Có một tình yêu thiêng liêng nhất
| On Th1216,2016(Ngày ngày viết chữ) – Tình yêu, đó là khởi nguồn cảm hứng của văn chương. Có khi là suối sâu mạnh mẽ, có khi là mạch nước ngầm âm thầm chảy dưới lòng đất, tình yêu xuất hiện khắp nơi, từ những câu chuyện cổ tích đến tác phẩm hiện đại. Cuốn sách mà tôi sắp kể bạn nghe cũng vậy, nó kể về Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane – đây cũng chính là tên sách, tác giả Kate DiCamillo – về hành trình tìm kiếm và thấu hiểu một loại tình yêu thiêng liêng nhất.
Edward Tulane – Chú thỏ quý tộc nhất
Edward Tulane là một chú thỏ rất lớn bằng sứ, xinh đẹp nhất trong số những chú thỏ và quý tộc nhất trong số những món đồ chơi. Thực tế chú còn không xem mình là đồ chơi – chú là thỏ sứ Edward “cao quý lãnh diễm”. Chú là món quà sinh nhật dành cho cô bé Abilene người Ai Cập. Abilene rất yêu chú, xem chú là đứa em bé nhỏ, là thành viên của gia đình, cùng ăn cùng chơi cùng ngủ. Rồi một sự cố tình cờ đã khiến Edward bị chia cắt với cô chủ nhỏ – và hành trình của chú bắt đầu. Chú đi qua đại dương, chú thành đứa con của vợ chồng người ngư dân già nua và của những anh chàng vô gia cư, thành cậu em tâm tình thủ thỉ của cô bé nhà nghèo bị bệnh hiểm nghèo, thành con rối mua vui cho người qua đường trên phố thị và rồi bị bỏ quên nhiều năm trong cửa hàng búp bê nọ.
Dường như, câu chuyện của Edward có xu hướng ngày càng bi thảm. Thì có câu chuyện tuyệt vời nào không mang chút thương đau đâu? Vấn đề là, chính những bi thảm thương đau đó luyện cho ta trưởng thành và giúp ta nhận ra đâu mới là hạnh phúc mình cần trân trọng và bảo vệ. Edward vốn là chú thỏ không biết yêu thương, luôn cảm thấy “ta là một, là riêng, là duy nhất”. Chính những cuộc gặp gỡ và chia ly, những gương mặt, những mảnh đời chú gặp trên hành trình khổ hạnh của mình đã giúp chú hiểu thế nào là tình yêu và vì sao tâm hồn chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu.
Đôi vợ chồng ngư dân cô đơn xem chú như đứa con đã mất mà chăm sóc và yêu thương. Cho đến một ngày, cô con gái đi lấy chồng xa của họ về thăm nhà. Vâng, vợ chồng ngư dân còn một cô con gái nữa, ngang ngược, lỗ mãng vứt Edward đi, chia cắt chú với những người yêu thương chú. Bạn cảm thấy cô con gái đó đáng ghét quá ư? Tôi cũng vậy. Nhưng đôi vợ chồng ngư dân thì không, họ không hề trách móc sự ngỗ nghịch của cô con gái. Tôi từng nghĩ, tại sao có những bậc cha mẹ không dám “trừng phạt thích đáng” với những đứa con hư dù chúng đã trưởng thành, đã ở cái tuổi không nên hư nữa? Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane đã cho tôi câu trả lời. Không phải cha mẹ sợ những đứa con ấy, thứ cha mẹ sợ chính là mất đi đứa con ấy. Sẽ thế nào nếu chúng không về thăm mình nữa, sẽ như thế nào nếu trong suốt những tháng ngày cô quạnh còn lại không thể nhìn thấy chúng nữa? Cho nên họ chấp nhận mỗi lỗi lầm và lựa chọn tha thứ. Đó là tấm lòng rộng lượng cùng bao dung của cha mẹ dành cho con cái.
Edward Tulane – Chú thỏ học cách yêu thương
Trong hành trình lang bạt, Edward đã được gọi bằng rất nhiều cái tên, mỗi cái tên hàm chứa một tình yêu vô hạn của người cha đối với đứa con ở xa, của người anh trai đối với em gái đã mất… Một đêm lạnh giữa đồng cỏ xa vắng, có người cha nọ ôm Edward vào lòng và gọi tên những đứa con giờ đang ở cách mình cả một đại dương. “Sau chuyện này, ở mỗi nơi Bull, Lucy và Edward tới, vài người lang thang lại muốn đặt Edward bên mình và thì thầm vào tai chú tên của những đứa con. Betty. Ted. Nancy. William. Jimmy. Eileen. Skipper. Faith.” Cha mẹ, bất luận quá khứ, hiện tại hay tương lai, bất luận ngày ngày kề cận hay vạn dặm xa cách đều sẽ luôn nghĩ về đứa con của mình. Họ cũng sẽ thông qua những đứa trẻ khác hay thậm chí là món đồ chơi khác – như trường hợp của Edward – để tưởng nhớ núm ruột của mình.
Đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều và chia ly nhiều, Edward bị tổn thương nhiều nhưng vẫn chưa hiểu ra rốt cuộc thì tất cả những tình cảm mà người khác dành cho chú có ý nghĩa gì. Cho đến một ngày, Edward gặp cô búp bê “cá tính nhất mọi thời đại”. “Nếu anh chẳng hề có ý định về chuyện yêu thương hay được yêu thương thì toàn bộ hành trình này chẳng có ý nghĩa gì nữa cả”, cô búp bê cá tính nói với Edward đồng thời cũng là nói với tất cả người đọc. Nếu bạn không đón nhận và đền đáp tình yêu của người thân, cuộc sống này suy cho cùng chẳng có ý nghĩa gì cả. “Anh phải được lấp đầy lòng mong đợi. Anh phải tắm mình trong hy vọng. Anh phải tự hỏi ai sẽ yêu thương anh, ai là người anh sẽ yêu thương kế tiếp.” Bạn sẽ hỏi vì sao là người “yêu thương kế tiếp”? Bởi vì cuộc sống này căn bản là sự tiếp nối của những cuộc chia ly. “Điều đáng sợ nhất là nhìn người ta yêu thương lìa khỏi thế giới ngay trước mặt ta mà ta chẳng làm nổi một điều gì.” Những lúc đó, điều ta có thể làm chính là dốc lòng yêu thương một người khác, một người còn ở lại.
Cuối cùng Edward cũng học được thế nào là yêu thương một người và kỳ vọng vào sự ấm áp của tình thân. Có lẽ, thế gian này, đẹp nhất là tình yêu đôi lứa, quý nhất là tình bằng hữu, nhưng thiêng liêng nhất là tình thân giữa những con người máu mủ ruột rà hoặc xem nhau như máu mủ ruột rà. Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane khép lại với một kết thúc không thể có hậu hơn, bất chấp khoảng cách không gian và thời gian, Edward cuối cùng vẫn trở về với Abilene, cô chủ nhỏ ngày nào vẫn bao dung và yêu thương chú, bất kể chú có “yêu Abilnene đủ nhiều” hay không.
Một cuốn sách nhỏ với những câu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa những suy tưởng lớn lao. Cuốn sách khiến tôi hiểu vì sao những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu. Đó là bởi vì những câu chuyện ấy đều chứa đựng tình yêu. Tương tự như vậy, sẽ có những gia đình luôn hạnh phúc bất kể họ giàu sang hay nghèo khó, bất kể họ mỗi ngày đều đoàn tụ ăn cơm tối hay đã lâu không gặp, chỉ cần trong họ có tình yêu, mái ấm gia đình vĩnh viễn bất biến.