Đôi điều về việc phân biệt văn nói và văn viết
| On Th614,2023(Ngày ngày viết chữ) Có một số bạn học viết bị bối rối khi phân biệt văn nói và văn viết nên đã hỏi Ngày ngày viết chữ. Nhận thấy chuyện phân biệt hai loại phong cách này cũng rất quan trọng đối với người học viết nên Ngày ngày viết chữ biên bài này.
Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, nói và viết là hai dạng tồn tại của ngôn ngữ, trong đó dạng nói là dạng nguyên cấp, dạng viết là dạng thứ cấp. Trong sách Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Diệp Quang Ban có phân biệt văn nói (ngôn ngữ nói) và văn viết (ngôn ngữ viết). Bảng dưới đây ghi lại sự phân biệt ấy, nhưng Ngày ngày viết chữ có điều chỉnh chữ nghĩa đôi chút cho bạn đọc dễ hiểu hơn.
Tiêu chí | Văn nói | Văn viết | |
Về chất liệu | Âm thanh của ngôn ngữ dùng trong hội thoại tự nhiên, sử dụng ngữ điệu, có thể dùng kèm các phương tiện phi ngôn ngữ như biểu cảm, cử chỉ,… | Chữ viết, có hệ thống dấu câu đặc thù. (Những bài viết được chuẩn bị sẵn để phát biểu mặc dù khi phát biểu là nói ra âm thanh cũng là văn viết.) | |
Về hoàn cảnh sử dụng | Có tính chất tức thời, không được chuẩn bị trước, không có cơ hội gọt giũa, kiểm tra. Thường có người nghe mặt đối mặt. | Có điều kiện dàn dựng, có cơ hội gọt giũa, kiểm tra. Thường không có người nghe mặt đối mặt. | |
Về các bình diện thuộc ngôn ngữ | Ngữ âm / chữ viết | Sử dụng đúng và tốt hệ thống ngữ âm cụ thể. Dùng tốt ngữ điệu. | Viết đúng chính tả, viết đúng quy cách con chữ, dùng tốt dấu câu. Tuân thủ quy tắc trình bày văn bản. |
Từ ngữ | Cho phép sử dụng từ ngữ của phong cách hội thoại: (tắm) một cái đã, (hay) phải biết, (đẹp) hết sẩy,… | Tránh dùng từ ngữ của phong cách hội thoại. Dùng từ ngữ phù hợp với phong cách chức năng (nghệ thuật, khoa học, chính luận, báo chí, hành chính-công vụ). | |
Câu | Thường dùng câu ngắn gọn, tỉnh lược nhiều bộ phận, có khi câu chỉ gồm một từ. Nhiều khi cũng dùng lặp từ, thừa từ mà không vì mục đích tu từ. | Có thể dùng câu ghép, câu phức, cũng có thể dùng câu tỉnh lược nhưng thường vì mục đích tu từ. |
Theo Halliday (1985 – dẫn theo Diệp Quang Ban), giai đoạn đầu chữ viết xuất hiện khi con người có nhu cầu lưu trữ kiến thức và nhu cầu thông báo trong khoảng cách không gian và thời gian. Giai đoạn này văn bản viết chủ yếu là ghi lại lời nói.
Ở giai đoạn hai, cùng với sự xuất hiện của nghề in (nhà Đường ở Trung Quốc và thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu), văn viết ngày càng tách biệt với văn nói hơn. Giai đoạn này văn viết tương đối hoa mỹ, “bác học” hơn văn nói nhiều.
Tuy vậy, tiến sang giai đoạn ba, gần đến thời hiện đại, sự phân biệt giữa văn nói và văn viết càng trở nên mờ nhạt hơn do “hệ quả của công nghệ hiện đại”.
Nhìn lại bảng trên, chúng ta hiểu rằng đấy cũng chỉ là cách phân biệt cơ bản, bởi vì dễ thấy rằng có những trường hợp thật khó nói nó là văn nói hay văn viết. Chẳng hạn với lời thoại của nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết, mặc dù được viết ra bằng chữ, không nói thành tiếng, nhưng rõ ràng lời thoại là lời nói của nhân vật, nên vẫn cần phải xem thoại của nhân vật là văn nói và sử dụng các đặc điểm của văn nói để viết ra.
Tương tự, những nội dung chia sẻ mang tính tương tác trên mạng xã hội, tuy được thể hiện dưới hình thức viết, nhưng lời lẽ gần với văn nói hơn, đậm phong cách hội thoại hơn. Hoặc các đoạn tin nhắn, các e-mail trao đổi ngắn/nhanh cũng có thể xem là văn nói tuy được thể hiện bằng chữ viết.
Trở lại với câu hỏi làm sao để phân biệt văn nói và văn viết, có lẽ không ít trường hợp khi đặt câu hỏi này, người hỏi đã nhận được nhận xét kiểu: “Chỗ này em viết cứ như là văn nói ấy, không phù hợp”. Vì nhận được nhận xét như thế, nên các bạn mới thắc mắc đâu là ranh giới của hai hình thức này.
Thế nhưng, đây là chuyện không dễ phân biệt rạch ròi. Quan trọng là, khi phân biệt văn nói và văn viết, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào hình thức thể hiện – cứ viết bằng chữ là văn viết còn nói bằng miệng thì là văn nói. Chẳng hạn, cùng trường hợp phát biểu trước đám đông, nhưng nếu ông A đọc lại bài đã chuẩn bị trước, thì đó là văn viết, còn ông B chỉ bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình một cách tự nhiên nhất, thì đó là văn nói.
Nhìn chung, không khó để chúng ta gặp những trường hợp người nói thì nói hoa mỹ màu mè, người viết thì viết bình dân chân chất. Ví như phát biểu trước đám đông (như khi đại diện nhà trai phát biểu trước hai họ), chúng ta tự nhiên sẽ có xu hướng chọn lọc câu chữ sao cho lời lẽ của mình hoa mỹ hơn, còn khi viết cho đối tượng người bình dân, người trẻ, viết cho đứa bạn thân, chúng ta có xu hướng viết giản dị, bông đùa, thoải mái,…
Trong bối cảnh thường xuyên giao tiếp gián tiếp (không mặt đối mặt) như hiện nay, chuyện “dùng văn nói để viết” lại càng phổ biến hơn nữa. Vì thế, để phân biệt văn nói và văn viết, có lẽ chúng ta cần nhìn sâu vào bản chất hơn, không thể phân biệt máy móc rằng nói ra bằng miệng là văn nói và viết ra bằng chữ là văn viết được.
Và do đó, khi muốn nhận xét ai đó “Chỗ này em viết cứ như là văn nói ấy, không phù hợp”, chúng ta cũng cần xem xét lại bản chất của văn bản mà người ta đang viết là gì, bởi vì hiện nay, ngoài văn viết, chúng ta còn dùng văn nói để viết nữa.
Để đọc thêm nhiều bài viết, nắm bắt thông tin workshop và khoá học, quý bạn đọc có thể theo dõi Instagram của Ngày ngày viết chữ (@ngayngayvietchu) hoặc đăng ký bản tin bằng cách kéo xuống cuối web này và điền e-mail của bạn. |