Người đan chữ xếp thuyền – Chúng ta lẽ ra nên thận trọng với chữ nghĩa như thế
| On Th905,2020(Ngày ngày viết chữ) Vì ngôn ngữ là một đại dương bao la sâu thẳm, ta cần một con thuyền tốt để vượt qua đại dương ấy. Và một con thuyền tốt lúc này không gì khác hơn là một quyển từ điển tốt. Đây là câu chuyện về một người làm từ điển và đam mê từ điển.
MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC
>> 12 đầu sách giúp bạn thạo tiếng Việt hơn
Khi bác Araki yêu cầu Majime giải thích từ “phải”, Majime đã hỏi ý bác là “phải trong phương hướng hay phải trong tư tưởng”. Khi xác định đó là “phải trong phương hướng”, Majime lại đắn đo:
“Nếu như nói rằng ‘là bên cầm đũa hoặc bút’ thì xem như là đã bỏ qua những người thuận tay trái, mà dù có nói là ‘bên phía lồng ngực không có trái tim’, thì nghe bảo trên đời này vẫn có những người tim nằm phía bên phải. Nếu giải thích là ‘khi quay mặt về hướng Bắc, thì tay phải là hướng Đông’ có lẽ sẽ dễ hơn nhỉ.”
Thế mới thấy, ngôn ngữ, dù là một từ có vẻ rất đơn giản, cũng không chắc là chuyện dễ dàng. Muốn hiểu cho đúng và hiểu cho trúng một từ nào đó, rộng hơn là một ngôn ngữ nào đó, đòi hỏi người ta phải có tư duy logic và bao quát mọi khía cạnh.
Đáng tiếc, không phải ai trong chúng ta cũng có khả năng nhạy bén với ngôn ngữ. Nhưng không sao, bởi đáng mừng là chúng ta có từ điển. Có điều, làm từ điển là việc thật lắm gian truân.
“Mọi người sẽ chọn lọc từ những phần như là địa danh, tên người, những hạng mục có chữ số, những hạng mục cần tranh minh họa,… để đưa vào bản thảo mẫu. Khi Phòng từ điển đã hoàn tất bản mẫu và hoàn thành việc kiểm tra, mọi người mới dựa vào đó để mài dũa lại chất lượng cũng như phương hướng chính thức của từ điển.
Nếu viết bản thảo mẫu thì phải tính toán phỏng chừng cỡ chữ là bao nhiêu, phân đoạn thế nào, thiết kế trang ra sao, rồi sau đó phải tính được số trang toàn quyển, số lượng mục từ có thể ghi chép vào, phải tính trước luôn cả giá tiền nữa.”
Đó chỉ là một vài lát cắt trong chuỗi ngày cần mẫn làm từ điển. Những lát cắt còn lại, có những việc còn nhiêu khê hơn, thậm chí là bực bội. Nhưng những người làm từ điển ấy, có lẽ, khả năng sắp xếp đâu ra đấy, cũng như tinh thần nhẫn nhịn vì toàn cục, cộng thêm tâm thế điềm nhiên, sẵn sàng đón nhận mọi điều không như ý và ra tay thu vén đâu ra đó, đã đưa họ vượt qua mọi trở ngại. Và rồi, đến lúc cuối cùng, bạn đọc của họ có thể “trèo lên chiếc thuyền được gọi là Từ Điển, lao mình trôi nổi giữa mặt biển bao la tăm tối có tên Ngôn Từ, để có thể đón lấy từng tia sáng nho nhỏ”.
Người đan chữ xếp thuyền là một tiểu thuyết của nữ sĩ người Nhật Miura Shion. Tác phẩm không quá dài không quá ngắn, đọc rất vừa vặn. Lối hành văn cũng giản dị, duy có những đoạn khắc họa nội tâm nhân vật thì khiến người đọc hơi ưu tư một chút, nhưng nhìn chung văn phong tạo cảm giác rất dễ chịu. Thỉnh thoảng, Miura Shion tạo ra những cú hích nho nhỏ để “lên gân” cho người đọc, khiến người đọc cũng hồi hộp theo nhân vật, lo lắng thay cho vận mệnh của họ và cả nghiệp chữ nghĩa mà họ đang mang.
Với Người đan chữ xếp thuyền, chúng ta thấy được phần nào cuộc sống tận tụy và giàu ý nghĩa của những người làm nhiệm vụ đan những con chữ thành chiếc thuyền từ điển, đồng thời học cách trân trọng ngôn từ hơn, biết dừng lại nghĩ về những từ hay, biết tìm kiếm ý nghĩa khi gặp một từ lạ. Và từ đó, chúng ta lần lượt khám phá ra biết bao sức mạnh diệu kỳ của chữ nghĩa.
“Hả? Quốc ngữ học là cái gì cơ? Mày chẳng phải đang nói tiếng Nhật đấy còn gì! Cần gì phải lên tận đại học để học môn Quốc ngữ nữa?”
Tôi đã phì cười khi đọc đến câu thoại này của bố Araki. Nếu những bạn học quảng cáo thường bị hỏi “có thể vẽ giùm bác một tấm biển hiệu không”, những bạn học IT thường bị hỏi “có thể cài Win giùm không”, thì những bạn học tiếng Việt sẽ thường gặp những câu hỏi dạng “Ủa sao phải học tiếng Việt? Không phải đã là người Việt rồi à?”
Lần đầu tôi biết đến cái tên “Người đan chữ xếp thuyền” là hồi năm 2018, trong một quán cà phê ở Đường sách Tp.HCM, một người bạn thời đại học đã nhắc đến. Lần thứ hai là trên Facebook của một người chị. Chị ấy viết lời bình cuốn sách này và “tag” tôi vào. Cả người bạn và người chị đều cho rằng tôi giống mấy nhân vật làm từ điển trong sách ấy. Có lẽ vậy. Mặc dù tôi không (hoặc chưa) làm từ điển, nhưng tôi đúng là đọc từ điển mỗi ngày, và đặc biệt tin rằng, đối với một ngôn ngữ mà nói, không gì quý bằng có những quyển từ điển tốt.