Học viết những câu văn ngắn
| On Th718,2023(Ngày ngày viết chữ) Lúc bắt đầu học viết, chúng ta nên cố gắng học cách viết những câu văn ngắn gọn, từng ý từng ý rành mạch. Đừng nhồi nhét cho câu chữ dài dòng, đừng diễn đạt lê thê khiến đoạn văn thêm rối ren. Chúng ta phải thừa nhận rằng, câu văn đâu ra đó rõ ràng chắc chắn giúp người đọc cảm thụ tốt hơn hẳn.
Trong sách Hôm nay phải mở mang, chúng tôi có khuyến khích bạn đọc nên viết những câu ngắn. Tại sao lại là câu ngắn? Có hai lý do:
– Một là, câu ngắn thì tốt cho người viết vì viết đỡ sai.
– Hai là, câu ngắn thì tiện cho người đọc vì đọc đỡ mệt.
Cũng trong sách ấy, chúng tôi có dẫn một số đoạn văn mà tác giả viết câu khá là ngắn. Bài viết này xin dẫn lại các đoạn ấy kèm một số đoạn mới mà gần đây chúng tôi nhặt nhạnh được. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn học hỏi được đôi chút về kỹ thuật viết câu ngắn.
Các bạn có thể tìm hiểu về cuốn Hôm nay phải mở mang – một cuốn sách của Ngày ngày viết chữ dành cho người học và làm nghề viết tại đây.
1. Một hôm, lớp học của tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Đầu tiên không ai để ý cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người luôn đi học sớm. Điều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp, thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo nó, rình. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng biết. Nó chỉ cắm cúi đi.
~ Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
2. Khi viết khổ cuối của bài thơ, trong đầu tôi hiện ra gương mặt của con Tủn. Nó thờ ơ với tôi suốt thời thơ bé để mù quáng chạy theo Hải cò. Chỉ đến khi gần ba mươi tuổi, chuẩn bị đi lấy chồng, nó mới thú thật với tôi hồi đó nó không dám bám theo tôi chỉ vì nó thích tôi. Khi nghe nó nói vậy, tôi không hiểu được ngay. Không phải chuyện gì cũng có thể dùng lý trí để hiểu. Lúc đó tôi chỉ có cảm giác bị ai nện búa vào đầu. Hình như có những thứ chỉ có thể hiểu được bằng nỗi đau?
~ Nguyễn Nhật Ánh, Cảm ơn người lớn
3. Người nho nhanh nhẹn đón tờ giấy, và cũng đọc. Đọc xong, hắn làm một việc rất dung dị, là mở hòm ấn ra, gí cái kiềm vào hộp son, và áp nhẹ xuống giấy. Đoạn, tay phải hắn cầm giấy, nhưng chìa tay trái ra trước mặt Pha và không nói gì cả. Cái cử chỉ ấy, hắn cho là rất tự nhiên, ai cũng hiểu, thì Pha lại không hiểu. Pha thò tay toan cần lấy tờ giấy, nhưng tức thì hắn rụt tay trái lại, và hất hàm bảo:
– Đưa đây.
Pha ngơ ngác. Vì chỉ anh nho mới phải đưa giấy cho anh, chứ anh có phải đưa gì đâu.
~ Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng
4. Anh đã chịu đựng tất cả những nôi đau đớn âm thầm ấy, không một lần hé răng oán thán. Nhưng lúc này, cái lúc anh gần chết mà vợ anh không đoái tưởng đến anh một chút, anh thấy nghẹn ngào, uất ức. Cổ anh tắc lại. Hơi thở bị nghẽn một lúc rồi lại bật được ra, dốc lên hơn trước. Ngực anh như có một phiến đá nặng đè lên. Chân tay anh lạnh toát đi. Người anh bộn rộn, bồi hồi. Mồ hôi lạnh dâm dấp trán. Đờm kéo lên sòng sọc trong cuống họng. Anh chết mất! Anh chết mất! Anh không còn thở được…
~ Nam Cao, Điếu văn
5. Những chuyện tưởng chừng như vớ vẩn ấy lại làm cho Nguyệt thấy vui. Và hai chị em càng ngày càng thêm thân thiết. Cả những chuyện về thầy giáo Hải cũng góp phần vào để tăng thêm tình thân ấy. Nguyệt thì ôn lại những kỷ niệm về thời thơ ấu của An. Huệ thì nói lại về thầy giáo Hải vốn là hàng xóm với gia đình em. Mang tiếng là vợ sắp cưới của thầy giáo, nhưng sự thực Nguyệt có biết gì nhiều lắm về Hải đâu. Hai người có cùng những người thân quen. Và sự kể lể về những người thân quen ở xa ấy tạo nên những sợi dây vô hình gắn bó hai cô gái lại với nhau.
~ Nguyễn Xuân Khánh, Đội gạo lên chùa
6. Còn Pierre, anh vẫn đứng nguyên. Tại sao không xuống, anh cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng lúc đó Pierre thấy rất thoải mái khi đứng ở trên cao. Có cái gì đó làm lòng anh bức bối. Ở trên cao, anh thấy mình được giải toả, được sổ lồng. Rồi không biết có cái gì thúc đẩy trong lòng, không biết có cái gì bỗng làm anh phấn hứng vô cùng, để rồi anh làm một động tác, mà những lúc bình thường anh sẽ tự chế giễu mình là lố lăng.
~ Nguyễn Xuân Khánh, Mẫu thượng ngàn
7. Trên từng mâm còn có bánh đa giòn. Màu sắc và hương vị đều hấp dẫn. Baru và các sĩ quan Binh đoàn 100 được mời ngồi riêng ở một chiếc bàn đặt phía trước. Vị trưởng tộc khăn đen áo dài đứng lên mời khách bẻ bánh đa khai vị với rượu nếp. Tiếng bẻ bánh đa nghe rôm rốp, tiếng nhai lạo rạo. Tất cả vui cười. Trên địa cầu này, ít có bữa tiệc nào vừa đông đủ vừa vui rộn như vậy. Khách không quen cầm đũa và cơm. Nguyễn Giới đứng lên hướng dẫn Baru và khách cách cầm đũa, gắp thịt chấm mắm, chan canh, lùa, húp. Khách vừa nhìn Nguyễn Giới vừa làm theo. Bắt đầu là các món nem. Rồi đến món bánh cuốn. Phải cuốn những lát thịt lợn thái mỏng vào bánh đa mềm, kèm với rau sống, chấm mắm rồi cắn nhai. Sau món cuốn đến món mì. Cuối cùng mới thực sự đến món cơm canh. Nhiều khách gật đầu bảo món ăn Việt nam thơm ngon vào loại nhất thế giới. Có một vị khách đã lập được thành tích lớn trong buổi tiệc. Dạ dày của anh chứa nổi tám bát cơm canh, chưa kể mì, mọc với quả tráng miệng.
~ Võ Quảng, Kinh tuyến và vĩ tuyến
8. Gô nước đang reo thì Bin ngồi dậy, nét mặt cậu đã trở lại bình thường. Bin đưa chiếc khăn mặt đẫm máu cho tôi. Tôi chụm củi tập trung dưới ống cóng rồi xuống suối giặt khăn. Một loáng nước hồng hồng máu vừa loang khi tôi nhúng khăn xuống suối. Tôi khoát mạnh tay rồi vò thật kỹ, đầu tôi lại nghĩ tới thằng Thướng và những con ốc. Thôi, tranh thủ trời chưa tối hẳn, ta mò một cóng ốc, lên luộc cái đã. Rồi sẽ tính sau. Tôi vừa nghĩ vừa luồn chân xuống những kẽ đá ven bờ thăm dò. Đúng là ốc chỗ này nhiều thật.
~ Trung Trung Đỉnh, Lạc rừng
9. Ngày ấy cha tôi đang ho ra máu. Những đồ đạc đáng tiền trong nhà bán gần hết. Nhà tôi lại ở nhờ người bác họ. Mẹ tôi dọn hàng rau đậu ở chợ Rồng rục rịch bỏ chỗ cho người khác. Các vòng kê và thúng mẹt càng về cuối chiều càng lỏng chỏng với mấy mớ tỏi, cần tây, cà chua, đỗ úa héo… Quá trưa rồi mẹ tôi vẫn chưa về nhà. Gian buồng cha tôi quanh năm mờ mờ và ẩm nhớp vì không có cửa sổ cửa trần gì cả. Còn giường thì hàng năm giặt chiếu phơi màn vài ba lần.
~ Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn
10. Ngày xưa, miền nam nước Việt nam, có một thằng bé gọi là “thằng Quấy”. “Quấy” là tên người ta đặt cho nó. Người ta gọi nó như thế từ bao giờ, nó không biết. Nó ở đâu đến, ai sinh ra nó, nó cũng không hay. Nó chỉ biết một điều là nó đi ở cho Chúa làng. Chúa làng rất ác. Ruộng nương của dân, Chúa làng chiếm hết. Dân có hoa quả, bánh trái, vải vóc, của ngon vật lạ đều phải biếu Chúa làng. Ai không biếu, Chúa làng giận, cầm ngọn mác nhọn đâm suốt từ bụng sang sau lưng.
~ Nguyễn Huy Tưởng, Thằng Quấy
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chúng ta dĩ nhiên hoàn toàn có thể viết những câu văn dài. Trong Hôm nay phải mở mang, chúng tôi cũng nói rõ rằng “việc khuyến khích viết những câu ngắn là nhằm mục đích giúp người viết dễ viết và người đọc dễ đọc chứ không phải là phản đối việc viết câu dài. Đôi khi, vì một thủ pháp nghệ thuật nào đó, hoặc vì những ngữ, những vế trong câu rất dài, không thể viết ngắn được, chúng ta vẫn phải viết câu dài.”
Cho nên, phải hiểu rằng việc ưu tiên câu văn ngắn không đồng nghĩa với việc phải triệt tiêu những câu văn dài. Chỉ cần mình viết đúng thì ngắn hay dài gì cũng được. Có điều, so sánh giữa câu văn ngắn và câu văn dài thì câu văn ngắn sẽ thuận tiện nhiều bề hơn.