Các kiểu “nhân vật xưng tôi” và ví dụ minh họa
| On Th913,2020(Ngày ngày viết chữ) Đối với nhiều người viết, dùng “nhân vật xưng tôi” để dẫn dắt câu chuyện có vẻ là phong cách được ưa chuộng nhất. Vì cách ấy dễ. “Tôi” sẽ là kẻ dẫn dắt câu chuyện, cũng thường là nhân vật chính của câu chuyện. Nhưng không phải lúc nào “tôi” cũng chỉ xuất hiện trong một khuôn khổ.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Hà Nội lầm than, cũng bởi “lầm” nên mới có “than”
Nếu trong một tác phẩm có nhân vật xưng tôi, thì chắc chắn nhân vật đó sẽ là người tường thuật câu chuyện. Độc giả sẽ biết hầu hết mọi điều thông qua nhân vật “tôi”.
Dưới đây là một số kiểu nhân vật xưng tôi thường gặp và ví dụ minh họa.
Kiểu 1 – “Tôi” là ông chủ nhà
Nếu xem một tác phẩm là một ngôi nhà, thì nhân vật xưng tôi kiểu thứ nhất sẽ là ông chủ nhà. Nghĩa là, “tôi” là nhân vật chính của câu chuyện. Đây là dạng phổ thông nhất của tác phẩm tự sự. Với dạng này, nhân vật xưng tôi dẫn người đọc đi từ đầu đến cuối. Cái nhìn trong tác phẩm cũng là cái nhìn đơn tuyến. Ngoài “tôi” ra, độc giả không thể thông qua ai khác để nhìn vào tác phẩm nữa..
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi là một tác phẩm có nhân vật xưng tôi làm “ông chủ nhà” như thế. “Tôi” trong câu chuyện là cậu bé An, một cậu bé lưu lạc. An chính là người dẫn dắt và tường thuật hết mọi bề câu chuyện.
“Không biết hiện giờ anh Ba thủy thủ thân mến của tôi ở đâu? Anh có nhập vào Cộng hòa vệ binh chặn đánh giặc Pháp ở một nơi nào đó không? Hay anh đang lênh đênh trên một con tàu giữa biển khơi mà không biết rằng giờ đây, giặc Pháp đang đuổi tôi chạy hộc tốc thế này?
Chân bước đi mà mặt tôi cứ ngoảnh lại nhìn về thành phố. Mấy đứa bạn nhỏ của tôi ở bên kia đầu cầu quay, vùng chợ cũ, xóm đình, xóm cả, chắc đã chạy về hướng chùa Vĩnh Tràng đổ về Gò Cát, Bến Tranh rồi. Chà, mai mốt đây các anh thanh niên đuổi giặc ra khỏi thành phố, chúng tôi lại quay về gặp nhau, tha hồ mà kể đủ thứ chuyện nhé!
Tôi vừa có phần lo, lại vừa có phần vui. Có gì đâu mà má tôi lại mặt xanh mày xám thế kia? Lâu lâu, tản cư một lần thế này cũng vui như cái bận quân đồng minh ném bom bọn Nhật, đi ít hôm rồi lại về. Lúc về, trong các buổi đến trường gặp nhau chúng tôi càng thêm nhiều chuyện vui hơn trước.”
Đây là kiểu tự sự dễ viết, dù vậy, nhân vật xưng tôi nên được xây dựng đặc sắc một chút, nếu không có thể gây cảm giác nhàm chán.
Kiểu 2 – “Tôi” là người hàng xóm
Với kiểu này, “tôi” thường không phải là nhân vật chính mà chỉ là một nhân vật trong câu chuyện, dẫn dắt hoặc kể lại câu chuyện. Nhân vật xưng tôi đứng trong câu chuyện, tham gia vào các sự kiện xảy ra đồng thời là người đại diện cho quan điểm của tác giả.
Nhân vật ông giáo trong Lão Hạc của Nam Cao là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu “tôi” là người hàng xóm.
“Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:
– Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…
Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận. Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc. Nhưng hình như lão cũng biết vợ tôi không ưng giúp lão. Lão từ chối tất cả những cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần…”
Kiểu “tôi” là người hàng xóm cũng dễ viết, ưu điểm là có nhiều không gian cho các nhân vật phát huy, không nhất thiết mọi thứ phải xoay quanh nhân vật xưng tôi như kiểu 1.
Kiểu 3 – “Tôi” là khách đến chơi
Với kiểu này, nhân vật xưng tôi thường không hẳn là nhân vật trong câu chuyện, mà là người đứng từ bên ngoài quan sát vào câu chuyện. Nhân vật xưng tôi có thể là người dẫn chuyện, được (các) nhân vật khác kể cho nghe. Kiểu khách đến chơi này thường không phải là đại diện cho quan điểm của tác giả nữa mà đích thị là tác giả. Người đọc luôn biết “tôi” này chính là tác giả, khác với “tôi” kiểu 2, người đọc chỉ xem “tôi” là một nhân vật (như nhân vật ông giáo ở trên).
Ví dụ minh họa cho kiểu “tôi” là khách đến chơi có thể nhân vật xưng tôi trong Tôi kéo xe của Tam Lang. Đây là thiên phóng sự về chuyện Tam Lang giả làm phu, xâm nhập thực tế đời sống của người phu xe, nghe họ kể về đời sống của họ, nỗi cơ cực của họ. Tam Lang – nhân vật xưng tôi, dù ở giữa những người phu xe nhưng tâm thế luôn là người ngoài cuộc. Người đọc cũng biết rõ “tôi” ở đây không phải là nhân vật trong câu chuyện mà chính là tác giả.
“Ngọn đèn xe đu dưới tay bạn tôi như một con đom đóm vật vờ. Trèo qua một con đê cao chừng năm thước ta, chúng tôi đi xuống một cái vực sâu, tối om như một cái mả. Dãy đèn điện đường Đồn Thủy, không còn trông thấy nữa. Bị dải đê dài che lấp, nó tỏa ra trên đầu chúng tôi một vầng phớt sáng, buồn ghê…
Theo bước chân bạn, tôi cũng bước một, lần đi. Trời không sao. Quanh mình tôi vang rầm những tiếng chẫu chuộc, ễnh ương, giun, dế.
Bãi Cơ Xá Nam đó! Cái tổ của một bọn người nghèo khổ. Cái sọt rách chứa đầy rác rưởi dưới chân những dinh thự nguy nga!
Không một ánh sáng. Không một vết xe. Ánh sáng văn minh rọi đến đây đã bị cái tường đất ngăn đi. Bánh xe tiến hóa lăn đến đây cũng bị dải đê dài cản lại.
Thế mà có một giống đã vượt qua, vào nổi!
Con ma thuốc phiện nó chắp trên lưng hai cái cánh màu hung đỏ đồi mồi. Cô ả phù dung, cái tên đẹp, người ta thường quen gọi. Thì đêm ấy, tôi đã thấy ả phù dung nằm đấy, trong một gian nhà lá vách xiêu cột vẹo, chật như cái hũ, chứa đến chục người.
Tôi khom lưng xuống, chui qua một khung cửa cao không hơn một thước tây. Bạn tôi trỏ tôi cho anh Tư S., người nằm cạnh cái khay đèn, rồi vừa cởi chiếc áo xanh mặc ngoài vừa nói :
– Đây, người này muốn ngủ đỗ ở đây.
Tôi gật đầu chào, đưa hai đồng xu vừa móc ra khỏi túi.
Người nằm bên khay đèn ngóc cổ giơ tay đỡ lấy, nín thinh, lạnh lẽo, không buồn nói lấy nửa lời. Anh ta chừng bốn mươi tuổi, xanh mà gầy. Hai mắt trũng sâu, hai cánh tay như ống sậy. Mảnh quần nâu vén lên quá gối để phô ra hai cẳng chân cũng chẳng béo gì hơn hai cánh tay. Chẳng được một tiếng mời, tôi cũng cứ ghé vào chiếc giường giát anh ta nằm hút thuốc phiện, mà ngồi.”
Kiểu 4 – Có nhiều “tôi” ở đây
Đây là một lối viết sáng tạo, khá mới so với các kiểu trên. Trong ba kiểu “tôi” kể trên, cái nhìn của độc giả vào tác phẩm thường là cái nhìn đơn tuyến. Tức là, người đọc chỉ có thể soi vào tác phẩm thông qua “tôi”. Còn với kiểu tác phẩm có nhiều “tôi”, người đọc sẽ có cái nhìn đa tuyến.
Truyện ngắn Một cái chết của Vũ Trọng Phụng là một ví dụ cho kiểu nhiều “tôi” này. Trong Một cái chết, “tôi 1” là người dẫn chuyện, “tôi 2” đóng vai trò kể những điều đã xảy ra.
“Tôi 1” – dẫn chuyện:
“Đã bực mình sẵn, lại thấy ông lão xông xáo quá đáng thế, tôi không chút thương mà gắt rầm lên. Bạn tôi vội xua tay ngăn lại, đứng dậy, ra ân cần để vào tay ông lão một xu. Ông lão cúi rạp xuống đất tạ ơn rồi lủi thủi bước ra, để lại chỗ đứng một vũng nước dây ở cái áo tơi trút xuống. Bạn tôi cài then cửa rồi vào:
– Không bao giờ tôi nỡ đuổi một người ăn mày như anh đã đuổi.
Tôi mỉm cười một cách nhạo báng. Bạn tôi xưa nay vẫn hay giảng đạo đức, thuyết luân lý.
– Anh đừng tưởng chuyện đùa. Những chuyện rất thường mà đối với người ngoài cuộc, lắm khi có ảnh hưởng lại rất sâu xa. Một người ăn mày đến kè nhè bên ngoài. Người trong nhà chạy ra mắng đuổi hắt đi rồi đóng cửa đánh xầm (chính tả thời của tác phẩm so với bây giờ có khác biệt – NNVC) một tiếng. Tưởng chẳng có chuyện gì bình thường hơn thế nữa. Thế mà cũng chỉ vì một chuyện đuổi ăn mày mà chính tôi đây, tôi đã được mục kích một tấn kịch rất đỗi bi thương.
Nói đến đó, bạn tôi ngồi xuống ghế, vớ lấy bao thuốc lá lấy ra một điếu đánh diêm châm, rồi tiếp. Bên ngoài trời vẫn rả rích mưa to.”
Đến đây thì câu chuyện chuyển sang cho “tôi 2” – kể chuyện:
“- Hồi ấy, cách đây sáu bảy năm trời, phải, sáu bảy năm trời rồi mà câu chuyện xảy ra tôi còn nhớ mồn một như mới hôm qua.
Năm mười sáu tuổi, học lớp nhất trường Hàng Vôi, tôi ở trọ phố Bờ Sông, nhà một thầy cai lấy thuế chợ. Con trai thầy mới lên mười một, học lớp dự bị, ngày ngày bốn buổi đi về có tôi dắt dìu. Tối đến dưới ngọn đèn dầu cũng tôi chỉ bảo.
Gia thế thầy cai tôi không được rõ. Vì có người quen mách giúp nên việc tôi đến trọ nhà thầy là việc ngẫu nhiên. Chỉ biết hôm tôi khuân hòm đến thì, trên chỏm mũ trắng điểm vành băng đen, thằng Hợi – con thầy – đã ngót hai năm trở mẹ (mất mẹ – NNVC).
Thằng Hợi! Tôi nhắc đến tên thì người, tôi cũng nhớ được ngay… Anh thử tưởng tượng xem, một thằng bé mới mười một tuổi đầu, mặt mũi sáng sủa, ăn nói lễ phép, đến trường học hành đã chăm chỉ, về nhà việc vặt lại hay làm.”
Phóng sự Tôi kéo xe cũng có lối viết nhiều “tôi” tương tự. Cụ thể, khi anh Tư kể về “bước đời hơn mười năm trời làm nghề xe kéo”, tác giả đã chuyển giao “tôi” sang cho anh Tư.
Đoạn này Tam Lang vẫn còn là “tôi”:
Bên chiếc khay đèn khốn nạn, nằm tiêm thuốc cho anh Tư hút, tôi đã thành ra một bạn thân của anh. Qua những tiếng trẻ khóc, những tiếng ngáy ran của lũ chết giả ở giường bên, chúng tôi vẫn nhỏ to câu tâm sự. Suốt đêm ấy, tôi không ngủ.
Nhân thấy hỏi về bước đời hơn mười năm trời làm nghề xe kéo, vui chuyện, anh Tư cũng kể cho tôi nghe :
‘‘ Đã mười hai năm nay, bấy giờ…’’
Đến đây thì anh Tư làm “tôi”:
“Đã mười hai năm nay, bấy giờ tôi cũng như bác bây giờ, bỏ cửa bỏ nhà, đi vã bộ từ Thái Bình lên đây mất ba hôm, định bụng tìm lấy một nghề mà làm để lần hồi cho qua bữa.
Bỏ cửa bỏ nhà! – Thật ra thì nhà cửa nhà tôi bấy giờ bị người ta cướp mất cả rồi, còn đâu nữa!
Thầy tôi xưa làm ông đồ dạy chúng tôi học chữ nho ở ngay Tân Đệ. Sau vì phạm vào tội khắc con dấu giả, bị nhà nước bắt đày đi ở Sơn La rồi chết ở trên đó. Tôi, con một, nhà còn có mẹ. Mẹ tôi thương thầy tôi quá, tuổi đã già mà đêm nào cũng khóc lóc, sau cả hai mắt đến lòa. Bấy giờ nhà cửa còn vật gì, tôi đem bán lao bành cờ hiệu cả đi để lấy tiền chữa chạy cho mẹ.
[…]
Tôi nghĩ thương thân, muốn khóc mà không còn nước mắt nữa.
Hai mươi tám tuổi đầu!…”
Đến đây, “tôi” lại trả về cho Tam Lang:
“Không thấy anh Tư nói nữa, tôi ngừng tiêm lại, trông theo. Trong cặp mắt sâu hoắm như hai cái lỗ đáo ở chiếc đầu lâu, anh ta để rơi xuống mấy giọt nước mắt khô khan như pha lẫn máu.
Tôi cũng lặng thinh không nói, lại lăn tròn điếu xái trên ngọn lửa lạnh lẽo chiếc đèn dầu. Anh Tư thì ngồi lên, xỉ mũi vào chiếc khăn tay nâu, uống xong hớp nước lại ghé nằm, chờ hút điếu xái bao tôi đang xoe vào nhĩ lọ.”
Ngoài bốn kiểu trên đây, chắc chắn còn nhiều kiểu “tôi” khác nữa. Có thể thấy, dù chỉ có một cách gọi chung là nhân vật xưng tôi, nhưng lại có rất nhiều kiểu để triển khai, không phải lúc nào “tôi” cũng là nhân vật chính vậy. Tùy vào dụng ý và thủ pháp viết, chúng ta có thể xây dựng nhiều kiểu “tôi” khác nhau, giúp tác phẩm tự sự của mình thêm lôi cuốn.