4 bài học viết từ các tác phẩm văn học thiếu nhi
| On Th820,2022(Ngày ngày viết chữ) Bài viết này bàn về một số đặc điểm câu chữ thường thấy ở nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi mà người mới bắt đầu học viết có thể học hỏi được.
Văn học thiếu nhi ở đây bao gồm những tác phẩm viết cho thiếu nhi (như truyện đồng thoại, cổ tích) và những tác phẩm tuy không hướng đến đối tượng độc giả là thiếu nhi nhưng có (những) nhân vật chính là thiếu nhi. Cũng phải nói thêm rằng, không phải mọi tác phẩm viết cho thiếu nhi đều giản dị, nhưng nhìn chung thì là vậy. Chính nét giản dị đặc trưng ấy là lý do mà người mới cầm bút nên dành thời gian tìm tòi, học hỏi cách viết của các tác phẩm thuộc nhóm này.
1. Câu văn ngắn gọn, lời văn trong sáng
Hầu hết tác phẩm văn học thiếu nhi đều có câu văn ngắn gọn và lời văn trong sáng. Tác giả viết thể loại này thường chú trọng tính giản dị, dễ hiểu, nên câu chữ của họ không phô trương, không nhồi nhét. Chúng ta xem thử đoạn văn này trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần:
Bàn tay phải của chú chỉ có bốn ngón. Chú nói đó là vì chiến tranh. Một viên đạn bay ngang cắt đứt nó. Chú là người may mắn, nhiều người đứt cả bàn tay, bàn chân. Như ông Tư xóm tôi, chỉ còn khúc mình, ông buồn lắm. Chú nói chú cụt một ngón tay còn buồn, huống gì ông Tư.
Có một lần chú cõng tôi ra cồn, chỉ vào một lùm cây, nói ngón tay chú nằm chỗ này. Mỗi lần đi ngang đó chú đều nhớ ngón tay, nhớ khủng khiếp. Cho nên chú hay tránh con đường đó, nó khiến chú nhớ lúc còn lành lặn. Một cơ thể lành lặn bao giờ cũng thật đẹp. Những con người mất đi một phần cơ thể là mất đi những niềm vui. Thay vì vui mười ngón, chú chỉ còn niềm vui chín ngón. Ngón thứ mười trở thành nỗi buồn.
Có thể dùng bốn câu tục ngữ “nói gần nói xa chẳng qua nói thật” cải biên đi một chút thành “viết gần viết xa chẳng qua viết thật” để hình dung cách viết được thể hiện trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi khác. Tính trực quan, có gì viết nấy có thể nói là một đặc điểm lớn của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi. Chính vì luôn thể hiện đúng điều phải truyền đạt chứ không lòng vòng, bóng gió xa xôi nên câu văn trong những tác phẩm này rất gọn ghẽ, rất cụ thể, đọc vào là hiểu ngay nội dung mà tác giả muốn thể hiện. Đây là điều mà những ngòi bút mới rất nên học để tránh những lờ nhận xét kiểu “viết gì lòng vòng khó hiểu quá em”. Kỳ thực, việc viết sao cho dễ hiểu rất nên được đặt làm tiêu chí đầu tiên khi đánh giá chất lượng của mọi bài viết, mọi tác phẩm.
Chúng ta cũng nên chú ý lời thoại trong tác phẩm văn học thiếu nhi, chẳng hạn lời thoại trong truyện đồng thoại của Tô Hoài. Đây là một đoạn hội thoại trong truyện Chuột thành phố:
Anh ta cười ha hả:
– Nhịn đói phỏng?
Tôi gật.
– Mấy ngày rồi?
– Bốn.
– Dáng hẳn đằng ấy ở vùng khác đến?
Tôi gật.
– Thảo nào. Vùng này, ai còn lạ cái nhà đó. Nhà gạch, mái ngói nhưng không thể xơ múi gì.
– Tại sao thế?
– Họ ăn cơm tây chứ sao! Không có gạo. Không có nước mắm. Nghĩa là không có thứ gì ta lấy được. Ở đấy thì chỉ chết đói nhăn răng ra.
– Tôi không ngờ…
– Cũng nên ngờ một chút chứ. Đằng ấy tính, cái nhà gạch đẹp đẽ thế kia, làm sao mà cánh ta không có ai đến ở? Ắt cũng vì cớ gì chớ? Thôi, tôi khuyên bác, từ giờ có đi kiếm ăn, đừng bén mảng vài những của nhà giàu mà nguy hiểm.
Điểm đáng học hỏi nhất của đoạn thoại này cũng như rất nhiều lờ thoại khác trong tác phẩm của Tô Hoài là tính tự nhiên. Những lời thoại rất gần, rất sát với thực tế thế này rất nên được học hỏi vì chúng góp phần giúp cho tác phẩm thêm giàu sức sống trong lòng người đọc.
2. Diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh
Đây là cách Tô Hoài miêu tả cảnh đàn chuột bỏ chạy tán loạn vì sợ mèo trong truyện Đám cưới chuột:
“Anh vác loa cút trước nhất. Mấy thằng cầm cờ cũng quẳng cờ mà chạy. Và có mấy tên rước biển “Vinh Quy” đều ù té chuồn. Chỉ có anh đánh trống thì vẫn cắm cúi mải mê đánh trống thòm thòm, không ngẩng đầu lên, cũng không nghe thấy gì.”
Đoạn này chúng ta học được hai điều. Một là học cách dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa để diễn tả cùng một sự vật, hiện tượng. Cùng hành động chạy, Tô Hoài dùng cút, chạy, ù té chuồn. Cùng gọi cá thể chuột, Tô Hoài dùng anh, thằng, tên. Hai là việc sử dụng các từ/ngữ láy và có dạng láy để miêu tả (cắm cúi, mải mê, thòm thòm).
Còn đây là một đoạn trích vẫn là trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần.
Trăng đã lên, sáng vằng vặc. Có nghĩa là trời không mưa. Những đám mây trắng tinh như gấu bông bay nhởn nhơ; lúc thì bay qua, lúc thì bay lại, có lúc dồn ép vào nhau như những núi tuyết. Lại có một đám mây như hình em bé trôi nhẹ đi, cổ quàng một chiếc khăn lớn. Mặt trăng tròn vành vạnh nhô ra ở giữa như cái nôi bập bềnh, lúc thì lồng bên dưới đứa trẻ, lúc thì chạy lên phía trên không thể nào đoán trước được. Người ta nói trong mặt trăng có chị Hằng. Chị đẹp lắm nên lúc nào cũng giấu mặt trong những lưới mây. Tôi chỉ thích trong mặt trăng có một đứa bé như con cô Hồng chẳng hạn. Một đứa bé sẽ làm cô Hồng cười khi từ trạm xá về, chú Hùng sẽ không khóc, mọi người đến thăm có cái để bồng, để ha hả.
Đoạn trích này miêu tả khung cảnh buổi đêm và nội tâm của em bé “tôi” sau khi trải qua một biến cố. Lời văn giản dị nhưng giàu hình ảnh, đọc thì nhẹ nhàng nhưng lòng thì day dứt.
Còn đây là một đoạn trích tả mưa trong Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh.
Mưa, đối với tôi không phải là cái gì xa lạ. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe mưa dưới mái tôn. Những hạt mưa gõ vào mái tôn tạo ra một âm thanh khác hẳn khi chúng rơi trên mái ngói. Rầm rầm. Rầm rầm. Rầm rầm. Nghe như có hàng ngàn con ngựa phi ngay trên đầu. Nghe như ông trời đứng vãi đá từ trên cao. Nghe như ai đó đang thét gào giận dữ. Cuối cùng là nghe như mái nhà sắp sập xuống và đè bẹp chúng tôi.
3. Rèn cách viết dí dỏm
Không phải tác phẩm nào viết cho thiếu nhi Văn học thiếu nhi cũng hài hước nhưng thường thì chúng ta rất dễ tìm thấy những câu chữ dí dỏm, buồn cười trong nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi. Và những gì hài hước thì thường dễ gợi hứng thú.
Chúng ta có thể thử tham khảo Lại thằng nhóc Emil – một tác phẩm xuất sắc của Astrid Lindgren. Emil là một cậu bé nghịch ngợm và lắm trò. Đến nỗi có lần, dân làng Lönneberga (nơi Emil sống) muốn tống khứ nó đi Mỹ cho xong. Và họ đã thực sự quyên góp tiền để thực thi mong muốn đó. Đoạn trích dưới đây liên quan đến vấn đề gửi Emil đi Mỹ.
Họ tin rằng làng Lönneberga sẽ yên tĩnh hơn nhiều nếu Emil không còn sống ở đó, và cố nhiên họ có lý. Nhưng mẹ của Emil đã nổi giận đùng đùng, quăng ngay túi tiền qua cửa sổ, khiến những đồng tiền bay vung vãi khắp làng.
– Emil là một thằng bé dễ thương, – bà nói. – Chúng tôi yêu nó như nó vốn thế!
Còn Lina, cô hầu gái của trang trại Katthult, thì bảo:
– Thì chúng ta cũng phải nghĩ cho những người Mỹ một tí chứ. Họ có làm điều gì xấu với chúng ta đâu. Hà cớ gì chúng ta lại đem thằng Emil quàng vào cổ họ?
Mẹ Emil nghiêm khắc lừ mắt với Lina, khiến cô nhận ra mình vừa nói điều gì đó ngu ngốc. Cô bắt đầu lắp bắp, định sửa sai:
– Vâng, thưa bà, chả là trên tờ “Thời báo Vimmerby” có đăng tin về trận động đất khủng khiếp bên Mỹ… Ý cháu là… bên ấy sẽ có quá nhiều tai hoạ, nếu như bây giờ lại thêm thằng Emil…
– Im đi, Lina! – mẹ Emil nói. – Cô xuống chuồng bò mà vắt sữa đi, đấy mới là việc của cô.
Thế là cô Lina xách xô sữa chạy xuống chuồng bò. Cô ngồi xuống, vắt lấy vắt để khiến sữa bắn tung toé. Cô Lina luôn làm việc tốt nhất mỗi khi cô hơi nổi giận. Vì thế nên lúc này cô vắt sữa hăng hơn bình thường, miệng làu bàu:
– Thì cũng phải công bằng một tí chứ! Sao lại bắt người Mỹ phải gánh chịu mọi nỗi khổ ải. Nhưng nếu được, mình sẵn sàng đánh đổi với họ, mình nghĩ… mình nghĩ mình sẽ viết cho họ thế này: “Đấy, phần các người thằng bé Emil! Mau gửi động đất sang đây cho tôi!”
Một số tác phẩm khác cũng có giá trị tham khảo để học cách viết hài hước là loạt tác phẩm Nhóc Nicolas (René Goscinny sáng tác và Jean-Jacques Sempé minh hoạ) và nhiều tác phẩm của David Walliams như Bánh mì kẹp chuột, Bà nội găngxtơ, Lũ trẻ hư nhất quả đất,…
4. Học cách giấu những thông điệp lớn lao vào những chi tiết bình thường
Một người lớn đọc văn học thiếu nhi có lẽ sẽ không xa lạ gì với việc ẩn bên dưới những con chữ giản dị, những câu chuyện bình thường không thể bình thường hơn là những thông điệp lớn lao mà nhiều khi, người lớn cũng không hiểu được. Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, hoặc truyện đồng thoại của Tô Hoài mà ấn tượng nhất là Dế Mèn phiêu lưu ký, hoặc là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần đã nhắc ở trên, loạt truyện Nhóc Nicolas hay những tác phẩm của David Walliams, của Luis Sepúlveda,… không đâu là không tìm thấy những thông điệp xúc động và có sức khơi gợi đối với người đọc.
Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, có một đoạn thế này:
Tôi vừa có phần lo, lại vừa có phần vui. Có gì đâu mà má tôi lại mặt xanh mày xám thế kia? Lâu lâu, tản cư một lần thế này cũng vui như các bận quân đồng minh ném bom bọn Nhật, đi ít hôm rồi lại về. Lúc về, trong các buổi đến trường gặp nhau chúng tôi càng thêm nhiều chuyện vui hơn trước.
Đoạn văn ngắn ngủi này một mặt làm người đọc ngậm ngùi vì tâm tính vô lo, ngây thơ của trẻ con khi bị vây trong khói lửa chiến tranh, một mặt lại có sức làm cho người đọc lạc quan cũng bởi vì tâm tính vô lo, ngây thơ ấy. Văn học thiếu nhi luôn có khả năng giúp người trưởng thành nhìn lại thế giới một lần nữa bằng đôi mắt của trẻ con, từ đấy ngộ ra nhiều điều mà có lẽ, bình thường chúng ta không nhìn thấy được do mắt mình có quá nhiều định kiến.
4 bài học viết này, đương nhiên vẫn có thể tìm thấy ở những tác phẩm văn học không dành cho thiếu nhi. Thế nhưng, có lẽ vì tính trong trẻo thường hiện hữu mà văn học thiếu nhi vẫn luôn là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn bắt đầu học viết thông qua việc đọc. Và nếu bây giờ bạn muốn bắt đầu học cách viết trực quan, ngắn gọn nhưng vẫn nên thơ, thì Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần có lẽ một sự khởi đầu đáng thử.