Hành trình người viết (Christopher Vogler) – Hành trình của những anh hùng
| On Th108,2025(Ngày ngày viết chữ) Hành trình người viết là quyển sách dành cho những ngòi bút muốn viết một câu chuyện ra trò nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa biết xây dựng nhân vật như thế nào.
Đây là một quyển sách rất dày, bạn sẽ nhận thấy điều này ngay khi thấy nó dày ngót nghét 550 trang. Và bạn sẽ nhận thấy sâu sắc hơn nữa khi đọc đến hết trang 32 thì mới thấy sách đi vào nội dung chính. Nhưng cũng vì dày như thế nên Hành trình người viết là một quyển sách rất chi tiết.
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn qua một chút lịch sử của quyển sách này. Hành trình người viết (tựa gốc là The Writer’s Journey) là một quyển sách nổi tiếng của Christopher Vogler, xuất bản lần đầu vào năm 1992 dưới dạng tài liệu hướng dẫn ngắn dành cho các biên kịch Hollywood. Bản chính thức và hoàn chỉnh (được xuất bản dưới dạng sách) ra mắt vào năm 1995. Đến năm 2020, quyển sách được phát hành ấn bản thứ tư – ấn bản kỷ niệm 25 năm và chính là bản mà Ngày ngày viết chữ giới thiệu ở đây.
Hành trình người viết dựa trên lý thuyết về hành trình của người anh hùng (The hero’s journey) của nhà thần thoại học Joseph Campbell, nhưng Vogler đã biến nó thành một công cụ hữu ích cho các nhà văn, nhà biên kịch và những nhà sáng tạo nội dung. Tức là, tác giả đã diễn giải chi tiết cấu trúc thần thoại kinh điển và hướng dẫn cách áp dụng những diễn giải ấy vào cách kể chuyện hiện đại.
Thông tin sách:
Tên sách: HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾT – The Writer’s Journey, Cấu trúc thần thoại kinh điển trong sáng tác
Tác giả: Christopher Vogler
Người dịch: Trần Minh
Nhà xuất bản Thế Giới
Đơn vị phát hành: Phương Nam Book
Năm phát hành: 2024
Khổ sách: 15,5×23,5cm
Độ dày: 549 trang
Giá bìa: 369.000 đồng.
Sách được chia làm ba phần – Quyển 1, Quyển 2 và Phụ lục. Lưu ý là tuy chia làm hai quyển và phụ lục, nhưng ấn bản chỉ là một quyển duy nhất.
Dưới đây là nội dung sơ lược từng phần để bạn đọc tiện hình dung:
Hành trình người viết – Quyển 1: Hoạ đồ hành trình
Cụ thể, Quyển 1 giới thiệu và phân tích những cổ mẫu trong thần thoại, những cổ mẫu như Anh Hùng, Sư Phụ, Vệ Thần Giữ Cửa, Sứ Giả, Bóng Tối, v.v.. Tác giả phân tích rõ các chức năng mà một cổ mẫu có thể mang để đóng góp vào hành trình anh hùng trong câu chuyện kèm ví dụ cụ thể.
Về khái niệm “cổ mẫu”, tác giả cho biết đây là thuật ngữ do nhà tâm thần học người Thuỵ Sĩ Carl G. Jung sử dụng để miêu tả những dạng nhân vật quen thuộc trong thế giới cổ tích và thần thoại. Cổ mẫu là “các hình mẫu tính cách từ thời cổ đại, là di sản chung của loài người” (tr.60).
Việc tỉ mỉ đọc về các cổ mẫu cùng đặc điểm, chức năng và các ví dụ mà tác giả nêu ra trong sách sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta – những người thường xuyên bị “khoản” xây dựng nhân vật làm đau đầu. Chẳng hạn, khi nói về cổ mẫu Anh Hùng, tác giả đã chỉ ra một “tổ hợp phẩm chất” nhằm tạo ra một nhân vật Anh Hùng “độc đáo, có chất riêng, rất người, chứ không đơn thuần là một dạng nhân vật” (tr.70).
Tổng cộng, Vogler nêu ra chín cổ mẫu với đầy đủ đặc điểm, chức năng và ví dụ minh hoạ, đủ để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng một hành trình anh hùng trọn vẹn. Vấn đề đặt ra là, liệu khi dựa vào chín cổ mẫu đó để xây dựng nhân vật, chúng ta có bị rập khuôn không?
Có lẽ, lường trước mối ưu tư này, sau khi giới thiệu chín cổ mẫu tiêu biểu và hữu dụng, tác giả đã kết thúc Quyển 1 bằng một mục gọi là “Vượt thoát khỏi cổ mẫu”. Trong mục này, tác giả nhìn nhận “mặc dù các cổ mẫu có thể dẫn dắt bạn tiến xa trên con đường hiểu về hành động của nhân vật, nhưng hẳn là vẫn còn những cách khác để sáng tạo ra các nhân vật đáng tin và hấp dẫn” (tr.136). Và, để người đọc tiếp tục sáng tạo vượt thoát khỏi cổ mẫu, tác giả liền đưa ra một số chỉ dẫn cùng câu hỏi giúp người viết hiểu nhân vật hơn. Tất cả chỉ dẫn và câu hỏi đều rất sắc sảo, xứng đáng để chúng ta đọc cẩn thận và chịu khó áp dụng.
Hành trình người viết – Quyển 2: Những chặng hành trình
Kết thúc Quyển 1, sang Quyển 2, Vogler liệt kê 12 chặng hành trình mà Anh Hùng trải qua trong chuyến phiêu lưu của mình, cùng sự xuất hiện của các cổ mẫu khác như Sư Phụ, Sứ Giả, Vệ Thần,… đóng góp cho chuyến phiêu lưu đó.
12 chặng hành trình bắt đầu từ Thế giới bình phàm, đến khi Tiếng gọi phiêu lưu xuất hiện, nhân vật Anh Hùng đưa ra Lời từ chối nhưng rồi lại Gặp gỡ Sư Phụ – người sẽ đưa ra chỉ dẫn và lời khuyên cho cuộc phiêu lưu mà Anh Hùng dù muốn hay không vẫn sẽ tham gia – và nhiều chặng sau đó nữa, cuối cùng kết thúc bằng Quay về cùng thần dược.
Trong Quyển 2 này, chúng ta sẽ biết các cổ mẫu (đã được tựu hình trong Quyển 1) làm gì ở từng chặng. Hay nói cách khác là người viết nên làm gì với các nhân vật ở từng chặng đường phiêu lưu mà mình muốn viết nên.
Giữ đúng tinh thần “nói có sách, mách có chứng” ở Quyển 1, trong Quyển 2, tác giả tiếp tục phân tích nhiều ví dụ và Phù thuỷ xứ Oz có thể xem là ví dụ đinh sẽ xuất hiện ở cuối mỗi chặng. Ngoài ra, trước khi bắt đầu một chặng mới, tác giả còn cung cấp cho người đọc một bảng Câu hỏi thực hành. Chúng ta có thể dùng những câu hỏi này để tìm hiểu sâu sát hơn về mỗi chặng đường mà nhân vật của mình sắp sửa trải qua.
Sau khi dẫn người đọc đi qua 12 chặng hành trình (và một phần vĩ thanh), tác giả tiếp tục lưu ý về việc những chỉ dẫn mà tác giả đã hệ thống lại và chia sẻ “không phải là công thức nấu ăn hay công thức toán học để áp dụng máy móc vào mọi câu chuyện” (tr.335) và hình thức câu chuyện phải đến sau chức năng, phải tuỳ thuộc vào khán thính giả hay độc giả của câu chuyện đó.
Ở nội dung tiếp theo, Vogler dành một dung lượng lớn để phân tích cách những bộ phim rất khác nhau đã áp dụng và làm mới Hành Trình Anh Hùng như thế nào. Cụ thể, tác giả đã phân tích:
– Hành Trình Anh Hùng trong Titanic của James Cameron;
– Vua sư tử và những vấn đề khác;
– Hành Trình Anh Hùng trong Chuyện tào lao (Pulp Fiction), kịch bản của Quentin Tarantino, câu chuyện của Tarantino và Roger Roberts Avary;
– Hành Trình Anh Hùng của Hình hài của nước của Guillermo del Toro;
– Hành Trình Anh Hùng trong Chiến tranh giữa các vì sao của George Lucas.
Trước khi khép lại Quyển 2, tác giả có một mục ngắn là “Hành trình người viết” – cũng là tên của quyển sách. Có lẽ tác giả thấu hiểu viết và nhất là viết ra những câu chuyện lớn lao là một việc hết sức gian lao, nên mục này giống như một lời vỗ về, động viên của tác giả, rằng chúng ta “phải giữ lấy hy vọng nhé, vì viết là phép màu” (tr.429).
Hành trình người viết – Phụ lục: Các công cụ hỗ trợ để làm chủ nghệ thuật kể chuyện
Như tên gọi, tác giả dành phần Phụ lục để cung cấp công cụ hỗ trợ người viết làm chủ nghệ thuật kể chuyện. Và phải nói trước với bạn rằng, phần Phục lục này dài cả trăm trang. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều công cụ để sử dụng đấy.
Dĩ nhiên, không bao giờ chỉ nêu công cụ mà không có thực hành, từng mục nhỏ của Phụ lục đều có bảng câu hỏi. Rất nhiều câu hỏi thực sự đáng suy ngẫm đối với một người viết hiện đại, chẳng hạn: “Tại sao các chương trình thực tế và các cuộc thi tài năng lại phổ biến như vậy? Sự thanh tẩy mà họ cung cấp là gì?” (tr.501).
Nghiêm túc suy nghĩ về những câu hỏi này và viết ra câu trả lời thấu đáo có lẽ sẽ có ích cho chúng ta trong việc mài sắc góc nhìn, nâng cao kỹ năng lập luận và óc tư duy.
Cuối cùng, trước khi dừng bài giới thiệu này, Ngày ngày viết chữ xin trích ra đây một đoạn rất truyền cảm hứng và cũng rất thực tế mà Christopher Vogler gửi gắm đến người viết:
“Khi bạn lạc lối và bối rối, hãy tin tưởng vào hành trình bạn đã chọn, hoặc chính hành trình ấy đã chọn bạn. Có những người khác đã đi trên hành trình ấy, hành trình của nhà văn, hành trình của người kể chuyện. Bạn không phải là người đầu tiên, bạn không phải là người cuối cùng. Trải nghiệm của bạn về nó là duy nhất, quan điểm của bạn có giá trị, nhưng bạn cũng là một phần của điều gì đó, một truyền thống lâu đời có từ thuở sơ khai của loài người. Mỗi cuộc hành trình đều có trí tuệ riêng của nó, câu chuyện tự biết đường đi. Hãy tin tưởng vào cuộc hành trình. Hãy tin vào câu chuyện. Hãy tin vào con đường.” (tr. 540).
Hy vọng quyển sách này sẽ có ích với quý bạn đọc trên hành trình trở thành một tác giả. Ngày ngày viết chữ trân trọng giới thiệu.