“Vân vân” và cách dùng “vân vân mây mây”
| On Th1119,2023(Ngày ngày viết chữ) Chúng ta quen dùng “vân vân”, viết tắt là “v.v.” cho những trường hợp còn nữa nhưng không kể ra. Ngoài ra chúng ta cũng quen đùa “vân vân mây mây”. Vậy chính xác thì “vân” nghĩa là gì và “vân vân” đã được dùng tự bao giờ?
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Các kiểu tả người theo phép ẩn dụ của người Việt
Có bạn đọc đề cập với Ngày ngày viết chữ cách dùng từ “vân vân”. Cụ thể là (a) nghĩa của từ “vân vân”, rằng từ này có nghĩa là còn nữa, không kể ra hết, nhưng một từ “vân” thôi thì có nghĩa gì không; (b) “vân vân” là cách dùng hiện đại, gần đây mới có hay là cách dùng xưa rồi và (c) “vân” này có liên quan đến “mây” không, tại sao dùng “vân vân mây mây”.
Trước hết, “vân vân” là từ Hán Việt, chữ Hán là 云云. Trong đó, “vân 云” có nghĩa là nói, bảo, rằng (*) và “vân vân” là từ dùng để chỉ những chuyện như đã đề cập, còn nữa nhưng không kể ra hết. “Vân vân” thường được viết tắt là “v.v.”. Ví dụ: Tôi thích đọc truyện đồng thoại, chẳng hạn truyện của Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Đức Tiến, v.v..
“Vân vân” khi viết tắt sẽ viết là “v.v.”, nếu sau “v.v.” là dấu chấm câu thì sẽ viết thành “v.v..”. Theo Cao Xuân Hạo, “nhiều người đếm nhầm hai dấu chấm ấy thành ba, nghĩa là thành một dấu chấm lửng” (1), cho nên về sau mới quen viết thành “v.v…”.
Từ “vân vân” này vốn được dùng đã lâu, xưa nhất là khi nào thì không rõ, nhưng trong nhiều tác phẩm văn học trung đại, cận đại đã có dùng với nghĩa chuyện này chuyện khác, chỉ sự còn dài. Ví dụ:
– Dầu phải dầu chăng mặc thế,
Đắp tai biếng mảng sự vân vân.
(Bảo kính cảnh giới (bài 38), Nguyễn Trãi)
“Đắp tai biếng mảng” là bịt tai biếng nghe, chẳng muốn nghe, “sự vân vân” là những chuyện này chuyện khác (2).
– Nén hương đến trước Thiên đài,
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
– Hạnh Nguyên ra yết nhà ngoài,
Ngứa gan tấm tức mấy lời vân vân.
(Nhị độ mai, truyện thơ Nôm khuyết danh)
– Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
Bực mình mà gửi mấy lời vân vân.
(Bần nữ thán, truyện thơ Nôm khuyết danh)
Về câu hỏi “vân” trong trường hợp này có liên quan đến “mây” không, thì vốn dĩ “vân” trong “vân vân” không phải là mây. Chúng ta tạm gọi “vân” trong “vân vân” là “vân 1”, còn “vân” nghĩa là mây là “vân 2”, thì câu chuyện chữ Hán của chúng như vầy:
– “Vân 1” chữ Hán phồn thể là 云, giản thể cũng là 云 (giản thể không đổi cách viết).
– “Vân 2” chữ Hán phồn thể là 雲, giản thể là 云.
Nghĩa là người ta đã lấy chữ Hán của “vân 1” làm chữ giản thể của “vân 2” luôn. Nên với những bạn chỉ học chữ giản thể, khi thấy 云 có thể sẽ tự động nghĩ tới mây. Quan trọng hơn là vì âm Hán Việt của hai chữ này đều là “vân”, nên khi nói “vân vân” người ta cũng dễ liên tưởng đến “mây mây” và từ đó sinh ra cách nói “vân vân mây mây”. Cách nói này chủ yếu dùng trong khẩu ngữ cho vui.
Nói thêm về việc lấy chữ Hán của “vân 1” làm chữ giản thể của “vân 2”, thì đây là một cách làm thường gặp trong các cách giản hoá chữ Hán. Có thể kể thêm vài trường hợp để các bạn hình dung:
– Hậu (vợ vua) phồn thể là 后, giản thể cũng là 后.
– Hậu (sau) phồn thể là 後, giản thể là 后.
– Diện (mặt), phồn thể là 面, giản thể cũng là 面.
– Miến (mì) phồn thể là 麵, giản thể là 面.
– Chỉ (mỗi một) phồn thể là 只, giản thể cũng là 只.
– Chích (chiếc, cái) phồn thể là 隻, giản thể là 只.
Cách giản hoá lấy một chữ A sẵn có làm giản thể cho một chữ B mang ý nghĩa khác như vầy cũng gây ra không ít nhầm lẫn cho người học chữ Hán.
(*) Ngoài ra còn vài nghĩa và cách dùng khác nữa nhưng không liên quan trường hợp này nên không kể ra đây.
(1) Tiếng Việt văn Việt người Việt, Cao Xuân Hạo.
(2) Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học.