Đại Nam Quốc sử Diễn ca – Đọc lịch sử bằng thơ lục bát và xem các vết tích chữ xưa
| On Th218,2021(Ngày ngày viết chữ) Đại Nam Quốc sử Diễn ca là cuốn sách dành cho những bạn muốn đọc lịch sử nhưng ngại lối văn xuôi dễ nhàm. Quyển sách này kể chuyện lịch sử bằng thể thơ lục bát nhuần nhị của dân tộc và lối dùng từ mộc mạc của Lê Ngô Cát.
Từng chương trong lịch sử dân tộc
Đại Nam Quốc sử Diễn ca mở đầu với họ Hồng Bàng, thủy tổ của nước ta:
“Kể từ trời mở viêm bang,
Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra,
Cháu đời Viêm Đế thứ ba,
Nối dòng Hòa Đức, gọi là Đế Minh,
Quan phong khi giá nam hành,
Hay đâu Mai Lãnh duyên sanh Lam Kiều.
Vụ tiên vừa thuở đào yêu,
Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.”
Tiếp theo là nói về Kinh Dương Vương:
“Giống thần sánh với người tiên,
Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nối ra.
Phong làm quân trưởng nước ta,
Tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương.
Hóa cơ dựng mối luân thường,
Động Đình sớm kết với nàng Thần Long.”
Kế đến là nói về Lạc Long Quân và cứ thế cứ thế, kéo dài qua từng thời từng thời rồi kết thúc ở phần nói về “Cuộc lưu vong của Lê Chiêu Thống”. Cuối cùng là những dòng đúc rút của tác giả về thạnh suy ở đời:
“Mới hay có thạnh có suy,
Hang sâu núi cả có khi đổi dời.
Trước sau tính lại trăm đời,
Có trời có đất có người chủ trương…
Bút son vâng mạng đơn đình,
Các lê lần giở sử xanh muôn đời.
Truyện xưa theo sách diễn lời,
Phải chăng xin đã gương trời rạng soi.”
Qua ngôn từ mộc mạc của Lê Ngô Cát
Tác giả của Đại Nam Quốc sử Diễn ca là Lê Ngô Cát (1827 – 1875), một người rất thích thơ lục bát và viết bản quốc sử diễn ca này bằng văn Nôm, ngụ ý là làm một “bài vè về quốc sử để cho mọi người, mọi giới đọc được và thích ý dễ nhớ”. Nghĩa là đây là bản sử dành cho người bình dân chứ không phải cho giới khảo cứu.
Thơ lục bát là kiểu thơ đọc “bắt ghiền”, hết câu này đến câu khác không dứt ra được. Lê Ngô Cát, như đã nói là người thích lục bát, có một giai thoại là khi ông dâng bản sử ca này cho Tự Đức, Tự Đức đọc đến đoạn “Triệu thị” cỡi voi đánh quân Ngô, bèn phê “Như thế hèn cho đàn ông nước Nam lắm”, sau đó thưởng cho ông tấm lụa và hai đồng tiền (nhuận bút bèo ghê). Lê Ngô Cát bèn viết luôn một câu lục bát tự biếm:
“Vua khen thằng Cát có tài,
Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền.”
Và một dịp để nhìn ngắm tiếng Việt thuở xưa
Vì Đại Nam Quốc sử Diễn ca viết đã lâu (bản đầu tiên được khắc in là năm 1870) nên sách có nhiều từ xưa cũ, rất may là sách được chú thích vô cùng kỹ càng. Phần chú thích thậm chí còn dài hơn phần lục bát và được trình bày song song nên khá dễ xem. Và vì được hiệu chính, chú thích kỹ càng, nên phần thông tin đội ngũ làm ra bản sách này hơi “cồng kềnh”:
Đại Nam quốc sử diễn ca
▪️ Lê Ngô Cát (tác giả) – Đặng Huy Trứ (hiệu chính)
▪️ Duy Minh Thị chú thích, khắc in
▪️ Phan Văn Hùm – Nguyễn Q. Thắng phiên âm, chú giải.
Lần giở từng trang sách, ta dễ dàng bắt gặp những từ mà giờ gần như đã tuyệt tích. Chẳng hạn “nhân tuần” nghĩa là lề thói cũ, nề nếp cũ; “cơ mi” là ràng buộc; “trường khu” là đuổi đánh theo;… Sách còn có cả những thành ngữ mà bây giờ ta ít gặp, ví dụ “chánh hình lỗi tiết” nghĩa là luật pháp và việc trị nước đều sai cả; “đầm khô núi lở” nghĩa là thay đổi lớn lao; “mống tình đãi hoang” là để lòng trễ nải, lơ là;…
Nhìn chung, đây là một quyển sách đáng đọc, cho những người yêu sử lẫn yêu tiếng Việt và nhất là tiếng Việt lịch sử. Không thể đọc vội vàng, tốt nhất là mỗi sáng thức dậy, đọc vài câu, xem vài chữ và ngẫm nghĩ cả ngày…