“Cơ trưởng từ buồng lái” – Một tác phẩm của anh phi công bay Airbus và đi xe bus
| On Th1020,2022(Ngày ngày viết chữ) Cuốn sách này là chặng đường hơn mười năm học bay và làm nghề bay của anh Thư Uyển, một phi công và là một trong những học viên cần cù nhất của Ngày ngày viết chữ.
Đôi lời giới thiệu của Ngày ngày viết chữ
“Cơ trưởng từ buồng lái” là câu chuyện của một phi công – từ lúc anh ấy còn là một học viên lạ lẫm với đường bay đến khi trở thành một cơ trưởng ngày ngày mang khối động cơ gần trăm tấn lướt qua bầu trời.
Ở góc độ người đọc thông thường, tôi không khỏi choáng ngợp vì những câu chuyện đa sắc đa diện trong sách. Qua đôi mắt của một phi công, cuốn sách tái hiện những khung trời, những vùng đất, những tập thể, những cá nhân, những nỗi âu lo, những niềm phấn khích, những phút thăng hoa, những giây chùng lòng,… Từng chuyện từng chuyện trải ra như một chuyến bay đường dài. Chuyến bay ấy có lúc êm ái như đang xuyên qua vùng trời trong, cũng có lúc tròng trành như đang lao vào vùng mây mù.
Ở góc độ người làm nghề viết, tôi không khỏi ngưỡng mộ bút lực của tác giả – một phi công vốn quen số liệu và tính toán. Dưới ngòi bút của tác giả, cuốn sách không chỉ là những trang giấy giàu sức sống về nghề bay và người bay mà còn là một “tài liệu tham khảo” chân thực dành cho những ai muốn viết về ngành nghề của mình, về câu chuyện của mình. Hãy xem cách mà một phi công lựa chọn từ ngữ, sắp đặt câu cú và dùng phép tu từ. Tin rằng, những điều này sẽ là một nguồn cảm hứng dồi dào để bạn đặt bút viết một tác phẩm cho riêng mình, bắt đầu từ nghề nghiệp của chính mình.
Mở sách ra và chào mừng bạn đến với những chuyến bay nhiều cảm xúc của “Cơ trưởng từ buồng lái”.
Nguyễn Thuỳ Dung
Ngày ngày viết chữ
Thông tin sách:
Tên sách: CƠ TRƯỞNG TỪ BUỒNG LÁI
(Tên sách được rút từ lời chào của cơ trưởng mỗi khi bắt đầu một chuyến bay.)
Tác giả: Thư Uyển
Nhà xuất bản Phụ Nữ
Đơn vị phát hành: Nhã Nam
Ngày phát hành: 20/10/2022
Khổ sách: 14,5×20,5cm
Độ dày: 374 trang
Giá bìa: 135.000 đồng
Bạn đọc có thể mua sách tại các hiệu sách Nhã Nam và các sàn thương mại điện tử:
– Shopee Hà Nội
– Shopee Tp.HCM
Điểm đặc biệt của cuốn sách, đối với tôi, nằm ở thứ tiếng Việt mà Thư Uyển dùng. Đó là một cách viết trong sáng, giản dị và khúc chiết, dẫu cuốn sách không thể tránh khỏi việc chứa rất nhiều thuật ngữ hàng không bằng tiếng Anh (song đi kèm các chú giải cẩn thận).
Anh có sự trợ giúp biên tập của cô giáo dạy viết và dạy tầm nguyên Hán tự cho anh ở trang Ngày ngày viết chữ trên Facebook, nhưng gốc rễ vẫn là cách dùng tiếng Việt của một người yêu và đọc sách cẩn thận, trong đó có Truyện Kiều, thấu hiểu đặc trưng diễn đạt nhuần nhụy của tiếng Việt.
Nhận xét của nhà báo Cầm Phan trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số tháng 1/2023.
Đọc bài nhận xét của nhà văn Hồ Anh Thái về tác phẩm Cơ trưởng từ buồng lái.
Dưới đây là đôi lời tâm sự mà tác giả Thư Uyển viết riêng cho bạn đọc của Ngày ngày viết chữ, đặc biệt là những bạn vẫn luôn ấp ủ trong mình một bản thảo nhưng còn chưa nên vóc nên hình.
“Cơ trưởng từ buồng lái”, viết cho bạn đọc của Ngày ngày viết chữ
Tác phẩm đầu tay của Murakami Haruki được viết rất tự nhiên. Nhà văn người Nhật, khi ấy là chủ một quán bar nhỏ, đến xem một trận bóng chày. Trong một khoảnh khắc nào đó của trận đấu, khi trái bóng được đánh lên trời, một ý tưởng xẹt qua đầu ông: “Mình viết được một cuốn tiểu thuyết.” Tàn trận, ông về ghé qua tiệm sách, mua một chồng giấy rồi về nhà bắt đầu viết. Sáu tháng sau, ông hoàn thành tác phẩm đầu tay.
Hẳn năng khiếu này là một (trong những) yếu tố khiến cho Murakami trở thành một nhà văn lớn. Chứ còn tôi, một độc giả của ông, một người bình thường viết về nghề của mình, thì cần đến mười năm. Và một sự giúp đỡ.
Chuyện đầu đuôi là vầy. Cuốn sách “Cơ trưởng từ buồng lái” tiền thân là một trang blog. Tôi kể chuyện đi bay của mình trên blog này từ những ngày đầu vào nghề cho đến nay, từ những giờ bay huấn luyện đầu tiên trên máy bay con cóc hai chỗ ngồi, đến khi trở thành một cơ trưởng lái phi cơ phản lực vài trăm khách.
Buổi ấy đến nay đà quá mười năm. Trong khoảng thời gian đó, nhiều lần tôi đã thử chuyển những bài viết thành một bản thảo, nhưng chưa một lần thành công. Tôi thấy mình thiếu điều gì đó và điểm thiếu khuyết ấy làm cho những câu chuyện mình viết ra đọc không được trôi chảy.
Tôi phát hiện ra thứ mình thiếu khi học Ngày ngày viết chữ. Học cô Dung, tôi nhận ra rằng mình chưa viết như một người Việt viết tiếng Việt. Cách hành văn của tôi bị ảnh hưởng của câu chữ ngoại ngữ mà tôi tiếp nhận mỗi ngày, thành ra không tự nhiên. Và vì không diễn đạt cho đúng tư duy người Việt nên mạch ý trong đầu như bị chặn lại, nghĩ nhiều nhưng viết không được bao nhiêu, mà có viết được ra thì đọc nghe cũng không xuôi tai.
Theo chỉ dẫn của cô Dung, tôi tìm đọc (lại) văn học dân gian và những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu. Rồi tôi áp dụng: tập viết mềm mỏng như ca dao và gọn ghẽ như tục ngữ, bắt chước đối xứng của Nguyễn Du và miêu tả của Nam Cao, lắng nghe người bình dân nói chuyện – họ nói thứ tiếng Việt thuần chất nhất, và dĩ nhiên, tả nhiều hơn kể, tu từ khéo léo và nhuần nhị.
Chắc còn lâu nữa tôi mới viết tiếng Việt như hành vân lưu thuỷ (và dĩ nhiên, chắc chắn không bao giờ được như Murakami tiên sinh), nhưng rõ ràng là nhờ những bài tập đó, tôi khá lên. Không bằng người cổ, nhưng cũng gần bằng người kim. Tôi viết tự nhiên hơn và đúng ý mình hơn. Ý tứ trong đầu tôi tuôn ra như dòng nước lũ phá con đê rỗng, tôi viết được nhiều và hoàn thành số lượng bài viết đủ cho một bản thảo sách.
Nhưng mà số lượng thôi vẫn chưa được. Cho ra một bản thảo từ những bài viết có sẵn không như lấy nước sẵn có ở suối đóng vào chai đem bán. Bản thảo cần được định hướng, tác giả cần được chỉ đường. Công việc nhuận sắc này do người biên tập đảm nhiệm. Biên tập viên sẽ giúp tác giả hoàn thiện bản thảo từ trong ra ngoài: từ chi tiết cho đến tổng thể, từ chữ này vụng, câu kia đắt, đoạn này cắt, chương kia duyệt, đến tư tưởng của tác phẩm là gì, thông điệp của tác giả là chi, thể hiện ra sao trong bản thảo,…
Tôi nhờ Ngày ngày viết chữ nhuận sắc và cô Dung, sau nhiều cân nhắc, đã nhận lời. Khi cô gật đầu, tôi biết mình tìm được mảnh ghép quan trọng cho dự án bản thảo này.
Sau ba tháng, bản thảo đầu tiên hoàn thiện. Tôi gửi đến Nhã Nam và được chấp thuận ngay. Hợp đồng xuất bản nhanh chóng được ký kết. Biên tập viên ở đơn vị xuất bản còn bảo với tôi rằng, ngoài việc bản thảo của tôi đạt chuẩn, bên họ cũng đang phát triển dòng sách nghề nghiệp và các bản thảo kể về nghề nghiệp được luôn được đón nhận. Thật vậy, trước tôi, đã có nhiều tự truyện của đầu bếp, bác sĩ, nhà ngoại giao, người tổ chức đám cưới, người (đã từng) trồng cần sa,… được ra mắt. Và giờ đây, có thêm một bản thảo về nghề bay.
Mười năm trước, khi bắt tay vào viết, tôi có đi tìm sách về nghề nghiệp để tham khảo, nhưng không thấy tác phẩm nào của người Việt Nam cả. Tôi đành đọc sách nước ngoài. Bây giờ, những tác phẩm như vậy đã phổ biến hơn trên kệ sách. Ngoài những cuốn kể trên, bạn còn có thể thấy nhiều ấn phẩm kể câu chuyện của tiếp viên hàng không, copywriter, chuyên viên nhân sự, phi công chiến đấu, thợ làm bánh, lập trình viên, nhà khoa học, thầy bói toán,…
Có vẻ như thị hiếu của độc giả đã thay đổi, hoặc chí ít, đã mở rộng. Hiện nay, bên cạnh những chuyện tình, án mạng, bí quyết, nghiên cứu, du khảo,… các câu chuyện nghề nghiệp đang dần có chỗ đứng. Người đọc dường như đang quan tâm hơn đến một tài xế chở những ai trong ngày, một thợ xoa bóp nghĩ gì khi chạm vào cơ thể của khách, một nhân viên vệ sinh đối mặt với hiểm nguy gì ngoài đường, một người thẩm định rủi ro bảo hiểm tính toán những gì, một phiên dịch viên chuyển ngữ một câu chuyện cười khiếm nhã ra sao,… Độc giả lúc nào cũng cần những mảnh đời khác để bồi đắp đời sống nội tâm của họ. Chẳng phải đó cũng là lý do mà tất thảy mọi người tìm đến sách hay sao?
Và nếu điều này là đúng thì quả là một tin mừng cho chúng ta – những người viết, đặc biệt là những người viết về công việc của mình. Câu chuyện tôi nghĩ gì khi tôi làm công việc của mình có lẽ cũng có nhiều người muốn đọc.
Vậy nên, nếu bạn đang ấp ủ một câu chuyện nghề, cho phép tôi – người vừa kể tạm xong câu chuyện của mình từ buồng lái – khuyên bạn đôi lời: Hãy kể ra. Hãy viết xuống.
Bạn sẽ thấy việc này chẳng hề dễ dàng. Chuyển tải chính xác suy nghĩ của mình vào con chữ đã khó, truyền đạt trọn vẹn câu chuyện của mình cho tha nhân còn khó hơn. Năng khiếu như Murakami cũng phải vô cùng kỷ luật mới làm được. Lao động chữ nghĩa cũng nhọc nhằn hệt mọi lao động khác. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra, quả của nó cho cũng rất ngọt.
Có thể bạn sẽ hoàn thành tác phẩm của mình một cách tự nhiên và trơn tru như ông chủ quán bar năm nào. (Trong trường hợp đó, bạn có thể xem xét bỏ hẳn việc để trở thành nhà văn như ông). Còn nếu như tôi, bạn loay hoay mãi mà chưa viết được, thì hẳn là bạn đang cần một sự giúp đỡ.
Mà nói đến sự giúp đỡ, bạn biết tìm ai rồi, phải không?
Thư Uyển
Cơ trưởng máy bay Airbus A321
của Vietnam Airlines
Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu “Cơ trưởng từ buồng lái” cùng bạn đọc.