Chọn mặt gửi chữ – Làm thế nào để người viết luôn tươi khi bị đánh giá chữ nghĩa
| On Th807,2023(Ngày ngày viết chữ) Viết là một công việc nhìn chung khá cô đơn, và người viết cũng thường rất tận hưởng nỗi cô đơn đó. Thế nhưng, điểm cuối hoặc gần cuối của hành trình viết hầu như luôn cần sự hiện diện của một hoặc vài người – những người chúng ta chọn mặt để gửi chữ.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> Học viết: 7 lời mách nước dành cho bạn
>> Lập một kế hoạch viết – Cách để mình viết có kỷ luật
Ta với chúng ta
Hầu hết thời gian, người viết phải làm công việc viết lách một mình. Kể cả khi chúng ta viết chung một tác phẩm, hoặc chấp bút cho một người nào khác, thì lúc thật sự viết chúng ta cũng chỉ có “một trang giấy riêng ta với ta”. Nhưng sau khi viết xong, cái thế “ta với ta” ấy bị phá vỡ, trở thành “ta với chúng ta”. Chúng ta ở đây có thể bao gồm sếp trực tiếp, khách hàng, biên tập viên, bạn đọc,…
Một số người viết có bạn văn – một người bạn sẵn sàng đọc bản thảo giúp mình, góp ý những chỗ chưa được, khích lệ những chỗ tiến bộ, tán thưởng những chỗ toả sáng. Nhưng không phải người viết nào cũng may mắn có được một người bạn văn đáng tin cậy.
Ngày ngày viết chữ đã gặp nhiều bạn trẻ vừa chập chững bước vào nghề viết. Các bạn ấy có thể học một ngành nào đó, như kế toán, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, marketing,… Học xong rồi đi làm, công việc không liên quan đến viết lách cho lắm, và vì một lý do nào đó mà chuyển sang viết lách, thường nhất là viết content cho mạng xã hội và website cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điểm chung của các bạn là thiếu kiến thức toàn diện về tiếng Việt, yếu kỹ năng viết, không nắm được các cách xây dựng nội dung cho bài bản. Các bạn đi làm theo đúng kiểu content viết bữa nay lo bữa mai mà chúng tôi có đề cập trong cuốn sách Hôm nay phải mở mang.
Các bạn trẻ thuộc nhóm này có khi tâm sự với Ngày ngày viết chữ rằng “mỗi lần viết xong, sếp feedback là em thấy tuột mood vô cùng”.
Cái mood tuột dần
Tuột mood là một cảm giác tồi tệ. Và sẽ càng tồi tệ hơn đối với những bạn nếu mood không tốt thì không viết được, hoặc viết rất nhọc nhằn, hậm hực. Đã vậy, gì chứ đụng đến chữ nghĩa thì mood rất dễ tuột, bởi vì Xưa nay thế thái nhân tình, Vợ người thì đẹp văn mình thì hay. Bị sửa chữ nghĩa, ai mà không buồn tình! Huống hồ, không phải lúc nào người sửa bài cho mình nhận xét cũng thoả đáng.
Từng có bạn kể với Ngày ngày viết chữ là “Không hiểu sao mỗi khi sếp sửa bài xong, em đều thấy như bị rút hết sức lực. Thấy bị cạn kiệt hết năng lượng viết ấy. Em phải mất cả ngày để điều chỉnh tâm trạng lại rồi mới viết lại được”. Thậm chí có bạn còn kể “sếp em cho rằng em không hợp với nghề viết”…
Nếu mục đích của việc đem bài đi cho người khác đánh giá cũng như việc sẵn lòng đọc bài để góp ý giúp người khác là để bài viết tốt hơn, vậy thì việc để mood của người viết tuột dần sau khi nghe nhận xét là một thất bại, thất bại cho cả đôi bên.
Chúng ta phải nhớ rằng, điều kiện tiên quyết khi mình gửi gắm bài viết cho ai đó, cũng như khi mình nhận xét bài viết ai đó gửi gắm là đôi bên đều phải hài lòng. Nếu có một bên thấy không vui, việc nhận xét, đánh giá, phản hồi ấy xem như hỏng. Và nếu cảm giác không vui ấy kéo dài, nó sẽ gây hại cho sự nghiệp cầm bút.
Gần đây chúng tôi có đọc một bản thảo khá đặc sắc về nội dung và ý tưởng, nhưng vẫn còn đôi chỗ vụng về và vội vàng. Lúc phản hồi, theo lý chúng tôi hoàn toàn có thể nói ngay những chỗ vụng về và vội vàng đó. Nhưng chúng tôi chọn gượm đã, chúng tôi không phê bình ngay mà chọn trò chuyện đôi điều với tác giả, hỏi thăm nọ kia về việc dành thời gian sáng tác. Nhờ đó, chúng tôi được biết rằng chính tác giả cũng thấy bản thảo vẫn chưa “đã”, vẫn cần được viết thêm. Thật may vì chúng tôi chọn gượm đã, từ từ hẵng nói. Cứ để tác giả thoải mái viết nốt những gì tác giả muốn viết cái đã, cho thật tự nhiên, không sợ hãi, sau đó hẵng đến lượt chúng tôi.
Chúng tôi hiểu rằng, có khi nhận xét, phê bình, đánh giá là một phần công việc. Sếp của bạn tự thấy bản thân có trách nhiệm chỉ ra cái được và cái chưa được trong bài viết của bạn nên phải nói cho bạn biết. Đó là yêu cầu công việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chỉ ra cái chưa được cũng nhẹ nhàng. Người phê bình có thể dùng lời lẽ hơi gắt, còn người bị phê bình thì có thể dễ tổn thương. “Văn mình vợ người”, việc đón nhận những lời góp ý với câu chữ chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Để cái mood luôn tươi, người viết và người đánh giá nên làm gì?
Về phía người đánh giá:
1. Sẽ thật lý tưởng nếu người đánh giá đưa ra những nhận xét xác đáng hơn, gọi tên từng vấn đề trong bài viết thật cụ thể, tránh nói chung chung kiểu “anh thấy nó sao sao” ấy. Thay vào đó, hãy chỉ rõ cách dùng từ này có gì không phù hợp, cấu trúc này sai chỗ nào, cách diễn đạt này thiếu tự nhiên ra sao,… Để làm được điều này, đòi hỏi bạn phải có kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng viết lách tốt, thấu hiểu các nhóm đối tượng người đọc, v.v..
2. Cố gắng đưa ra giải pháp thay thế, gợi ý sửa đổi đồng thời chỉ rõ giải pháp, gợi ý của mình tốt hơn như thế nào.
3. Luôn ghi nhận cái được, cái tiến bộ. Ai cũng có tay thuận và tay không thuận, ai cũng có những thể loại ưu thế, những phong cách rành rẽ, và ngược lại. Cái nào tốt thì mình phải công nhận.
4. Hỗ trợ bồi dưỡng “cái tay không thuận” cho người viết. Việc góp ý, phê bình không nên dừng lại ở việc chỉ ra vài lỗi chính tả, mấy lỗi dùng từ đặt câu, thay vào đó, còn cần thúc đẩy được người viết đi xa hơn, làm cho bài viết, tác phẩm đặc sắc hơn, giúp người viết biết phải làm gì cho những bài viết tiếp theo. Có như thế mới thực sự là “thầy của người viết”.
5. Cố gắng phê bình bài viết, không phê bình con người cá nhân.
6. Luôn tạo cơ hội cho người viết giải thích, phản hồi, rằng tại sao họ lại viết như vậy. Hầu hết người viết đều có bản năng tốt hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta chỉ cần học cách tin tưởng họ. Nếu chỉ có mình đánh giá và khăng khăng những nhận xét đó là đúng, vậy thì vẫn chưa thoả đáng. Chúng ta phải hiểu rằng, nguyên tắc của việc phê bình, góp ý là cả hai đều phải “đồng thuận về mọi điểm”.
Về phía người viết:
1. Có quyền làm theo hoặc không làm theo ý kiến đóng góp, nhưng trước hết phải lắng nghe. Gác lại cái tôi và nghiêm túc lắng nghe, sau đó quyết định theo hoặc không theo cũng chẳng muộn.
Nếu người nhận xét cho bạn là một biên tập viên, hoặc một người làm công việc viết lách chuyên nghiệp, thì phần lớn các trường hợp là mình nên nghe và làm theo, không theo hoàn toàn thì cũng nên theo đôi chút. Bởi vì họ thường sẽ cân nhắc được nhiều trường hợp mà có thể bạn không tính đến. Lời khuyên của họ luôn rất hữu ích và về lâu về dài, bạn sẽ thấy đóng góp của họ đã giúp tác phẩm của bạn đi rất xa.
2. Người duy nhất có thể đưa ra quyết định cho bài viết, cho tác phẩm, cho câu chuyện của bạn là bạn. Quyết định của bạn có thể đúng, hoặc có thể sai, nhưng chúng phải dựa trên những gì bạn thành thật cảm thấy là phù hợp, chứ không phải dựa trên ý kiến của người khác, bất kể họ có thể hữu ích, có thiện chí hay có học thức đến đâu. Nếu bạn đủ may mắn để có một người bạn văn, một người sếp tốt, một biên tập viên giỏi, hãy lắng nghe họ, nhưng cũng đừng quên lắng nghe chính mình.
3. Nếu cách nhận xét, đánh giá bài viết khiến mình không vui, khiến mình sa sút tinh thần, phải nói ngay điều đó với người nhận xét. Lựa lời mà nói, qua một email tâm tình, hoặc qua một chầu cà phê rủ rỉ với nhau, cách gì cũng được, nhưng tốt nhất là nên nói, đừng ôm bụng sầu một mình rồi mọi chuyện cũng chẳng tươi sáng lên được bao nhiêu.
4. Thông thường, từ chối và phòng thủ sẽ là phản ứng đầu tiên của chúng ta đối với lời chỉ trích của người khác. Nhưng chúng ta phải luôn hiểu rõ, sở dĩ chúng ta như vậy là vì đối phương nhận xét không thoả đáng hay là chẳng qua chúng ta quá kiêu hãnh, quá dễ tự ái mà thôi.
5. Cùng một vấn đề câu chữ, không được phạm lại lần hai. Không có ai dễ chịu khi thấy cùng một lỗi mà mình mắc đi mắc lại hoài cả. Ví dụ nếu mình nhầm lẫn chính tả, như “cổ xuý” mà nhầm thành “cổ suý”, vậy thì phải tự nhắc bản thân lần sau khi viết chú ý âm “s – x”, rộng hơn là tất cả các phụ âm đầu dễ nhầm lẫn như “d – gi”, “tr – ch”,… mình cũng cần phải chú ý.
Hy vọng các bạn viết ra được những bài viết, những tác phẩm hay. Càng hy vọng bạn gặp được một đối tác đáng tin cậy để mình an tâm gửi chữ.