Hệ thống tiêu chuẩn cốt lõi của một bài viết (dùng cho mọi thể loại)
| On Th406,2021(Ngày ngày viết chữ) Đây không phải là một “hệ thống” lớn lao, đây là một hệ thống nhỏ thôi, và hết sức cốt lõi mà bạn có thể áp dụng cho mọi bài viết của mình.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> 18 điều tự răn khi viết của Trường Chinh
Đảm bảo hình thức
Trong một giây đầu tiên khi ai đó nhìn vào một bài viết, họ đều nhìn bài viết đó như một bức ảnh. Điều này đúng với các bài báo, các bài trên website doanh nghiệp, các dòng thông tin ngắn trên mạng xã hội và cả mọi e-mail.
Do đó, việc đầu tiên cần phải lưu ý trước khi “xuất bản” một thông tin là đảm bảo hình thức thật hài hòa. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là vừa viết vừa sửa. Sẽ mất nhiều thời gian nếu vừa viết vừa sửa. Cách tốt nhất là cứ viết ra hết các ý, sau đó chỉnh sửa lại là được.
Trở lại với việc đảm bảo hình thức thật hài hòa, có mấy điều cần lưu ý sau:
1. Có lỗi chính tả / lỗi đánh máy không?
2. Có lỗi dấu câu không?
3. Có lỗi viết hoa không phù hợp không?
4. Font chữ có dễ đọc không? Có bị lỗi font trên các thiết bị khác nhau không?
5. Canh lề như vậy đã ổn chưa?
6. Hình ảnh và chú thích ảnh có ngay ngắn không?
7. Bài viết đã được chia đoạn phù hợp chưa?
Về tầm quan trọng của việc viết đúng chính tả, chắc chắn không cần phải bàn cãi. Đối với dấu câu, một số người viết có thói quen chấm bốn năm chấm thay vì ba chấm. Một số khác thì có thói quen mở ngoặc rồi đánh một khoảng trắng sau đó mới viết tiếp. Tất cả những lỗi này ít nhiều sẽ làm giảm độ hảo cảm của người đọc đối với bài viết.
Về việc viết hoa, nguyên tắc là chỉ có danh từ riêng mới viết hoa. Ngoài ra, những danh từ chung nhưng được dùng có ngụ ý cũng có thể viết hoa, chẳng hạn để bày tỏ lòng tôn kính thì người ta có thể viết hoa chữ Cha, chữ Mẹ, chữ Thầy tùy trường hợp. Nhưng nhìn chung, lạm dụng việc viết hoa quá mức có thể khiến người đọc bối rối.
Đối với việc canh lề, đa số các trường hợp như trên website, mạng xã hội, e-mail,… đều là canh lề trái. Còn đối với các trường hợp bài viết dài và được trình bày trên Word, tốt nhất vẫn là canh đều hai bên. Điều này tạo cho bài viết sự chỉn chu và dễ chịu hơn.
Phần đông người đọc sẽ thấy áp lực trước một đoạn văn quá dài. Do đó, chúng ta cần tập chia đoạn. Thông thường một đoạn chừng bốn đến sáu câu là vừa. Đối với văn chương, sự giới hạn này có thể không áp dụng được nhưng dẫu sao, nguyên tắc chung là vẫn nên viết những đoạn văn vừa phải thôi, cho người đọc dễ theo dõi.
Chăm chút nội dung
Nếu hệ hống này được phân thành hai thành tố lớn là hình thức và nội dung, vậy thì trong nội dung sẽ có một vài thành tố nhỏ như sau:
Thứ nhất là dùng từ đúng nghĩa.
Chúng ta nên tập quen dần với việc dùng từ cho đúng và cho trúng. Những từ đồng nghĩa hay gần nghĩa không phải lúc nào cũng thay thế được cho nhau. Một ví dụ gần gũi là mặc dù “tìm” với “kiếm” khá giống nhau về nghĩa, nhưng chúng ta chỉ có thể nói “đi làm kiếm tiền” chứ không thể nói “đi làm tìm tiền”.
Việc dùng một từ chuẩn xác để gọi tên hoặc diễn đạt những điều cần viết là tối quan trọng để người đọc có thể hiểu chính xác những gì người viết muốn nói. Từ điển là một công cụ hữu ích và chứa nhiều thông tin giá trị, thậm chí là bất ngờ, nhưng nhiều khi lại không được đánh giá đúng mực. Hãy luôn sẵn sàng tra từ điển. Từ điển của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên có lẽ là từ điển tốt nhất hiện nay. Trang soha.tratu.vn cũng khá tốt, nó dường như được dẫn lại từ Từ điển Hoàng Phê.
Thứ hai là viết câu đúng ngữ pháp.
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Điều đó đúng, nhưng không hoàn toàn. Ngữ pháp tiếng Việt rất thú vị.
Một hãng quảng cáo xốt Mayonnaise có câu khẩu hiệu là “Hãy cùng chúng tôi ăn nhiều rau hơn”. Hãy thử đổi trật tự một chút, sửa thành: “Hãy cùng chúng tôi ăn rau nhiều hơn”, ý nghĩa của câu khẩu hiệu đã thay đổi.
Có nhiều cơ chế khác nhau, nhưng trật tự từ là một cơ chế quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt. Bên cạnh đó, vấn đề chủ – vị hay đề – thuyết cũng cần được tìm hiểu cho đúng mực. Vấn đề này sẽ được bàn trong một, hoặc vài bài viết tương xứng với tầm quan trọng của nó.
Thứ ba là tạo thêm sắc thái.
Đảm bảo được các yếu tố trên nghĩa là chúng ta đã đảm bảo được bài viết đúng. Và muốn có bài viết hay, chúng ta phải tạo thêm sắc thái cho bài viết nữa.
Nói cách khác, chúng ta phải trả lời câu hỏi bài viết này tạo ra cảm xúc gì cho người đọc? Buồn cười, thán phục, khoái chí, nhiệt liệt đồng tình? Nếu bài viết này không thể tạo ra bất kỳ cảm xúc nào, e là nó sẽ khó mà đi vào lòng người đọc.
Về các mẹo nhỏ để bài viết của mình dễ đi vào lòng người đọc hơn, nhất là đối với việc viết content marketing, bạn có thể tham khảo bài viết này.
Trở lại với vấn đề sắc thái, nhiều người sẽ gọi đó là giọng văn. Giọng văn của bạn như thế nào? Có dí dỏm không, có lém lỉnh không, có giàu kịch tính không? Nhiều bạn có giọng văn hơi u buồn. Một vài bạn khác lại còn có khiếu kể những chuyện u buồn bằng một giọng văn dí dỏm.
Có trăm ngàn sắc thái, hay giọng văn khác nhau, tùy thuộc vào người viết thôi. Sẽ có bạn hỏi, làm thế nào để văn của mình có sắc thái, có phong cách, có cá tính, vân vân. Về điểm này, có lẽ không có con đường nào ngoại trừ viết đều đặn hơn. Thông qua việc mỗi ngày viết một ít, ta dần dần hình thành được giọng văn cho mình.
Nghề viết, cơ bản là nghề dạy nghề, là ném đá dò đường, viết một bài uốn nắn một lần, nhiều bài thì thành ra có phong cách rõ rệt và ổn định.
Để học cách viết có sắc thái, chúng ta nên chăm chỉ đọc những tác giả có sắc thái mà chúng ta muốn hướng đến. Có người nói đọc nhiều lỡ bị những tác giả đó ảnh hưởng thì sao. Điều này là lẽ tất nhiên, nên chúng ta không cần phải lo lắng. Đọc đủ nhiều, viết đủ nhiều chắc chắn sẽ học hỏi được, gạn đục khơi trong được và hình thành phong cách riêng được.
Cũng phải nói thêm rằng, các biện pháp tu từ rất hữu ích trong việc gia tăng sắc thái cho bài viết. Bạn nên vận dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, liệt kê, điệp, cường điệu, chơi chữ, ẩn dụ,… để bài viết của mình sinh động, gợi hình, gợi cảm hơn. Không cần vận dụng tất cả, chỉ một vài biện pháp mà bạn chắc chắn nhất là tốt rồi.
Trước khi kết thúc bài viết này, để bạn đọc tiện theo dõi Ngày ngày viết chữ đã khái quát những điều trên thành một sơ đồ.
Đây là sơ đồ hệ thống hóa các tiêu chuẩn cốt lõi của một bài viết. Những bạn mới chập chững bước vào nghề viết có thể in sơ đồ này ra rồi dán vào sổ tay hoặc trước bàn làm việc, dùng nó làm chuẩn cho những bài viết thuở ban sơ của mình.
Tất nhiên, đây là một hệ thống mở. Bạn hoàn toàn có thể tự thêm những tiêu chuẩn của riêng mình nhằm nâng cao chất lượng bài viết hơn và hơn nữa. Chúc các bạn có thật nhiều bài viết xịn.