Cơ trưởng từ buồng lái – Một món ăn đã được nêm nếm chuẩn xác và bày biện công phu
| On Th220,2023(Ngày ngày viết chữ) Trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc một bài viết của bạn đọc Minh Hiếu viết về cuốn sách Cơ trưởng từ buồng lái (tác giả Thư Uyển). Đây là một tác phẩm do Ngày ngày viết chữ hỗ trợ tổ chức bản thảo và trau chuốt câu chữ.
Dưới đây là nguyên văn bài viết (tiêu đề do Ngày ngày viết chữ đặt).
Tôi có dịp gặp gỡ anh Thư Uyển, tác giả cuốn sách Cơ trưởng từ buồng lái, ngay trước một chuyến bay về Hà Nội. Tôi đọc cuốn sách của anh lần đầu cũng trên một chuyến bay về Hà Nội. Mở ra những trang sách đầu tiên, đọc những dòng chữ in nghiêng “Xin kính chào quý khách, cơ trưởng từ buồng lái…”, tôi đã bất giác mỉm cười và nghĩ rằng cuốn sách này thật phù hợp cho những hành khách thích đọc sách khi chờ đợi nơi phi trường hay trên máy bay, như tôi lúc này. Chuyến bay của tôi có đôi chút chậm trễ, nhưng giờ tôi chẳng còn nhớ lý do vì sao hay mình sốt ruột thế nào, chỉ nhớ tôi đã đọc hết phần một của cuốn sách trước khi về đến nhà.
Phần một nói về hành trình của người cơ trưởng khi còn là học viên tập lái máy bay, đầy trắc trở và nhiều phen hồi hộp, nhưng đồng thời trong đó tôi luôn thấy một thái độ bình tĩnh suy xét, cân nhắc mọi tình huống, để có thể vượt qua mọi chuyện. Đó là phẩm chất của một người từng trải, đã gặp nhiều thay đổi trong cuộc sống, cũng là tính cách rất cần thiết cho nghề phi công, phải giữ cái đầu lạnh để xử lý tình huống khi bay trên trời. Tôi đặc biệt thích những đoạn hài hước. Tôi hiểu rằng tính hài hước không chỉ là gia vị cho “món sách” thêm phần ngon miệng, mà còn là phương thuốc hữu hiệu để chính người trong cuộc giảm căng thẳng và đối mặt với thách thức bằng một trái tim nhẹ nhàng hơn. Từng câu chuyện mở ra và khép lại theo dòng suy nghĩ, theo mạch cảm xúc của người viết, và được đẩy lên cao trào ở đoạn cuối, khiến người đọc cũng có chung một cảm xúc, khi thì bật cười, khi lại thấm thía sâu sắc.
Giữa những câu chuyện sẽ có những đoạn gọi là “transit”. Cũng như “transit” trong ngành hàng không là nơi hành khách xuống máy bay, nghỉ ngơi một chút trước khi bay tiếp đến thành phố khác, “transit” trong sách là nơi độc giả nghỉ giải lao và nạp thêm thông tin, kiến thức ngoài lề, giúp cho thế giới vừa quen vừa lạ của những phi cơ, phi trường, phi hành đoàn phần nào bớt bí hiểm. Nhiều người trong chúng ta đã lên máy bay không biết bao nhiêu lần, nhưng có mấy lần chúng ta tự hỏi, điều gì diễn ra sau cánh cửa buồng lái? Phần lớn hành khách không có thời gian quan tâm hay tìm hiểu xem cỗ máy đang chở mình lao vun vút trên trời này được vận hành ra sao. Thì đây, nay đã có người tận tâm giải thích cặn kẽ những chuyện chúng ta chưa biết, những thuật ngữ có khi chúng ta đã nghe nhưng còn mơ hồ. Những câu chuyện hấp dẫn như những sợi phở đan xen nối tiếp nhau, điểm thêm những miếng thịt bò kiến thức, khiến tôi thích thú “húp” hết cuốn sách lúc nào không hay.
Một điều nữa khiến tôi thấy vui khi đọc, đó là tôi nhận ra trong từng câu chữ có bàn tay gọt giũa của Ngày ngày viết chữ, “người dạy tiếng Việt” mà tôi vẫn luôn theo dõi và yêu quý, cùng đội ngũ biên tập của Nhã Nam. Anh Thư Uyển so sánh rằng sau khi được biên tập, bản thảo cuốn sách như cậu thư sinh trở thành anh lực điền, còn khi sách đến tay người đọc là tôi, tôi có cảm giác như đây là một món ăn đã được nêm nếm chuẩn xác và bày biện công phu. Vẫn là tô phở đó, nhưng người ta nhìn vào muốn ăn, ăn vào thấy chẳng khác nào cao lương mỹ vị. Vẫn là câu chuyện đó, cảm xúc đó, những lời kể chân thật của anh phi công thế kỷ 21, nhưng được điểm trang bằng những câu ca dao, tục ngữ từ ngàn xưa, những từ ngữ đắt giá và sang trọng, lấp lánh như những viên ngọc trên trang giấy. Đọc lời văn của người có hiểu biết, tôi thấy mình học được nhiều điều, không chỉ về nghề bay, mà cả về nghề viết. Anh phi công khi đặt bút viết ra câu chuyện của mình đã trở thành một nhà văn, và cả hai nghề đều phải qua nhiều năm khổ luyện, đều đáng quý trọng như nhau.
Tác giả Thư Uyển trong một lần ký tặng sách.
Phần hai và phần ba, hành trình từ cơ phó lên cơ trưởng, có rất nhiều trải nghiệm và suy ngẫm thú vị, nhưng tôi muốn để bạn đọc tự khám phá. Tôi chỉ muốn nói đôi điều về phần cuối, mang tên Corona. Tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta, ở Việt Nam và đặc biệt là ở Sài Gòn vào những ngày tháng đó, đều sẽ có nhiều cảm xúc khi đọc phần này và có thể liên hệ những chuyện xảy ra trong sách với cuộc sống của chính mình. Nhìn lại những tháng ngày khó khăn qua lời kể của người phi công, một trong những nghề nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp của dịch bệnh, tôi nhận ra khi đó, chúng ta lo cho cuộc sống và sức khoẻ của bản thân còn chẳng kịp, chứ nào biết người khác sống ra sao. Còn biết bao nhiêu câu chuyện chưa được kể ra và cần được kể ra, để chúng ta có thể đồng cảm với nhau? Như tác giả nói, Corona chính là một “cú hích” giúp cuốn sách này ra đời. Còn tôi cho rằng, Corona là một trong những lý do khiến cuốn sách này quan trọng. Bạn cần đọc nó. Và nếu có thể, hãy đọc trên một chuyến bay.
Mỗi lần đi máy bay, tôi thường hay lắng nghe những tiếng động: tiếng đèn hiệu cài dây an toàn bật tắt, tiếng cơ trưởng gọi “Cabin crew…”, tiếng bánh xe mở ra trước khi hạ cánh rồi chạm xuống đường băng. Không biết tôi có từng nghe tiếng cơ trưởng Thư Uyển trên một chuyến bay nào chưa. Nhưng lắng nghe những tâm sự của anh về nghề, tôi càng thêm hiểu, thêm trân trọng nghề bay, và thấy biết ơn tất cả những phi hành đoàn đã từng đưa tôi bay đến nơi, về đến chốn an toàn.
Minh Hiếu