Cổ mỹ từ – Những từ đẹp mà nay ít dùng [Phần 1]
| On Th220,2022(Ngày ngày viết chữ) Cổ mỹ từ là loạt bài tập hợp những từ có sắc thái cổ nom rất đẹp trong tiếng Việt. Lưu ý, “Cổ mỹ từ” chỉ là một tên gọi mà Ngày ngày viết chữ đặt cho những từ này, không phải khái niệm “từ cổ” đúng nghĩa của ngôn ngữ học.
Tất cả các cổ mỹ từ mà Ngày ngày viết chữ sưu tầm, lý giải đều được cập nhật tại chuyên mục này theo trật tự ABC. Quý bạn đọc vui lòng không sao chép, không sử dụng lại khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ngày ngày viết chữ.
Bài này tập hợp các Cổ mỹ từ theo trật tự từ A đến G. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự:
★ Bích giản ★
“Bích giản”, chữ Hán viết là 碧澗, trong đó:
– “Bích” là màu xanh biếc, như “xuân thảo bích sắc” là cỏ xuân màu xanh biếc;
– “Giản” là khe suối, khe nước trên núi, dòng nước chảy giữa hai quả núi. Bài “Tiên Du tự” của Nguyễn Trãi có câu: “Hoa lạc giản lưu hương” (花落澗流香) nghĩa là hoa rụng xuống làm cho dòng suối thơm.
“Bích giản” nghĩa là khe suối biếc, khe nước biếc. Bài “Chu trung ngẫu vịnh” của Phan Huy Chú có câu:
Thương nhai bích giản thiên trùng lộ,
Lưu thuỷ đào hoa nhị nguyệt thiên.
Hiểu nôm na là:
Ven bờ xanh khe suối biếc, đường xa nghìn trùng,
Nước chảy hoa đào trôi giữa tháng Hai.
★ Chi lan ★
“Chi lan”, chữ Hán viết là 芝蘭, nghĩa gốc vốn là cỏ chi và cỏ lan, hai loài cây cỏ có hương thơm, được xem là quý, xưa thường dùng để ví người quân tử, người thanh nhã, cao quý.
“Chi lan” cũng được dùng để chỉ bạn bè, anh em tốt, có sức ảnh hưởng tốt, mình ở gần cũng được tốt lây, như ở gần cỏ chi và cỏ lan thì được thơm lây.
“Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ có câu:
(1) “Chi lan sum hiệp một nhà,
Anh xưng Thiên Sách em là Tấn Vương.”
và (2) “Thức nồng nhuốm vẻ chi lan,
Thông minh học vấn kiêm toàn cả hai.”
Từ “chi lan” ở câu (1) để chỉ anh em tốt, “chi lan” ở câu (2) chỉ người thanh nhã.
★ Cửu như ★
Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ, đoạn “Nguyễn Huệ trả quyền cho Lê Hiển Tông”, có câu:
“Phước lành chúc chữ cửu như,
Cửa tin mấy cuốn đồ thơ dâng vào.”
Có bạn hỏi mình là “cửu như” là chín chữ “như”, vậy cụ thể thì đó là những chữ như nào. Vì thấy câu hỏi hay nên mình đăng lên đây cho mọi người cùng đọc nha.
Trong “Kinh thi”, thiên “Thiên bảo” thuộc “Tiểu Nhã”, có hai bài như sau:
(1) 天保定爾,
以莫不興。
如山如阜,
如岡如陵,
如川之方至,
以莫不增。
Thiên bảo định nhĩ,
Dĩ mạc bất hưng.
Như sơn như phụ,
Như cương như lăng.
Như xuyên chi phương chí,
Dĩ mạc bất tăng.
và (2)
如月之恒,
如日之升。
如南山之壽,
不騫不崩。
如松柏之茂,
無不爾或承。
Như nguyệt chi hằng,
Như nhật chi thăng.
Như Nam sơn chi thọ,
Bất khiên bất hăng.
Như tùng bách chi mậu,
Vô bất nhĩ hoặc thừa.
Rút từ hai bài trên, ta có chín chữ “như” là: “Như sơn, như phụ, như cương, như lăng, như xuyên chi phương chí, như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng, như Nam sơn chi thọ, như tùng bách chi mậu”.
“Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng nghĩa chín chữ “như” này là: “Như núi, như gò, như núi to, như gò lớn, như sông nước chảy, như trăng thường soi, như mặt trời lên, như Nam sơn thọ (tức là thọ bằng núi Nam – NNVC), như tùng bách xanh tươi”.
Bốn chữ “sơn”, “phụ”, “cương”, “lăng” có thể hiểu chung là núi đồi gò đống các loại. Đại ý, chín chữ “như” này, hay nói gọn là “cửu như”, là lời bề tôi chúc tụng quân vương, thường dùng để chúc thọ, mở rộng là lời chúc phúc, chúc tốt lành.
Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”, câu “Phước lành chúc chữ cửu như” ý nói Nguyễn Huệ lấy lễ bề tôi mà chúc phúc cho vua Lê Hiển Tông.
★ Dật lạc ★
“Dật lạc”, chữ Hán viết là 逸樂, trong đó:
– “Dật” là nhàn hạ, yên vui, thong thả, cũng có nghĩa là ở ẩn, thường dùng trong các trường hợp “ẩn dật”, “dật sĩ” (người ở ẩn).
– “Lạc” là vui, vui thích, vui mừng, vui sướng, thường dùng trong các trường hợp “cực lạc”, “hoan lạc”, “lạc quan”.
“Dật lạc” nghĩa chung là thong thả vui vẻ, nhàn hạ vui sướng, thường dùng để chỉ cuộc sống vui thú thanh nhàn, không tranh hơn thua. Bài phú “Sãi Vãi” (Nguyễn Cư Trinh) có câu: “Chê sự đời phú quý vinh hoa; muốn vui thú thanh nhàn dật lạc”.
★ Diệu linh ★
“Diệu linh”, chữ Hán viết là 曜靈, trong đó:
- “diệu” là ánh nắng, mặt trời, mặt trăng và các sao đều gọi là “diệu”;
- “linh” là thần, thần linh, là từ chỉ sự diệu kỳ, thần kỳ, thiêng liêng.
“Diệu linh”, là từ dùng để chỉ mặt trời một cách hoa mỹ, thường dùng trong văn thơ. Trong bài “Thiên Vấn”, Khuất Nguyên viết:
角宿未旦,
曜靈安藏?
Giác túc vị đán,
Diệu linh an tàng?
Nguyễn Sĩ Lâm dịch là:
“Phương đông còn sao Giác,
Ẩn đâu vầng thái dương?”
Liên quan đến chữ “diệu” còn có một từ rất đẹp nữa là “Lưỡng diệu” (兩曜) – một từ dùng để chỉ mặt trời và mặt trăng.
(Ngoài ra, còn có một từ “diệu linh” khác, chữ Hán viết là 妙齡, có nghĩa là tuổi trẻ, thiếu niên.)
★ Du nhiên ★
“Du nhiên”, chữ Hán viết là 悠然, trong đó:
– “du” là xa xôi, lâu dài, nhàn nhã, nhưng cũng có nghĩa là lo lắng, muộn phiền;
– “nhiên” là như thế, như vậy, thường dùng chỉ trạng thái, ngoài ra còn có nghĩa là đốt, cháy (nhiên liệu).
“Du nhiên” có nhiều nét nghĩa, thường được dùng để chỉ dáng vẻ nhàn nhã, thản nhiên, thong dong tự tại, hoặc là xa xôi, xa xăm, dằng dặc và cũng được dùng để tả một niềm hứng thú bất tận, triền miên.
Về nét nghĩa nhàn nhã, thản nhiên, bài “Ký trưởng tử Mai Nham đình thí liên trúng tam nguyên” của Trần Doãn Đạt có câu rằng:
Xử thế y thuỳ năng thiệp thế,
Du nhiên hư kỷ nhất hư chu.
處世伊誰能涉世,
滺然虛己一虛舟。
Nghĩa là:
Sống ở đời mấy ai đã từng trải cuộc đời,
Thản nhiên coi mình như hư không trống rỗng.
Về nét nghĩa xa xôi, dằng dặc, bài “Chí Linh sơn Phượng Hoàng phong” của Trần Nguyên Đán có câu rằng:
Song Phượng du nhiên vọng yểu minh,
Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.
雙鳳悠然望杳冥,
鳳凰萬古愛芳名。
Nghĩa là:
Xa xa thấp thoáng đỉnh Song Phượng,
Núi Phượng Hoàng nổi tiếng từ ngàn xưa.
Còn Nguyễn Trãi trong bài “Chu trung ngẫu thành kỳ 2” thì viết:
Du nhiên vạn sự vong tình hậu,
Diệu lý chân kham phó trọc lao.
悠然萬事忘情後,
妙理真堪付濁醪。
Nghĩa là:
Muôn việc đời dằng dặc sau khi quên hết,
Thấy lẽ huyền diệu thật đáng phó cho chén rượu đục.
Về nét nghĩa miêu tả cảm giác hứng thú lâng lâng bất tận, bài “Đề Dương công Thuỷ Hoa đình” của Chu Văn An có câu:
Ẩn kỷ quan chúng diệu,
Du nhiên tâm tự đắc.
隱幾觀眾妙,
悠然心自得。
Nghĩa là:
Tựa bên ghế để quan sát mọi điều huyền diệu,
Lâng lâng cảm thấy thoải mái trong lòng.
Còn Nguyễn Sư Phó trong bài “Đề Lộ Hà dịch môn lâu” thì viết:
Bán thốc nguy lâu chẩm thuỷ tiền,
Đăng lâm hành khách hứng du nhiên.
半簇危樓枕水前,
登臨行客興悠然。
Một dãy lầu lớn nguy nga gối sát mép sông,
Khách lên du ngoạn hứng thú vô cùng.
Nguyễn Khuyến trong bài “Sơ Hạ” cũng có câu:
Du nhiên phù trượng dục thừa hứng,
Mãn nhãn trần ai nại nhĩ hà?
悠然扶杖欲乘興,
滿眼塵埃奈爾何?
Muốn nhân hứng lâng lâng chống gậy dạo chơi,
Nhưng đầy mắt là bụi bặm, biết làm sao được?
★ Dụ tri ★
- Dụ là nói cho, báo cho biết (cùng một chữ “dụ” với thí dụ, chỉ dụ);
- Tri là biết.
“Hạnh thục ca” của Nguyễn Nhược Thị (hoặc Nguyễn Nhược Thị Bích, tức Nguyễn Thị Bích, 1830 – 1909) có câu:
“Bèn ban ý chỉ dụ tri,
Phụ thần nay phải tuân y lời già.”
Ở đây, “dụ”, theo Bửu Kế, được hiểu là “lời kẻ trên báo cho kẻ dưới biết” (Tầm nguyên tự điển, Bửu Kế, NXB Thanh Niên). Và “dụ tri” có thể hiểu chung là lời người trên báo cho người dưới biết để mà làm theo.
★ Duật vân ★
Duật vân, chữ Hán viết là 矞雲 , trong đó:
- “Duật” 矞 là rực rỡ, tốt đẹp. Từ điển Thiều Chửu cho ví dụ văn từ hay gọi là điển lệ duật hoàng 典麗矞皇.
- “Vân” là mây.
“Duật vân”, Từ điển Thiều Chửu giảng nghĩa là mây có ba sắc, ý là áng mây lành, tượng trưng cho điềm lành.
Bài “Tây trình lữ muộn 西程旅悶” của Phan Huy Ích có câu:
Duật vân phiếu diểu miện đô thành,
Hoang dã oanh hồi mịch khách trình.
矞雲縹渺眄都城,
荒野瀠迴覓客程。
Nghĩa là:
Trông vời đô thành mây đẹp bời bời,
Tìm đường trên cánh đồng hoang vu quanh co.
Duật vân, chữ Hán còn có thể viết là 霱雲, trong đó riêng chữ duật – 霱 cũng có nghĩa là mây lành. “Đại tự điển Hán-Việt – Hán ngữ cổ và hiện đại” của Trần Văn Chánh giảng “hoàng duật tứ liệt – 黃霱四列” là mây lành vàng bày ra khắp hướng.
Ngoài “duật vân”, từ “tường vân” 祥雲 cũng có nghĩa là mây lành, báo hiệu điều tốt lành.
★ Dục nhật ★
“Dục nhật”, chữ Hán viết là 浴日, trong đó:
- “dục” là tắm, như “dục đường” là nhà tắm, “dục trì” là hồ tắm, “dục huyết” là tắm máu;
- “nhật” là mặt trời.
“Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế giảng “Lúc mặt trời mọc, ngoài bể ánh nước chập chờn như là tắm cho mặt trời vậy”. Cho nên “dục nhật” dùng để chỉ lúc mặt trời vừa từ mặt bể mọc lên, về sau mở rộng nghĩa, dùng để chỉ công đức lớn lao.
Truyện “Lục súc tranh công” có câu: “Long chức quan bổ thiên dục nhật”. “Bổ thiên” (補天) là vá trời, cũng chỉ công đức, sự nghiệp lớn lao.
★ Dư huy ★
“Dư huy”, chữ Hán viết là 餘輝, trong đó:
– “Dư” là còn lại, sót lại, còn rớt lại, sắp hết, tàn lưu, như “dư niên” 餘年 là những năm cuối đời.
– “Huy” là ánh sáng, tia sáng rực rỡ, là chữ “huy” trong “huy hoàng”, “quang huy”.
“Dư huy” – “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh
giảng là “bóng mặt trời xế chiều”. Ngoài ra, trong văn chương xưa, “dư huy” còn chỉ ánh trăng, ánh sao còn sót tại (lúc trăng sao sắp lặn).
Bài “Hiểu yên” (Khói sớm) của Thái Thuận (một nhà thơ thời Lê Sơ) có câu:
Ngũ canh tinh đẩu đạm dư huy,
Mạc mạc khinh lưu phất thự phi.
五更星斗澹餘輝,
漠漠輕流拂曙飛。
Nhà thơ Quách Tấn dịch là:
Đêm tàn lờ lạt ánh sao,
Bóng trôi nhè nhẹ bay vào rạng đông.
★ Đảo huyền ★
“Đảo huyền”, chữ Hán viết là 倒懸, trong đó:
- “đảo” là lật ngược;
- “huyền” là treo lên.
“Đảo huyền” nghĩa đen là treo ngược lên, người hoặc vật mà bị treo ngược lên, treo cho chúc ngược đầu xuống thì gọi là “đảo huyền”. Nghĩa bóng của “đảo huyền” chỉ việc lâm vào cảnh cực kỳ khốn khổ.
Trong bài “Quá Nhĩ hà quan Bắc binh cổ luỹ” của Đoàn Nguyễn Tuấn có câu: “Nhất độ can qua trực đảo huyền”, nghĩa là một thời chiến tranh làm cho nhân dân khốn khổ cùng cực.
★ Đồ nam ★
“Đồ nam”, chữ Hán viết là 圖南.
Chữ “đồ” nghĩa là tính toán, mưu toan, cũng chỉ ý muốn, tham vọng. “Nam” là phương Nam, phía Nam, ở đây chỉ bể Nam.
Từ điển Đào Duy Anh giảng, “đồ nam” là “tính toán qua bể Nam”. Sách Trang Tử có lời ngụ ngôn rằng: cá côn* hoá ra làm chim bằng, một lần bay 900 nghìn** dặm, khởi từ bể Bắc bay tới bể Nam gọi là “đồ nam”. Do đó, “đồ nam” được dùng với nghĩa bóng là “chí vọng xa lớn”, ý chỉ những tham vọng cao cả của con người.
(*) Cá côn [鯤] là một loại cá khổng lồ trong truyền thuyết.
(**) Từ điển Đào Duy Anh biên 900 nghìn dặm, nhưng cũng có tài liệu nói là 9 vạn dặm, tức 90 nghìn dặm. Nói chung con số mang nghĩa tượng trưng là bay rất xa.
★ Độc chước ★
“Độc chước”, chữ Hán viết là 獨酌, trong đó:
- Độc là một mình;
- Chước vốn có nghĩa là rót rượu, sau cũng dùng để chỉ việc uống rượu. Đây chính là chữ “chước” trong “châm chước”. (“Châm” là rót như rót nước, rót trà, rót rượu. Vì khi rót nước rót trà rót rượu thì phải lường trước độ nông sâu của ly mà rót cho vừa phải, cho nên “châm chước” được dùng để chỉ sự gì cần thương lượng, cần định liệu giữa các bên sao cho phù hợp.)
“Độc chước” trước thường dùng để chỉ việc uống rượu một mình. Bên cạnh đó còn có “đối chước” để chỉ hai người uống rượu với nhau. Hiện nay hai từ này ít thấy dùng, chủ yếu thấy dùng từ “độc ẩm” hoặc “đối ẩm” để chỉ việc uống rượu mà cũng có thể là uống trà, một mình hoặc với ai.
Nguyễn Khuyến có hai bài thơ dùng từ “độc chước” như sau:
- Ngẫu thành kỳ 4
Tà ỷ nam song nguyệt ảnh biên,
Ngoã tôn độc chước khởi đồ nhiên. - Xuân nhật kỳ 3
Bắc song độc chước đồi nhiên tuý,
Nhất dục xuyên hài thướng thuý vi.
Bài trước là uống rượu một mình ở “nam song” (cửa sổ phía nam), bài sau là uống rượu một mình ở “bắc song” (cửa sổ phía bắc).
★ Đông quân ★
“Đông quân”, chữ Hán viết là 東君, nghĩa đen là vị vua ở phương đông, ngụ ý chỉ mặt trời, thần thái dương (theo Hán Việt Từ điển Đào Duy Anh).
Trong thơ ca, “đông quân” thường được dùng để chỉ chúa xuân, thần mùa xuân. (Hướng đông thường dùng gắn với mùa xuân, như “đông phong” là gió từ hướng đông thổi đến, tức là gió mùa xuân. Còn “quân” là vị vua, vị chúa tể, nên “đông quân” là chúa xuân.)
Bài thơ “Ngẫu đề công quán bích kỳ 1” của Nguyễn Du có câu:
“Đào hoa mạc trượng đông quân ý,
Bàng hữu phong di tính tối toan.”
Nghĩa là:
Hoa đào chớ cậy được chúa xuân yêu,
Bên cạnh có dì gió tính rất hay ghen.
Trong bài “Bốc toán tử” của Nghiêm Nhị (Nam Tống) có hai câu rất hay rằng:
“Hoa lạc hoa khai tự hữu thì,
Tổng lại đông quân chủ.”
Nghĩa là:
Hoa rơi, hoa nở tự có lúc,
Đều do chúa xuân làm chủ cả.
Ở đây, chúa xuân được ngầm so sánh với thế lực nắm giữ vận mệnh người khác.
★ Đồng song ★
“Đồng” là cùng, “song” ở đây là cửa sổ. “Đồng song” nghĩa đen là cùng một khung cửa sổ, nghĩa chuyển dùng để chỉ bạn học cùng lớp, cùng thầy, học chung với nhau bên một khung cửa sổ.
Bài thơ “Thu dạ lữ hoài ngâm” của Đinh Nhật Thận (1815-1866, danh sĩ đời Nguyễn) có câu:
“Khả tư giả đồng song nhị khế
Chi lan hương tế tế do văn”
Tức là:
“Bạn đèn sách một hai tri thức,
Mùi lan chi sực nức một nhà.”
(Theo bản dịch của Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004.)
Nói chung, “đồng song” là từ chỉ bạn học cùng lớp, cùng thầy. Đây là một từ mà mình rất thích, vừa giàu hình ảnh, vừa giàu ý nghĩa, vừa có câu chuyện. Ngoài “đồng song”, còn có nhiều từ đồng nghĩa dùng để chỉ bạn học chung lớp, chung thầy, chẳng hạn:
- Đồng thân: Nghĩa đen là cùng cha mẹ sinh ra, nghĩa chuyển dùng để chỉ “bạn học cùng một thầy, vì thầy cũng coi như cha mẹ” (theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng). Truyện Kiều, đoạn giới thiệu Kim Trong có câu: “Với Vương Quan, trước vốn là đồng thân” (theo bản Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải).
- Đồng nghiễn: Nghĩa đen là cùng nghiên mực, nghĩa chuyển cũng dùng để chỉ bạn học chung lớp, dùng chung nhau một nghiên mực. Bên cạnh đó còn có từ “nghiễn hữu” cũng chỉ bạn học.
- Đồng học: Từ này thì dễ hiểu, nghĩa trên mặt chữ, chỉ bạn học chung. Từ này những bạn hay xem phim, truyện của Trung Quốc ắt có gặp. Ở Việt Nam trước đây cũng có dùng, thường gặp trong thơ ca.
★ Điềm thuỵ ★
“Điềm thuỵ”, chữ Hán viết là 甜睡, trong đó:
- Điềm là ngọt, say, ngon;
- Thuỵ là ngủ, Từ điển Thiều Chửu giảng “lúc mỏi nhắm mắt gục xuống cho tinh thần yên lặng gọi là thuỵ”.
“Điềm thuỵ” nghĩa là ngủ ngon, ngủ yên, ngủ say.
Ngoài từ “điềm thuỵ”, còn có từ “an chẩm”, chữ Hán viết là 安枕, (với “chẩm” là cái gối, ngụ ý là ngủ, giấc ngủ) cũng có nghĩa là ngủ ngon, ngủ yên, nghĩa bóng chỉ việc không lo nghĩ, không có gì phải ưu phiền cả.
Trên đây là các Cổ mỹ từ theo trật tự từ A đến G. Còn đây là đường dẫn dẫn đến các bài viết theo trật tự: