Content marketing – Những gì bạn viết đã “đi vào lòng người” chưa?
| On Th1015,2020(Ngày ngày viết chữ) Đối với những bạn mới bắt tay vào viết content marketing thì câu hỏi “phải viết như thế nào để đi vào lòng người hơn” có lẽ là một câu hỏi gây đau đầu. Vậy, có cách nào để “giảm đau” không?
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Một “phép thuật” hiệu quả để né câu “sao em viết rời rạc quá vậy?”
Câu trả lời đương nhiên là có. Dưới đây là một số kinh nghiệm của Ngày ngày viết chữ, mong là sẽ có tác dụng xoa dịu cơn đau đầu cho bạn mỗi khi bị câu hỏi trên “hành”.
1. Viết như kể một câu chuyện
Viết kể chuyện là một trong những kỹ thuật viết quan trọng nhất mà một người cầm bút nên biết. Bởi lẽ, cuộc sống của chúng ta được dệt bằng những câu chuyện. Chính vì chúng ta luôn nói với nhau bằng những câu chuyện, cho nên chúng ta mới có những từ như “nói chuyện”, “trò chuyện”.
Chuyện thì luôn cần cốt chuyện (cốt truyện), nhân vật, tình tiết,… tùy theo độ dài được phép mà chúng ta viết câu chuyện phức tạp hay đơn giản. Tất nhiên, những “mẩu chuyện” thì dễ đi vào lòng người hơn nhờ tính chất “gọn nhẹ” của chúng.
2. Lời lẽ giản dị như mình thường nói
Khi viết content marketing, nhiều bạn bị, hoặc tự quàng lên mình một bộ áo giáp gọi là “phong cách doanh nghiệp”. Bộ áo giáp này khiến cho bài viết của chúng ta trở nên cứng nhắc và thiếu cảm xúc.
Thật ra, content cho doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể viết một cách thoải mái và biểu cảm hơn, nhất là content fanpage. Hãy thử dùng lời lẽ như cách mình vẫn nói chuyện, để lời văn của mình mang tính đời thường hơn. Chỉ cần bạn diễn đạt như lối nói chuyện thông thường, không màu mè hoa mỹ mà bình dân như lời ăn tiếng nói hằng ngày, người đọc tự nhiên sẽ dễ cảm thụ hơn nhiều. Rõ ràng, bài viết của chúng ta là công cụ truyền đạt thông tin cho mọi người chứ không phải một bộ sưu tập từ ngữ, không cần phô trương câu chữ quá nhiều.
3. Đơn giản hóa những từ ngữ phức tạp
Một số ngành như dược phẩm, hóa chất, khoa học công nghệ,… có những từ ngữ khá phức tạp. Chúng ta thường gọi chúng là “thuật ngữ chuyên ngành”. Và những từ này thường gây mệt mỏi cho người đọc. Cho nên, nếu không thật cần thiết, chúng ta nên tránh dùng những từ này càng xa càng tốt.
Trong trường hợp phải dùng đến chúng, hãy mạnh dạn so sánh chúng bằng một cái gì đó dễ hiểu hơn, cho người đọc liên tưởng. Ví dụ, chúng ta thường nghe nói “Đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi chằng chịt”, nhưng chằng chịt đến mức nào thì ít ai nói. Tác giả Trần Minh Thương (Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ, NXB Mỹ Thuật, 2017, tr.11) đã so sánh sự chằng chịt đó giống như “cái mạng nhện chồng lên một bàn cờ”. Vậy là độc giả ai cũng rõ.
Còn nếu không thể dùng phép so sánh, hãy mở ngoặc giải thích từ ấy. Nếu câu đã quá dài, không tiện mở ngoặc, thì ta đánh dấu sao hoặc đánh số 1, 2, 3,… bên cạnh và giải thích ở cuối bài. Nói chung, chúng ta phải đảm bảo người đọc hiểu hết mọi từ ngữ khó hiểu. Kể cả với những từ quá quen thuộc với chúng ta nhưng nếu chúng không phải từ phổ thông, thì cũng nên giải thích. Dù sao, chúng ta đang viết cho những người xa lạ đọc chứ không phải viết cho chính mình. Tất nhiên, nếu bạn đang viết bài cho tạp chí chuyên ngành thì điều này có thể không cần thiết lắm.
4. Suy nghĩ về tiêu đề nhiều hơn
Người ta thường bảo 80% người đọc chỉ đọc mỗi tiêu đề và bỏ qua nội dung bài viết. Con số 80% này nếu không chính xác tuyệt đối thì cũng chính xác tương đối. Nhìn chung, đa số người đọc chỉ đọc tiêu đề rồi “lướt lướt” bài viết. Dọc đường “lướt lướt” đó, người đọc “bắt” ra được ý nào thu hút thì mới tập trung vào ý đó hơn.
Với thói quen này của người đọc, người viết nên đưa những nội dung quan trọng nhất lên đầu bài. Giả sử người đọc dừng lại ở đó, họ vẫn có thể hiểu được ý chính của bài. Độ quan trọng của thông tin giảm dần theo chiều dọc bài viết. Đây là cách viết theo công thức kim tự tháp ngược rất quen thuộc đối với các nhà báo. Và chúng luôn hiệu quả trong việc “ghim” vào lòng người đọc một thông điệp nào đó.
Và, đối với những bài dài, việc đặt các tiêu đề con (hay còn gọi là trung đề) cho bài viết luôn là điều cần thiết. Như bài viết này, thì các mục 1, 2, 3, 4,… được in đậm chính là tiêu đề con. Chúng có tác dụng “móc” ra cho người đọc những nội dung cốt lõi nhất.
5. Nên có dẫn chứng cụ thể
Thường thì viết gì cũng nên có dẫn chứng. Cũng giống như ông bà xưa dạy “nói có sách, mách có chứng”, việc gì cũng vậy, có dẫn chứng cụ thể thì dễ thuyết phục hơn.
Ví dụ, nếu bạn muốn viết “vườn hoa trước nhà hàng thật rực rỡ”, vậy hãy viết thêm một hai câu cho độc giả biết chúng gồm những bông hoa gì và chúng có màu gì. Như thế, độc giả dễ “vẽ” ra trong đầu bức tranh về cái vườn hoa rực rỡ đó hơn. Đừng “bỏ rơi” độc giả của bạn trong những câu từ chung chung, không có tác dụng giúp họ hình dung cụ thể về điều mà bạn đang nói. Càng có dẫn chứng cụ thể, nội dung của bạn càng dễ đi vào lòng người hơn.
6. Đừng bỏ qua những biện pháp tu từ
Ở trên chúng ta đã nói về so sánh, đó có lẽ là phép tu từ dễ thực hiện nhất. Ngoài so sánh, bạn cũng có thể cân nhắc thêm vài biện pháp khác. Một số biện pháp dễ đưa vào bài viết là chơi chữ, nhân hóa, liệt kê, đối,…
Không cần quá cầu kỳ, dù sao content marketing cũng không phải là tác phẩm văn chương. Biện pháp chơi chữ có thể đơn giản là chơi chữ đồng âm. Còn biện pháp đối có thể chỉ cần những câu cân xứng với nhau là được. Các bạn có thể tham khảo cách viết những câu cân xứng, nhịp nhàng của Nguyễn Du qua bài viết này trên fanpage Ngày ngày viết chữ.
7. Tận dụng sức mạnh ngôn ngữ dân gian
Một lối viết đi vào lòng người nữa là vận dụng hoặc cải biên lại các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè,… Từng có một quán cơm viết lời rao thế này:
“Chiềng làng chiềng chạ,
Thượng hạ tây đông,
Hỏi xem phú ông,
Ăn gì ngon thế?
Phú ông ăn tại [tên thương hiệu]…”
Đây là một đoạn cải biên lời rao của mẹ Đốp trong vở chèo Quan âm Thị Kính mà chúng ta đều rất quen thuộc. Thật ra, hầu hết những gì thuộc về văn học dân gian đều rất quen thuộc. Bởi chúng ta lớn lên cùng với những câu ca dao, những bài vè ấy. Và bởi vì quen thuộc nên chúng lại càng dễ đi vào lòng người. Bạn có thể giữ nguyên lời dân gian, hoặc cải biên đôi chút, miễn sao hợp lý là được.
Cũng theo nguyên tắc những gì càng quen thuộc càng dễ đi vào lòng người ấy, thì những câu hát, những vần thơ hay câu văn quen thuộc cũng có tác dụng tương tự. Và, theo đó, thì những câu nói theo “trend” cũng hữu ích không kém. Chỉ cần vận dụng phù hợp, duyên dáng, thì chúng sẽ đưa nội dung của bạn đến gần độc giả hơn.
8. Chính tả, từ vựng và ngữ pháp – ba kẻ không thể khinh nhờn
Cuối cùng, điều căn cơ nhất là chúng ta phải giữ cho ngòi bút của mình chuẩn mực nhất có thể. Chúng ta đều hiểu rằng, sai chính tả là đại kỵ của người cầm bút. Nhưng mà lỗi từ vựng và lỗi ngữ pháp cũng khó tha thứ không kém.
Hãy nhớ rằng, chúng ta có nhiệm vụ viết chữ cho đúng chính tả, dùng từ cho đúng ý nghĩa, đặt câu cho đúng ngữ pháp. Có như vậy, độc giả mới có thiện cảm với chữ nghĩa câu từ của chúng ta. Dẫu câu chuyện của chúng ta có cuốn hút đến đâu, diễn đạt dễ hiểu đến mấy, mà mắc vào ba lỗi trên – đặc biệt là lỗi chính tả – thì cũng sẽ khiến người đọc khó chịu. Đến lúc đó thì đừng mong có nội dung gì đi vào lòng họ nữa.
Chúng ta cũng thường được khuyên rằng, viết câu ngắn thôi, cho người ta dễ đọc. Điều này đúng. Nhưng sâu hơn một chút, Ngày ngày viết chữ thấy rằng, câu càng dài càng dễ sai ngữ pháp. Tất nhiên, có những người rất giỏi ngữ pháp, họ có thể viết một câu dài cả nửa trang giấy vẫn đúng ngữ pháp. Nhưng trước khi đạt đến trình độ đó, tốt nhất là chúng ta cứ viết câu ngắn gọn thôi. Người khác đọc không sợ mệt mà mình viết cũng không sợ sai.
Bài viết “đi vào lòng người hơn” nói cách khác chính là bài viết truyền tải thông điệp tốt hơn. Và việc làm thế nào để truyền tải thông điệp tốt hơn luôn là một việc làm khó. Hy vọng những kinh nghiệm trên đây của Ngày ngày viết chữ sẽ ít nhiều hữu ích cho nghề viết của bạn.