Cùng Ngày ngày viết chữ giở Cảo thơm trước đèn
| On Th605,2019(Ngày ngày viết chữ) Nếu có thứ gì đó có thể thu hết tinh hoa nhân loại tự cổ chí kim, giúp ta đọc chuyện người xưa hiểu chuyện người nay, chuẩn bị cho tương lai, thì thứ đó không gì khác hơn là sách.
Đọc sách nghiên cứu sao cho hiệu quả
Tại buổi “Nói chuyện sách: Cảo thơm lần giở trước đèn” do Ngày ngày viết chữ tổ chức vào chiều 02/06/2019, chị Đoàn Bảo Châu, khách mời của chương trình, đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về việc đọc sách nghiên cứu ở trường đại học.
Theo chị Châu, nghiên cứu là một việc không chỉ cần thiết với sinh viên mà còn quan trọng với tất cả mọi người, mọi ngành nghề. Kể cả khi bạn mở một quán trà sữa, bạn cũng cần phải nghiên cứu mọi thứ liên quan về nó. Chị Châu khuyên rằng: “Khi bắt tay làm việc gì đó, ta nên chú trọng nghiên cứu. Nghiên cứu giúp ta biết mình biết địch, biết đúng mà làm, biết sai mà tránh. Nghiên cứu giúp ta có sự chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với tình huống xấu. Nghiên cứu giúp ta nắm được lộ trình phát triển của mình và để mình biết được mình đang đứng ở đâu trên lộ trình đó.”
Đối với sinh viên, những bước nghiên cứu đầu tiên luôn là tự đọc sách và chắt lọc thông tin. Do đó, chị Châu đã hướng dẫn các bạn phân loại sách bằng những thông tin có trên quyển sách đó. Đây là một bước rất quan trọng khi ta bắt đầu tìm tài liệu cho nghiên cứu của mình.
Nhiều người có thói quen vừa nằm vừa đọc sách. Thói quen này có thể chấp nhận được khi bạn đọc truyện, đọc thơ. Nhưng với sách nghiên cứu, bạn nên từ bỏ thói quen này. Để đọc sách nghiên cứu, bạn phải cần có máy tính hay sổ tay hỗ trợ ghi chú, tương tự bảng kẻ dưới đây.
Chủ đề | Đoạn trích, nội dung chọn lọc | Nguồn |
Ghi tóm tắt chủ đề, luận điểm bạn đang nghiên cứu | Trích dẫn nguyên đoạn hoặc lược trích, diễn giải những gì bạn đọc được và thấy quan trọng | Ghi nguồn đầy đủ (tác giả, tên sách, nơi xuất bản, thời gian,…) |
Bảng ghi việc đọc trên đây sẽ giúp bạn thấy được mình đã đọc những gì, những thứ đó đã đủ để viết bài luận hay công trình nghiên cứu của bạn chưa. Bảng ghi này càng rõ ràng, chính xác thì việc viết bài nghiên cứu sau này của bạn càng thuận tiện.
Những điều cần lưu ý khác khi đọc sách nghiên cứu
Bên cạnh việc lấy ý kiến từ các nguồn sách khác, một công trình nghiên cứu thực thụ không thể thiếu những phát kiến mới. Các bạn sinh viên có thể “đứng trên vai người khổng lồ” khi dẫn giải các góc nhìn, quan điểm khoa học khác. Nhưng điều thực sự khiến nghiên cứu của bạn có giá trị chính là những phát hiện và đề xuất mang tính cá nhân. Luôn đưa ra một phát hiện, một đóng góp gì đó mới sau khi đọc rất nhiều sách nghiên cứu. Có như thế thì nghiên cứu mới thật sự có ý nghĩa.
Ngoài chia sẻ trên, chị Châu còn hướng dẫn cho các bạn cách làm “trích lục” chuẩn xác theo quy tắc quốc tế. Cuối buổi nói chuyện, chị Châu giải thích cho các bạn hiểu vì sao chúng ta phải làm trích lục cẩn thận. Mức độ tin cậy của một công trình nghiên cứu thường được đánh giá dựa trên bảng trích lục của nó. Các nguồn như Wikipedia, hay kể cả các bài viết trên Ngày ngày viết chữ chỉ mang tính tham khảo; là nguồn thứ cấp. Để tăng độ tin cậy, bạn cần truy được nguồn sơ cấp của mỗi lý lẽ, quan điểm. Những bạn có ý định đi du học hoặc làm nghiên cứu chuyên sâu nên chú ý phần trích lục này, sẽ rất có lợi cho việc học của các bạn về sau.
Các bạn quan tâm việc trích nguồn đúng đắn, có thể tham khảo cách làm trong hai link tại đây và tại đây.
Và câu chuyện Cảo thơm lần giở trước đèn
Chủ đề của buổi nói chuyện là “Cảo thơm lần giở trước đèn”, lấy ý từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. “Cảo thơm lần giở trước đèn” – đêm khuya ngồi đọc một quyển sách hay – cũng là thông điệp chính mà Ngày ngày viết chữ muốn nhắn gửi đến người tham dự. Hiện nay, hầu như ai trong chúng ta cũng bận rộn. Thời gian nhàn nhã dành cho một quyển sách vốn ít ỏi lại ngày càng bị mạng xã hội và nhiều thứ khác chiếm hết.
Kỳ thực, người xưa cũng bận rộn chẳng kém người nay, nên mới nói “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Chỉ có thời điểm buổi đêm yên tĩnh, ta mới có sự tập trung tốt nhất cho sự đọc.
Theo chị Nguyễn Thùy Dung, sáng lập và điều hành Ngày ngày viết chữ, chúng ta không cần mỗi ngày đều dậy sớm “chong đèn” đọc sách. Chuyện đó quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu mỗi tuần có thể dậy sớm đôi ba ngày để tập trung đọc sách thì khoảng thời gian này rất quý giá.
Ngày ngày viết chữ mong rằng buổi nói chuyện này sẽ giúp các bạn tích lũy chút ít kinh nghiệm đọc sách cho mình. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những buổi trò chuyện như thế này. Để qua đây, chúng ta sẽ cùng tích góp cho mình nhiều hơn những điều bổ ích nhé!
Ngày ngày viết chữ chúc các bạn ngày ngày vui vẻ, ngày ngày tiến lên!