đình / Tinh đình ★
Con chuồn chuồn, tên chữ Hán là 蜻蜓, đọc là “thanh đình” hoặc “tinh đình”.
Chữ “蜻” có hai âm, “thanh” hoặc “tinh”. Một số từ điển (như Từ điển Trần Văn Chánh) thì ghi là “tinh đình”, số khác (như Từ điển Đào Duy Anh) thì ghi là “thanh đình”.
Bài thơ Lâm Bình đạo trung của Đạo Tiềm thiền sư có câu:
“Phong bồ liệp liệp lộng khinh nhu,
Dục lập tinh đình bất tự do.”
Nghĩa là:
Ngọn cỏ Bồ đung đưa trước làn gió nhẹ,
Chuồn chuồn không thể đậu tự do.
★ Thuỷ điệt ★
“Thuỷ điệt” là tên chữ Hán của con đỉa, chữ Hán viết là 水蛭.
“Đỉa” là một loài giun đốt sống dưới nước, hút máu người và động vật. Con đỉa lớn gọi là “mã điệt”, dân mình thường gọi là đỉa trâu. Con này nhà bạn nào có làm ruộng chắc biết.
Thành ngữ, cao dao Việt Nam nói về con đỉa như sau:
– Dai như đỉa đói.
– Giãy như đỉa phải vôi.
– Còn duyên con đỉa còn đeo,
Hết duyên con đỉa nằm queo bờ vùng.
– Rừng thiêng nước độc thú bầy,
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh.
– Đỉa đâu đỉa đeo chưn hạc,
Ác đâu ác đậu nhành mai.
(Ác là con quạ, dân gian cho là điềm xui.)
Riêng thành ngữ “rách như tổ đỉa” thì tổ đỉa được cho là một loài cây có lá rất xơ xác, lộn xộn, chứ không phải là tổ con đỉa.
★ Tích linh ★
Từ điển Đào Duy Anh giảng: “Tích linh, 鶺鴒, chim chìa vôi, mình bằng chim én, mà đi thì đuôi lắc bên này bên kia”.
“Tích linh” là tên chữ Hán của chim chìa vôi. Đỗ Phủ có khá nhiều thơ nhắc đến cái tên “tích linh” này. Trong văn chương cổ, hình ảnh tích linh thường được dùng để ví tình anh em, tình bạn bè, những lúc nguy cấp phải tương trợ nhau.
★ Tiêu liêu ★
“Tiêu liêu”, chữ Hán viết là 鷦鷯, Từ điển Đào Duy Anh giảng “tiêu liêu” là chim chiền chiện, loài chim làm tổ rất khéo, cũng gọi là chim “xảo phụ” (巧婦 – nghĩa đen là người đàn bà khéo léo trong công việc) hoặc “hồng tước”. (Về tên gọi thì mỗi vùng có cách gọi khác nhau, với cả chiền chiện là một họ, bên trong gồm nhiều loài).
Có câu “Tiêu liêu sào lâm bất quá nhất chi”, 鷦鷯巢林不過一枝, nghĩa là chim chiền chiện làm tổ ở trong rừng xanh, chỉ một nhánh cây là đủ. Nghĩa bóng là người ở giữa trời đất rất nhỏ bé, sở cầu không bao nhiêu, dùng để khuyến khích người ta nên biết tự hài lòng.
★ Tri chu ★
“Tri chu”, cũng gọi là “tri thù”, tức là con nhền nhện.
Chữ Hán của “tri chu/tri thù” có thể viết là 蜘蛛 hoặc 鼅鼄. Tức là 蜘蛛 có thể đọc là “tri chu” cũng có thể đọc là “tri thù”, và 鼅鼄 cũng vậy. Nhân tiện, mạng nhện thì gọi là “thù ti”.
(*Sẽ còn cập nhật.)