“Hoàng tử bé” qua những lần đọc
| On Th1020,2016(Ngày ngày viết chữ) Nhiều năm trước, tôi lần đầu đọc Hoàng tử bé, tác phẩm được cả thế giới ca ngợi của Antoine De Saint-Exupéry. Lúc đó đọc cũng không hiểu lắm, chỉ có cảm giác đây là một quyển sách kì lạ. Nhiều năm sau đọc lại, tôi mới hiểu vì sao quyển sách ấy kì lạ.
Chúng ta phải làm người có trách nhiệm
Ở trên tinh cầu B612 của mình, Hoàng tử bé ngày ngày dọn sạch những cây bao báp, nhổ bỏ chúng ngay khi chúng còn nhỏ. Tuy cậu không tự nói ra lí do vì sao, nhưng tác giả cũng “đoán” được và kể với người đọc rằng: nếu không loại bỏ chúng ngay từ đầu, một khi giống cây khổng lồ ấy lớn lên, chúng có thể khiến tiểu hành tinh B612 vỡ vụn. Hoàng tử bé cũng cẩn thận nạo vét các núi lửa – đã tắt và đang hoạt động – để chúng có thể cháy đượm, cháy đều, nếu không chúng sẽ phun trào gây ra bao nhiêu thứ phiền hà.
Những công việc này, bản thân tôi thấy có chút nhàm chán. Và “tẻ ngắt” là từ mà Hoàng tử bé dùng khi nói về công việc của mình. Vào thời điểm lần đầu đọc tác phẩm, tôi tự hỏi đã chán đến vậy thì sao cậu còn làm? Nhiều năm sau, tôi mới hiểu được đây là vấn đề trách nhiệm. Có những việc ta rõ ràng không muốn làm, nhưng vì đó là trách nhiệm, muốn phớt lờ cũng không được. Đối với Hoàng tử bé là trách nhiệm với tiểu hành tinh B612, cũng chính là nhà của cậu. Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến con ốc sên mỗi ngày mang cái vỏ nặng nề của mình đi đây đi kia. Cái vỏ ấy làm cho ốc chậm chạp biết bao, nhưng ốc không thể bỏ xuống. Bởi vì đó là nhà của mình, nặng mấy cũng phải mang.
Trong công việc cũng vậy. Có đôi lúc, ta cảm thấy mớ giấy tờ đang xử lí, mớ hồ sơ cần xét duyệt sao mà “tẻ ngắt”, sao mà vô vị, trong khi thế giới ngoài kia rộng lớn lắm, sao không đi khám phá? Nhưng qua câu chuyện của Hoàng tử bé, tôi nhận ra có những việc nhất thiết phải làm, nếu không sẽ dẫn đến những chuyện còn tồi tệ hơn. Giống như những cây bao báp non, nếu lơ là bỏ qua chúng, thứ mất đi chính là tinh cầu của mình. Tôi tin rằng sẽ có lúc chúng ta buông xuống được trách nhiệm, chuyển dời nó lên vai một người khác, để bản thân tự do thực hiện những nguyện vọng sâu kín nhất đời mình. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, đối với trách nhiệm của mình, chúng ta chỉ có thể gánh vác.
Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim
Xuyên suốt chiều-dài-không-dài-lắm của câu chuyện về Hoàng tử bé, nổi bật nhất có lẽ là tình yêu của cậu chàng hoàng tử và nàng hồng đỏng đảnh. Cây hoa hồng mà mỗi ngày cậu tưới nước, bắt sâu, che gió chắn sương ấy có lẽ hơi kiêu kì, hợm hĩnh một chút. Cũng vì vậy mà đến một ngày nọ, Hoàng tử bé của chúng ta nương theo những con chim di trú làm cuộc chạy trốn khỏi bông hoa ấy. Sau này, ở Trái Đất, Hoàng tử bé gặp cả vườn hồng với thiên vạn hoa hồng. Ấy thế mà nàng hồng trên tinh cầu cậu bỏ lại kia từng nói với cậu mình là độc nhất vô nhị, duy nhất nhân gian. Hoàng tử bé cảm thấy buồn xiết bao, nỗi buồn của cậu lan sang cả người đọc là tôi. Có lẽ nỗi buồn xuất phát từ cảm giác bị lừa dối. Khi điều bạn hằng tin tưởng là đúng, nguyên lai lại không phải như thế, bạn sẽ bị tổn thương và cay đắng đến dường nào. Sau này, khi đọc lại tác phẩm, tôi mới thôi chú ý quá mức đến bông hoa hồng, tập trung vào bí mật mà chú cáo nhỏ chia sẻ với Hoàng tử bé, rằng “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.”
Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử. Chính là như vậy, đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện luôn có một ý vị thâm trường nào đó mà nếu không dùng tâm để cảm, chúng ta sẽ không hiểu được. Này Hoàng tử bé, trong thiên vạn hoa hồng giống nhau, chỉ duy có hoa hồng của em là được tự tay em tưới nước, bắt sâu, che gió chắn sương, chăm sóc hàng ngày mà lớn lên, nên cũng trở thành độc nhất vô nhị! Cũng như chú cáo nhỏ tiết lộ với em về bí mật trọng yếu ấy, Trái Đất của chúng tôi có trăm nghìn con cáo, nhưng chỉ có chú cáo kia được em thuần hóa, trở thành bạn của em, và như thế chú cáo đó cũng là duy nhất trên đời.
Cuối cùng thì Hoàng tử bé cũng quay về với tiểu tinh cầu của mình, về với hoa hồng mà cậu yêu. Tôi sẽ không nói tôi buồn như thế nào vì cái phương thức có thể giúp cậu quay về đâu. Tôi chỉ nói tôi tin rằng mọi nỗi buồn đều chứa đựng một sự lãng mạn đẹp đẽ nào đó. Thế nên câu chuyện về Hoàng tử bé của Saint-Exupéry dù buồn nhưng rất đẹp, và tôi yêu câu chuyện đó.
Đó là một câu chuyện kì lạ, rõ ràng viết về thiếu nhi dành cho thiếu nhi với một ngôn ngữ giản dị, văn phong dịu dàng, dí dỏm nhưng lại chứa đựng những chiều sâu triết lí dành cho người lớn, thậm chí người lớn cũng không hiểu hết. Cho nên ngày thơ bé tôi chẳng hiểu được bao nhiêu, sau này khi đã trưởng thành một chút, trải qua nhiều chuyện một chút, đọc lại mới hiểu được một chút. Có lẽ, nhiều năm sau nữa, trong một hoàng hôn buồn bã, đọc lại tác phẩm này, tôi sẽ nghiệm ra thêm nhiều điều trước đây chưa từng nghĩ đến. Lại nói, đây chính là lí do khiến tôi không ngừng yêu thích văn học thiếu nhi, vì những tác phẩm ấy luôn có thể mang đến cho tôi những ngạc nhiên, những suy ngẫm mới mẻ qua mỗi lần đọc.
Привет! Недавно совсем я решил попробовать сделать кисло-сладкую заправку для салата. На удивление, что салатная заправка выходит просто потрясающей. Кто-нибудь готовил это? Поделитесь своими советами!