Học cách viết một bài luận ngắn qua bài “Đọc Xứ Đông Dương – Hồi ký của Paul Doumer” của Nguyễn Xuân Khánh
| On Th1002,2022(Ngày ngày viết chữ) Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn kiêm dịch giả mà rất nhiều lần Ngày ngày viết chữ khuyến khích học viên của mình đọc để học hỏi cách viết. Câu chữ của ông rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, đọc đến đâu hiểu đến đấy.
Một số tác phẩm văn chương nổi bật của ông có thể kể đến là Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly, Chuyện ngõ nghèo,… Và một số tác phẩm dịch tiêu biểu như Tâm lý học đám đông, Bảy ngày trên khinh khí cầu, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất,…
Tất cả những công trình này đều đáng đọc. Tuy nhiên, chúng nhìn chung đều là những quyển sách tương đối dày, có thể với những bạn mới đọc-để-học-viết sẽ khó thẩm thấu. Vậy nên Ngày ngày viết chữ biên bài này, giới thiệu với bạn đọc một bài viết ngắn của Nguyễn Xuân Khánh, đồng thời phân tích một số chỗ rất đáng học hỏi của bài viết, hy vọng có thể ít nhiều giúp ích cho bạn đọc trong việc bồi dưỡng ngòi bút.
Bài viết này có tiêu đề là Đọc Xứ Đông Dương – Hồi ký của Paul Doumer. Bài viết được viết vào tháng 12/2015 và in trong quyển “Xứ Đông Dương” (hồi ký của toàn quyền Paul Doumer do Omega+ và NXB Thế Giới phát hành) như một lời giới thiệu cuốn sách.
Dưới đây là nguyên văn bài viết kèm một số phân tích nhỏ của Ngày ngày viết chữ. Bạn nên đọc cột bên trái trước để nắm trọn vẹn nội dung và tinh thần của bài viết, sau đó hẵng đọc kết hợp với cột bên phải.
Nguyên văn bài viết | Một số phân tích nhỏ |
---|---|
Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương trong các năm 1897 – 1902. Sau ông làm Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932. Ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát năm 1932. Cuốn hồi ký Xứ Đông Dương là cuốn sách viết riêng về giai đoạn ông ở Đông Dương. | Bài viết mở đầu bằng việc tóm tắt các mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời Paul Doumer và giới thiệu ngắn gọn cho tác phẩm Xứ Đông Dương. Vì ở trên tác giả đã viết “Ông làm Toàn quyền Đông Dương trong các năm 1897 – 1902” nên khi giới thiệu tác phẩm, Nguyễn Xuân Khánh chỉ nêu vỏn vẹn một câu “Cuốn hồi ký Xứ Đông Dương là cuốn sách viết riêng về giai đoạn ông ở Đông Dương” là đã đủ ý. |
Là con của một công nhân đường sắt, Paul có một tuổi thơ vất vả, 12 tuổi đã phải tự mình kiếm sống bằng nghề thợ khắc. Nhưng ông là một người rất có nghị lực và ý chí học tập. Năm 20 tuổi, ông đỗ cử nhân toán rồi sau đó đỗ cử nhân luật và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Ông tham gia đảng cấp tiến và từ nhà báo trở thành nghị sĩ của đảng cấp tiến. Ông cũng có mối quan hệ rộng với các đoàn tài chính, công nghiệp lớn của Pháp. | Phần tiếp theo, Nguyễn Xuân Khánh nói về thời trẻ của Paul Doumer – vẫn tiếp tục dùng những câu rất ngắn. Câu cú ngắn gọn luôn là một đặc điểm nổi bật của văn chương Nguyễn Xuân Khánh, rất đáng học hỏi. Những thông tin thời trẻ này có tác dụng làm nền tảng cho những hiểu biết về con người cá nhân của Paul Doumer, giúp bạn đọc khi đọc Xứ Đông Dương sẽ hiểu rõ hơn về tác giả cuốn hồi ký. |
Năm 1895, ông là Bộ trưởng Tài chính Pháp. Năm 1897, sau khi Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau bị bệnh chết ở thuộc địa, chính phủ Pháp cử Paul Doumer sang tiếp tục công việc của Armand. Từ đấy Đông Dương chuyển sang một bước ngoặt lớn. | Đoạn này nói rõ nguyên nhân Paul Doumer đến Đông Dương. |
Paul là một Toàn quyền vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn. Ông ép triều đình nhà Nguyễn phải đóng cửa Nha Kinh lược để tập trung quyền lực vào tay Toàn quyền. Ông muốn Bắc Kỳ và Trung Kỳ phải chuyển sang chế độ trực trị chứ không phải chế độ bảo hộ. Ông dứt khoát chia Đông Dương ra làm năm xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên – với chiến lược chia để trị. | Một thủ pháp đáng học hỏi của đoạn này là: Đưa ra nhận định → giải thích, chứng minh cho nhận định đó. Nguyễn Xuân Khánh đưa ra nhận định “Paul là một Toàn quyền vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn”. Sau đó, ông dùng ba câu tiếp theo để giải thích, chứng minh cho nhận định đó. Đây có vẻ là một thủ pháp dễ, cũng rất hiển nhiên, đến mức có lẽ chẳng đáng gọi là thủ pháp. Thế nhưng rất nhiều bạn lúc mới học viết thường mắc sai lầm cơ bản là chỉ đưa ra nhận định rồi “đem con bỏ chợ”, không giải thích, chứng minh gì thêm. |
Dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng, kiến thiết ào ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ của công nghiệp Pháp, đồng thời muốn khai thác triệt để tài nguyên từ Đông Dương. Muốn thế phải có bến cảng, đường sá, cầu cống… Chính trong thời gian này, cầu Doumer – sau này đổi tên thành cầu Long Biên, được xây dựng. Cây cầu này được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy. Cũng thời gian này Doumer còn cho xây dựng cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn. Ông xây dựng cảng Hải Phòng, thiết kế xây dựng đường sắt Đông Dương nối với Vân Nam. Tuyến đường sắt này mãi đến 1937 mới hoàn thành. Ông nhiệt tình với việc xây dựng đến nỗi báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt. | Đoạn này cũng tương tự đoạn trên. Tác giả đưa ra nhận định “Dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng, kiến thiết ào ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ của công nghiệp Pháp, đồng thời muốn khai thác triệt để tài nguyên từ Đông Dương” và dùng những câu tiếp theo để làm rõ hơn cho những nhận định ấy. Một điểm nhỏ cũng cần được học hỏi là cách viết câu: “Chính trong thời gian này, cầu Doumer – sau này đổi tên thành cầu Long Biên, được xây dựng”. Phần phụ chú “sau này đổi tên thành cầu Long Biên” (cũng như mọi phần phụ chú khác) có tác dụng cung cấp thêm thông tin, giúp hiểu biết của người đọc thêm tròn trịa. Nói chung, bên cạnh thành phần nòng cốt câu, người viết cũng nên chú ý những thành phần phụ, thành phần ngoài nòng cốt, chúng sẽ giúp văn bản của mình được đầy đặn hơn. Câu cuối của đoạn này, “Ông nhiệt tình với việc xây dựng đến nỗi báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt” cũng là một câu đáng học hỏi. Đây chỉ là một thông tin bên lề, một kiểu thông tin có tác dụng “giải trí” nhưng đồng thời cũng làm cho đoạn văn thêm giá trị. Câu này chứng minh được lòng say mê phát triển đường sắt của vị toàn quyền Đông Dương. |
Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng, hình thành nên những đồn điền cao su tạo hàng hoá xuất khẩu. Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện. | Tiếp tục nói về vai trò của Paul Doumer và những chính sách tạm xem là có lợi cho sự phát triển của thuộc địa về sau. |
Công bằng mà nói, ông đã làm được rất nhiều việc cho xứ Đông Dương. Ông là một nhà cai trị, một nhà kinh tế giỏi, nhưng trước hết ông là một nhà yêu nước chân chính. Ông yêu nước Pháp – tổ quốc ông với tình yêu nước nồng nàn. Trong Thế chiến thứ nhất, ông có năm con trai thì bốn người gia nhập quân đội và hy sinh cho tổ quốc. Với lòng yêu nước nhiệt thành ấy, khi làm Toàn quyền Đông Dương, ông muốn lá cờ tam tài của nước Pháp phải được bay cao ở châu Á, làm rạng danh cho đất nước. Do vậy, ông muốn Đông Dương thuộc địa của Pháp phải được phồn vinh – phồn vinh để phục vụ nước Pháp. Ông muốn Đông Dương phát triển – phát triển để trở thành thị trường cho nền công nghiệp Pháp. Ông biết công cuộc chinh phục đã xong và bây giờ là lúc phải khai thác thuộc địa. Muốn khai thác hiệu quả thì phải hiện đại hoá xứ Đông Dương, biến nó thành mảnh đất thực sự của người Pháp. Để làm thế thì phải trực trị, không cho An Nam thống nhất, mà chia thành ba phần tách khỏi nhau. Để thực hiện được mưu đồ ấy, thực hiện kế hoạch ấy thì phải có tiền, tức là phải khai thác, bóc lột thuộc địa và người dân phải đóng góp, phải chịu sưu cao thuế nặng. | Đánh giá nhân vật dưới góc nhìn công tâm. Tương tự những đoạn trên, Nguyễn Xuân Khánh đưa ra nhận định rằng Paul Doumer “đã làm được rất nhiều việc cho xứ Đông Dương” và diễn giải để làm rõ nhận định đó bằng việc phân tích căn nguyên, lý do của những hành động của vị quan toàn quyền. |
Paul Doumer là một tay thực dân chính cống, ông hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hoá, Tây phương hoá. Một đất nước theo kiểu Tây phương được công nghiệp hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá đã manh nha hình thành. | Đến đây là đoạn kết luận chung về con người Paul Doumer, về những gì ông ấy đã làm được cho đất nước của mình cũng như những tác động đến xứ thuộc địa. Đến đây là hết phần nội dung về con người Paul Doumer. Ở phần tiếp theo, Nguyễn Xuân Khánh đi vào giá trị của cuốn Xứ Đông Dương. |
Những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam của người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ… xưa nay không ít. Lẽ dĩ nhiên, là sách của đối phương nên cách nhìn bao giờ cũng đối nghịch với quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu biết so sánh đối chiếu, nếu phê phán có chọn lọc thì đó sẽ là nguồn tài liệu đáng quý, giúp ta nhìn nhận sự việc được khách quan hơn. Viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các nhà sử học của Việt Nam cũng từng sử dụng những nguồn tư liệu của phương Tây khá hiệu quả. Cụ Hoàng Xuân Hãn lúc viết cuốn Lý Thường Kiệt cũng dùng khá nhiều tài liệu của Trung Quốc. Do vậy cuốn Xứ Đông Dương của Paul Doumer đối với chúng ta là một tài liệu tham khảo rất đáng quý. | Từ đoạn này trở đi, Nguyễn Xuân Khánh tập trung vào việc giới thiệu cuốn hồi ký của Paul Doumer. Để bắt đầu, tác giả đã dùng thủ pháp liên hệ những nhân vật khác, những sự kiện khác trong một mối tương quan nhất định để làm rõ ý nghĩa, giá trị của cuốn Xứ Đông Dương. Mở rộng, liên hệ, so sánh thêm cũng là một cách để bài viết của mình thêm phần sinh động, lập luận thêm phần chắc chắn. |
Thời điểm Pháp xâm chiếm nước ta, những cuốn sách của các tướng lĩnh Pháp là một nguồn tài liệu tham khảo về quân sự. Riêng cuốn Xứ Đông Dương, theo tôi, còn quý hơn vì nó là một cuốn sách có thể nói là hiếm hoi, của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa, thời kỳ kinh tế thuộc địa. | Tiếp tục nói về giá trị của cuốn sách, về điều mà cuốn sách có thể mang đến cho bạn đọc trong khi những cuốn khác chưa làm được. Đây chính là cách người viết đưa ra điểm độc đáo của sản phẩm, một kiểu “lợi điểm bán hàng độc nhất” (Unique Selling Point – USP) trong tiếp thị. |
Nói chung, cuốn hồi ký có ích rất nhiều cho những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học… nhất là những ai quan tâm tới giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa. | Đoạn này khoanh vùng một số nhóm độc giả nên đọc cuốn sách. Cách viết là nêu cụ thể từng nhóm trước (“những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học…”) sau đó mở rộng ra nhóm đối tượng chung chung (“những ai quan tâm tới giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa”). Sản phẩm, dịch vụ của mình cần thiết cho những ai luôn là một thông tin rất cần được cung cấp đầy đủ. |
Vì là một cuốn sách hồi ký nên cuốn sách khá hấp dẫn. Tôi đã đọc nó, say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết. Tác giả, với lối hành văn đẹp đẽ giàu hình ảnh, đã khắc hoạ khá chân thực và sinh động chân dung của vua Thành Thái, vua Norodom, tổng đốc Trần Bá Lộc… cũng như giúp cho độc giả dễ dàng hình dung bối cảnh Đông Dương ngày ấy, địa hình, khí hậu, sản vật và con người. | Đoạn này giới thiệu những ưu điểm phụ của cuốn sách – bên cạnh những ưu điểm chính, những lợi ích và giá trị quan trọng đã được đề cập ở trên. Vận dụng vào bài viết giới thiệu sản phẩm, dịch vụ khác, chúng ta hãy ghi nhớ điều này: Ngoài những ưu điểm và giá trị lớn, gần về cuối bài, chúng ta cũng nên dành ít dòng để nói về những điểm sáng nhỏ. Điều này có thể giúp cho người đọc hình dung hoàn chỉnh hơn về sản phẩm, dịch vụ của mình. |
Nhận xét, từ những năm đầu thế kỷ XX, của vị toàn quyền Đông Dương về người Việt, rằng: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh.” Người An Nam “thông minh, cần cù, và dũng cảm”… cũng đồng quan điểm với rất nhiều nhận định của thế giới sau này khi đánh giá về năng lực, khả năng học hỏi, lòng quả cảm của người Việt. Chắc chắn nó có phần nào sự vô tư trong đó. | Để kết bài, Nguyễn Xuân Khánh trích dẫn một câu trong sách. Việc dùng trích dẫn để kết thúc bài viết cũng là một cách hay, chúng ta có thể thử vận dụng khi không biết nên kết bài như thế nào. Ngoài ra, một bài luận thông thường cũng nên có trích dẫn (từ người khác, bài viết/tác phẩm khác). Như vậy, bài viết của chúng ta có thể trở nên đa chiều hơn. Nhưng cần nhớ là cũng không nên trích dẫn quá dài hoặc quá nhiều. |
Chúng ta có thể thấy rằng, bài viết Đọc Xứ Đông Dương – Hồi ký của Paul Doumer có một bố cục rất rõ ràng. Phần đầu nói về tác giả cuốn hồi ký và vai trò, đóng góp của ông ấy, giúp người đọc hình dung vì sao Paul Doumer là một nhân vật quan trọng. Phần sau nói về cuốn sách và những giá trị của nó, giúp người đọc hiểu rõ vì sao cuốn sách này đáng đọc.
Bài viết gồm 1.271 từ (không kể tiêu để) chia thành 56 câu, trung bình chưa tới 23 từ (đơn)/câu. Đây là độ dài câu hết sức lý tưởng, không quá ngắn không quá dài. Với độ dài này, bài viết không khiến người đọc thấy câu bị cụt lủn, càng không khiến người đọc cảm thấy bị rối ren.
Trên đây là một số phân tích nhỏ, hết sức sơ bộ của Ngày ngày viết chữ, hy vọng có thể giúp ích đôi chút cho công cuộc mài bút của bạn đọc.